Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tại Quyết định số 3211/QĐ- BGTVT ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Trong đó,

Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường Cao tốc Việt Nam: Nghiên cứu, phối hợp cơ quan liên quan để đề xuất sửa đổi các quy định nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; tạo thuận lợi kết nối các tuyến đường để đẩy mạnh phát triển du lịch vùng và liên vùng; tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ kết nối với các khu vực, điểm du lịch nhằm đảm bảo các phương tiện tiếp cận các khu du lịch, vùng du lịch trọng điểm của địa phương. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; nâng cấp hạ tầng công nghệ đảm bảo việc kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, qua đó hỗ trợ kiểm soát được an ninh, an toàn cho hoạt động du lịch. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ các tỉnh, thành phố để hoàn thành hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ, tạo thuận lợi cho khách du lịch đồng thời bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo đảm quốc phòng an ninh trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm an toàn cho khách du lịch tham gia giao thông, sử dụng dịch vụ hỗ trợ tại các bến xe, trạm dừng nghỉ.

Cục Hàng không Việt Nam:Triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam: Rà soát Hiệp định về hàng không đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ để thúc đẩy triển khai và tạo thuận lợi hơn nữa cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam và đến địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam. Nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không của Việt Nam, trọng tâm là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; phát triển loại hình “thuê chuyến” phục vụ du lịch. Hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm các đường bay mới từ các tỉnh, thành phố trung tâm đến các tỉnh, thành địa phương đang có sân bay nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các địa phương. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm an toàn cho khách du lịch tham gia giao thông, sử dụng dịch vụ hỗ trợ tại các sân bay. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay (slot) theo hướng sử dụng linh hoạt các slot trong hoạt động khai thác quốc tế, nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; hỗ trợ các hãng hàng không trong việc trao đổi với các nhà chức trách hàng không nước ngoài về việc sử dụng slot bay quốc tế trên cơ sở có đi có lại để tạo điều kiện cho các hãng hàng không phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển du lịch. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tham mưu về giá vé hàng không, nâng cao khả năng cạnh tranh với các hãng quốc tế.

Cục Đường sắt Việt Nam: Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong hoạt động vận tải khách tại các nhà ga; nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tăng cường công tác giáo dục đội ngũ lái tàu và các chức danh có liên quan trực tiếp tới công tác chạy tàu thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vận tải đường sắt. Phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường khai thác các tuyến đường sắt phục vụ khách du lịch, đặc biệt vào mùa cao điểm để đap ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch.

Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam: Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách, đặc biệt chú trọng đối với các tuyến từ bờ ra đảo, vận tải khách ngang sông, các tuyến đường thủy nội địa phục vụ cho khách du lịch; Chỉ đạo thực hiện thường xuyên việc bảo đảm trật tự, vệ sinh công cộng tại các khu vực bến cảng; Phối hợp trong việc thực hiện nâng cấp các cảng, bến đảm bảo các phương tiện tiếp cận các khu du lịch, vùng du lịch trọng điểm của địa phương.

Sở GTVT, Sở GTVT - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển sản phẩm, thị trường; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng.  Phối hợp với các cơ quan ban ngành của địa phương hỗ trợ các doanh du lịch thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong quá trình tham gia giao thông. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp kiểm soát phương tiện vận tải đảm bảo thực hiện đúng các quy định về hoạt động vận tải; phối hợp lực lượng chức năng điều tiết phương tiện đảm bảo cho việc lưu thông thuận lợi, tránh gây ùn tắc giao thông tại các khu vực nhà ga, bến cảng, sân bay. Chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tạo thuận lợi cho khách du lịch đi lại trên các tuyến vận tải hành khách cố định và dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tuyến từ bờ ra đảo vận tải khách ngang sông, các tuyến đường thủy nội địa phục vụ cho khách du lịch./.

Mộng Tuyết