Ngành đường sắt cần đầu tư hệ thống thiết bị tự động hoàn toàn, không phụ thuộc vào con người
Thiết bị công nghệ gây mất tập trung:
Tổng công ty đường sắt VN (VNR) gửi báo cáo lên Bộ GTVT về các giải pháp cấp bách đảm bảo an toàn giao thông đường sắt sau hàng loạt tai nạn liên tiếp. Theo đó, ngoài các giải pháp như siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, thi sát hạch lại đội ngũ nhân viên, ứng dụng công nghệ thông tin...; VNR sẽ nghiên cứu, ban hành quy định cấm sử dụng các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh (smartphone) nhằm hạn chế nguy cơ tiềm ẩn mất tập trung trong công việc khi lên ban của người lao động. Quy định này được áp dụng đối với một số chức danh, vị trí công tác trực tiếp liên quan đến an toàn chạy tàu như gác ghi, lái máy, trực ban, gác chắn (chỉ cho phép sử dụng điện thoại thông thường). Nhân viên phục vụ chạy tàu không được sử dụng smartphone, máy tính bảng để chơi trò chơi, vào mạng xã hội, xem bóng đá… Người lao động sẽ phải ký cam kết không để xảy ra tai nạn hoặc sự cố chạy tàu, không uống rượu bia, chơi cờ bạc, bỏ vị trí làm việc.
Cấm nhân viên đường sắt dùng điện thoại thông minh
ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - An toàn giao thông đường sắt của VNR, cho biết hiện đây mới chỉ là 1 phương án được tổng công ty nêu ra, đang lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Nếu nhận được sự đồng ý từ phía người lao động và phê duyệt của Bộ LĐ-TB-XH mới bổ sung vào nội quy của người lao động. Ông Chiến phân tích, kết luận nguyên nhân gây ra loạt tai nạn đường sắt thời gian qua phần lớn do nhân viên vi phạm kỷ luật, trong đó có trường hợp thiếu tập trung xuất phát từ việc sử dụng thiết bị công nghệ. “Tuy nhiên mọi quy định sẽ được trao đổi thống nhất với cả phía người lao động, không cứng nhắc, không dùng mệnh lệnh hành chính để ép buộc”, ông Chiến khẳng định.
Quan trọng là ý thức
Ủng hộ quy định mới của VNR, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng giao thông đường sắt đòi hỏi các hoạt động có tính khớp nối và độ chính xác cực cao. Theo ông Thủy, cần nhìn nhận vấn đề theo đúng chức năng: Ngành đường sắt cấm sử dụng smartphone để chơi game, vào mạng internet trong giờ làm, hạn chế sự xao lãng, buồn ngủ, thiếu tập trung chứ không phải cấm tuyệt đối người lao động không mua, sử dụng smartphone. “Trong các vị trí công việc liên quan đến tính mạng người dân, xã hội, phải chấp nhận hy sinh, chịu thiệt thòi”, ông Thủy nêu ý kiến.
Đi vào tận gốc vấn đề, TS Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên bộ môn đường sắt - metro, Trường ĐH GTVT TP.HCM, cho rằng quan trọng nhất vẫn là ý thức người lao động. Từ đó, người lao động mới chủ động rèn luyện kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Đơn cử như nhân viên gác chắn, phải được trau dồi kỹ năng sắp xếp thời gian theo tổng quan kế hoạch chạy tàu, quản trị hợp lý để không có thời gian chết. Bên cạnh đó, cần được tập huấn ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh, chủ động trong mọi tình huống. Về lâu dài, cần đầu tư hệ thống thiết bị tự động hoàn toàn, không phụ thuộc vào con người.
Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua việc cấp 7.000 tỉ đồng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 cho đường sắt. Đại diện VNR cho biết số vốn trên sẽ được ưu tiên cho việc cải tạo, nâng cấp các hạng mục cầu, hầm, đường suy yếu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; làm đường gom, rào chắn, xóa bỏ khoảng 800 lối đi tự mở. Thực hiện các dự án cải tạo, kéo dài đường ga, đặt thêm đường sắt trong ga ở một số ga năng lực yếu nhằm nâng cao năng lực vận tải. |
Theo Báo Mới