Quý I năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 25 vụ, làm chết 04 người, bị thương 47 người. Số vụ (25/25) tương đương về số vụ; số người chết (4/16), giảm 12 người, giảm 75%; số người bị thương (47/31) tăng 16 người, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Đạt được kết quả trên, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT, các cơ quan báo, đài kịp thời đưa tin về tình hình trật tự an toàn giao thông; tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phê phán các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông.Triển khai Cuộc thi “Giao thông học đường” đến Sở Giáo dục và đào tạo có 107 thí sinh tham dự vòng thi cấp tỉnh, kết quả đạt 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba, được tham dự vòng thi quốc gia 02 thí sinh. Cấp phát tuyên truyền hơn 1.000 quyển cẩm nang an toàn giao thông nông thôn và 95.000 tờ rơi tuyên truyền về vi phạm nồng độ cồn, về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát 5.635 ca, với 25.432 cán bộ, chiến sỹ tham gia (so với cùng kỳ tăng 1.267 ca (5.635/4368) và 5.068 cán bộ, chiến sỹ tham gia (25.432/20.364).Số trường hợp lập biên bản xử lý vi phạm TTATGT: 17.694 trường hợp, ra quyết định xử phạt: 15.045 trường hợp, với số tiền: 12.915.445.000đ .Tước quyền sử dụng (có thời hạn): 1.855 GPLX. Tạm giữ: 4.719 phương tiện.
Tình hình vận tải trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu được đảm bảo tốt, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại và các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, tăng giá vé trái quy định, tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, tàu ổn định. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức điều hành đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ đồng thời phân định rõ và phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức gương mẩu chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông.
Công an tỉnh thường xuyên tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, luân chuyển công tác, luân chuyển địa bàn đối với các cán bộ, chiến sỹ ở địa bàn trên 03 năm đã phát huy hiệu quả trong công tác tuần tra, kiểm soát. Công tác tuần tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, góp phần kềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trong dịp tết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị đánh giá vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm, vào cuộc chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Điển hình là đến nay các đơn vị, địa phương chưa xử lý dứt điểm xe hợp đồng trá hình, bến dù, bến cóc; các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân, Ngọc Hiển không tổ chức tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017; đến nay huyện Trần Văn Thời không giao kinh phí đảm bảo ATGT cho Thường trực Ban để hoạt động. Huyện Năm Căn để tồn tại tình trạng xe chở vật liệu xây dựng quá tải, Báo Cà Mau, Đài Phát thanh – Truyền hình Cà Mau đã phản ánh nhiều lần, nhưng lãnh đạo huyện thiếu quan tâm, chỉ đạo nên tình trạng này vẫn tiếp diễn trên địa bàn.
Một bộ phận người tham gia giao thông hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông nên dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy trên địa bàn. Xe hợp đồng trá hình vẫn hoạt động ở địa bàn các huyện, thành phố, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các địa phương chưa có chuyển biến tích cực. Nguyên nhân là do người đứng đầu các địa phương chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt, các lực lượng chức năng của các địa phương còn buông lỏng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với loại hình này. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ nên chưa xử lý triệt để tình trạng này.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Quý II năm 2017, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đưa công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông đến tận các xóm, ấp. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục về văn hoá giao thông, tác hại của việc sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện, quy định về tốc độ khi lái xe, vận động người dân mặc áo phao, sử dụng dụng cụ cứu sinh khi đi phương tiện thuỷ. Tăng cường công tác giáo dục về an toàn giao thông trong thế hệ trẻ và học sinh, sinh viên.
Tăng cường công tác cưỡng chế vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ; vi phạm nồng độ cồn; đi sai phần đường, làn đường; không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách; chở quá tải, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm, phương tiện đi đêm không có đèn chiếu sáng,...truy tố trước pháp luật đối với các hành vi vi phạm đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tăng cường công tác quản lý vận tải hành khách, định kỳ kiểm tra sức khỏe các lái xe khách, quản lý chặt chẽ phương tiện ở bến đi, bến đến, ngăn chặn kịp thời lái xe uống rượu, bia trước khi lái xe, lái liên tục quá thời gian quy định./.
Huỳnh Anh