Cầu Rạch Miễu là một trong những công trình Việt Nam làm chủ công nghệ cầu dây văng - Ảnh: Tạ Tôn

Thiếu đồng bộ

Cho biết về công tác ứng dụng KHCN ngành GTVT giai đoạn 5 năm 2012-2017, Vụ KHCN (Bộ GTVT) khẳng định, nhiều công nghệ mới, vật liệu mới được đưa vào các công trình, dự án thông qua việc chuyển giao, tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam cũng như qua áp dụng kết quả nghiên cứu, sáng tạo trong nước. Đại diện Vụ KHCN cũng dẫn ví dụ về công nghệ đúc hẫng cân bằng cầu bê tông cốt thép nhịp cân bằng; công nghệ xây dựng cầu dây văng nhịp lớn; công nghệ thi công hầm đường bộ NATM; công nghệ lớp phủ siêu mỏng Novachip; công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ kết cấu áo đường ô tô bằng nhũ tương cải tiến và xi măng…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc ứng dụng KHCN còn chưa đồng bộ và thiếu đồng đều giữa các lĩnh vực. “Ứng dụng KHCN mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực cầu đường bộ. Các lĩnh vực khác như đường thủy nội địa, đường sắt rất yếu. Ngay cả trong lĩnh vực cầu đường, vẫn còn những công nghệ Việt Nam không làm được dù rất nỗ lực như công nghệ mặt đường”, Thứ trưởng nói.

Thừa nhận yếu kém trong ứng dụng KHCN, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, hiện việc duy tu đường sắt vẫn chủ yếu làm thủ công. Các đề tài nghiên cứu nếu có cũng chủ yếu phục vụ cho vận tải như thiết kế, lắp đặt dàn trải mạch điện đầu máy D19E phục vụ kiểm tra, sửa chữa điện đầu máy; Ứng dụng công nghệ vi sinh để khử mùi tàu…

Tại một cuộc họp về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, ứng dụng KHCN trong ngành GTVT vẫn chưa đạt yêu cầu. Dẫn ví dụ, Bộ trưởng chỉ rõ, thiết kế cầu thời gian qua sàn còn quá dày, dầm, xà mũ… đều to và nhiều, khiến khối lượng xây lắp tăng. Cũng như vậy, kết cấu mặt đường rất dày.

“Trên thế giới, mặt đường chỉ dày 35-40cm. Những lớp bên dưới được gia cố, dùng vật liệu mới, hóa chất để  tạo độ cứng cho mặt đường. Trong khi đó, đường của ta thì đầm, nén, đổ nhiều lớp, dày 70-80cm tốn rất nhiều vật liệu, công sức, thời gian và chi phí tốn kém”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Xây dựng định mức năng suất, tạo đòn bẩy ứng dụng KHCN

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc hệ thống về đơn giá, định mức của Việt Nam nhiều năm qua không thay đổi nhiều với thời bao cấp chính là rào cản lớn nhất của việc ứng dụng KHCN. “Định mức phải gắn với thực tế sản xuất. Hệ thống định mức cũ tuy nhiều, chi phí cao nhưng không tạo ra được sản phẩm tốt”, Thứ trưởng cho hay.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết đang rà soát các định mức kinh tế, kỹ thuật. “Riêng chuyên ngành đường bộ đã có khoảng 400 mã định mức lạc hậu, không phù hợp”, bà Hiền thông tin.

Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp bỏ tiền làm công nghệ mới

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp bỏ tiền ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách. Thậm chí, khi nghiên cứu, xây dựng dự án, phải xác định luôn công nghệ, vật liệu cần thực hiện để xây dựng định mức, đơn giá mới. Ban hành tiêu chuẩn tạm thời đối với những công nghệ cần có thời gian thử nghiệm. Nếu thành công thì áp dụng nhân rộng với các công trình, dự án tiếp theo.

Hơn nữa, việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN phải hướng theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải tăng cường xây dựng, ứng dụng hệ thống điện tử. “Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành GTVT hiện rất khó khăn, manh mún, không hướng tới được mục tiêu chia sẻ thông tin và nắm bắt thông tin, dữ liệu. Cần thiết kế lại hệ thống hệ thống thông tin điện tử toàn ngành, từ đó làm cơ sở dữ liệu để điều hành”. Thứ trưởng Đông nói và nhấn mạnh, với những lĩnh vực ít công trình, dự án có thể chuyển giao, áp dụng công nghệ mới như lĩnh vực cơ khí…, các đơn vị phải đưa vào kế hoạch ứng dụng KHCN hàng năm để bố trí kinh phí.

Liên quan vấn đề này, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa VN Hoàng Hồng Giang cho biết, trước đây các bước bảo trì làm thủ công nên định mức chủ yếu theo nhân công, giờ có nhiều đổi mới, có nhiều công đoạn dùng máy nhưng vẫn áp theo định mức cũ.

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục QLXD & CLCTGT Bộ GTVT cũng cho rằng, cần xây dựng lại hệ thống định mức theo năng suất để tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ mới. Hiện chỉ các dự án, công trình có vốn, nhà thầu nước ngoài mới áp dụng được định mức năng suất vì không bị ràng buộc bởi hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của Việt Nam. Cùng với đó rà soát, cập nhật hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và điều chỉnh cho phù hợp với xu thế. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu và tham mưu đưa vào trong hồ sơ mời thầu, để khi chấm thầu sẽ tính điểm cộng cho các nhà thầu áp dụng và đề xuất được công nghệ tiên tiến hơn”, ông Thành đề xuất.

Một rào cản khác cho việc ứng dụng KHCN được các chuyên gia, nhà quản lý đề cập là việc ngân sách Nhà nước dành cho KHCN chưa đáp ứng được nhu cầu.

PGS. TS Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết, ngân sách sự nghiệp KHCN được cấp của Bộ GTVT càng ngày càng eo hẹp. Kinh phí cấp cho ứng dụng KHCN năm 2018 thậm chí còn thấp hơn năm 2015. Các đề tài ở quy mô liên ngành, cấp quốc gia lại do Bộ KHCN chủ trì, mất nhiều thời gian chờ xét duyệt. Có đề tài Bộ GTVT đề nghị nhưng phải đến 1 - 2 năm sau mới được phê duyệt.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Hồng Giang cho biết, năm 2016, Cục có ý định xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ra vào cảng, bến bằng tin nhắn điện tử, nên muốn trang bị cho các cảng vụ viên máy tính bảng, chi phí cả hệ thống chỉ khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng thông tư của Bộ Tài chính trước đây không cho phép chi mục này. 

Theo Báo Giao Thông