Hôm nay, tôi đọc được bài viết của một thành viên đăng trên nhóm Facebook Otofun cảnh báo về chiêu "nhầm tiền" tại cây xăng. Bản thân tôi cũng từng rơi vào tình huống tương tự nên muốn chia sẻ thêm để mọi người phòng tránh.
Do phải đi tỉnh nhiều, tôi cũng thường xuyên đổ xăng tại các trạm dọc đường cao tốc. Khi vừa đỗ ô tô thì đã có nhân viên đứng cạnh xe, ra hiệu cho tài xế mở cốp chỗ bình xăng (nắp ngoài) và người này sẽ mở giúp nắp bình xăng (nắp xoáy bên trong). Như vậy, tài xế chỉ việc ngồi trong ô tô và trả tiền, không cần xuống xe.
Tuy nhiên, cũng chính sự tiện lợi này tạo sơ hở cho việc "nhầm lẫn". Tôi thường đổ đầy bình mỗi lần vào trạm thay vì đổ tròn theo số tiền. Có lần, đồng hồ trên cột bơm xăng hiển thị 905.000 đồng nhưng nhân viên lại báo là 950.000 đồng. Lần khác, nhân viên thông báo số tiền 1.200.000 đồng, song trên đồng hồ chỉ là 1.020.000 đồng.
Thành viên Otofun chia sẻ về lần đổ xăng mà trên đồng hồ hiển thị 1.015.000 đồng, trong khi nhân viên lại báo số tiền là 1.150.000 đồng (Ảnh: TSS).
Nếu bị 1-2 lần thì tạm cho rằng nhân viên nhầm lẫn, chứ tôi bị tới lần thứ 4 thì đây được xem là "nhầm lẫn" có hệ thống rồi. Đương nhiên, tất cả những lần này tôi đều phát hiện ra nhưng ngay cả khi yêu cầu nhân viên xem lại số tiền, người này vẫn cố tình đọc con số sai.
Qua câu chuyện của thành viên chia sẻ trên Facebook và chính trải nghiệm của mình, sẽ thật khó để tin rằng đây là sự "nhầm lẫn vô tình". Ngoài sự im lặng, cũng chẳng có lời xin lỗi nào được đưa ra từ những người bán hàng hay quản lý.
Giá xăng hiện nay sắp chạm ngưỡng 33.000 đồng/lít, kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá. Sự khó khăn là chung cho tất cả mọi người, đừng vì thế mà nhân viên cố tình "nhầm lẫn" như vậy. Ở hai ví dụ trên, nếu tôi không kịp thời phát hiện ra thì lần mất 45.000 đồng, lần mất 180.000 đồng, là số tiền không hề nhỏ.
Để hạn chế việc "nhầm lẫn" này, tôi cho rằng khách hàng nên xuống xe và đứng gần vòi bơm để dễ quan sát. Đảm bảo trước khi tiếp nhiên liệu thì đồng hồ trên cột xăng được đưa về mức 0, tránh trường hợp bơm nối, cộng dồn tiền của xe trước. Bản thân việc chủ xe đứng gần cột bơm cũng khiến ai có ý định gian lận sẽ phải dè chừng hơn.
Thứ hai, thay vì chọn bơm đầy bình thì có thể bơm theo số tiền chẵn, 500.000 đồng, 1 triệu đồng hay 1,2 triệu đồng… Giá nhiên liệu đang vô cùng đắt đỏ, xe bơm gần đầy là được chứ tránh việc bơm nhồi, bơm cố sẽ dễ bị tràn ra ngoài, vừa lãng phí mà vừa không tốt cho xe. Bơm xăng tròn theo số tiền cũng tránh được việc "đọc nhầm".
Ngoài ra, có thể cân nhắc đổ xăng tại những trạm quen, có thương hiệu uy tín thay vì chọn những điểm lạ dọc đường. Với những bác tài đi ô tô có cả phiên bản máy xăng và máy dầu (chẳng hạn Hyundai Tucson, Kia Sorento…) thì việc xuống xe quan sát, đọc rõ loại nhiên liệu mình cần đổ cũng tránh được việc nhầm lẫn.
Theo báo Dân Trí