ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết về nguyên tắc hành động nhằm tăng cường các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình và giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Tỉnh uỷ, HÐND tỉnh giao. Theo đó, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 theo thời gian quy định.
Chương trình hành động về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vừa được UBND tỉnh ban hành đã ấn định, đến hết quý I giải ngân ít nhất 20%, đến hết quý II là 50%, đến hết quý III là 75% và đến hết quý IV thì tất cả các dự án, công trình phải đạt khối lượng hoàn thành tương đương với kế hoạch vốn năm 2022 đã bố trí.
Trên thực tế đăng ký tiến độ giải ngân của các chủ đầu tư cho thấy, đến hết quý IV năm 2022 (cho phép tính đến ngày 31/1/2023), tỷ lệ giải ngân 98,4% kế hoạch vốn được bố trí. Trong đó, các dự án, công trình được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 đều giải ngân 100% kế hoạch vốn được bố trí. Các chủ đầu tư lý giải, tỷ lệ giải ngân chung của kế hoạch vốn năm 2022 không đạt 100% là do số vốn dự phòng 55,7 tỷ đồng (tổng kế hoạch vốn là 100,7 tỷ đồng) của nguồn vốn vay lại ngân sách địa phương năm 2022 hiện chưa phân bổ chi tiết nên chưa xác định được khả năng giải ngân.
Trong các dự án đăng ký tiến độ giải ngân năm nay, đáng chú ý là trên lĩnh vực giao thông, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu từ nguồn ngân sách Trung ương cũng như ODA. Theo đó, kế hoạch vốn năm 2022 là 150 tỷ đồng đối với công trình chuyển tiếp thuộc dự án xây dựng cầu qua sông Ông Ðốc, tuyến trục Ðông - Tây và cầu Gành Hào, từ nguồn ngân sách Trung ương. Các dự án giao thông trọng điểm được khởi công mới và phân bổ vốn cho năm 2022 gồm: nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau - Ðầm Dơi (đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông, Phường 7, TP Cà Mau đến cầu Xóm Ruộng) với 150 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Ðình - Cái Ðôi Vàm với 100 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội với 80 tỷ đồng.
Công trình xây dựng cầu vượt sông Ông Ðốc là công trình lớn, tác động quan trọng đến định hướng phát triển kinh tế biển của tỉnh, cần làm tốt khâu giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ.
Trên lĩnh vực môi trường, đáng chú ý là tiếp tục phân bổ 40 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 160 tỷ đồng từ nguồn ODA thực hiện Dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Cà Mau (giai đoạn 1). Các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu được chuyển tiếp và khả năng hoàn thành trong năm 2022, phải kể đến: Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây (huyện Trần Văn Thời); Dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở của biển Hốc Năng và Dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ biển đoạn từ Kênh Năm Ô Rô đến Kênh Năm (huyện Ngọc Hiển). Sau thời gian kéo dài đàm phán, năm nay Cà Mau quyết tâm khởi công Dự án "Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau" sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Ðức (KfW), trước mắt phân bổ cho dự án từ nguồn đối ứng của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dụng phải nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ được giao, xác định việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022. Lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan. Triển khai đồng bộ các biện pháp, văn bản chỉ đạo, quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng dự án, công trình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm, đúng quy định các tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án, công trình (kể cả vốn đầu tư công và vốn chi thường xuyên cho các dự án, công trình, đề án, chương trình, kế hoạch...).
Một thực tế diễn ra trong nhiều năm qua dẫn đến tiến độ triển khai dự án bị ảnh hưởng là khâu giải phóng mặt bằng, làm cho tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với yêu cầu. Thời điểm hiện tại nhiều công trình, dự án có nguồn đầu tư công khá lớn vẫn tiếp tục gặp phải vướng mắc này trong khi triển khai dự án, có thể kể đến như: dự án xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1, trục Ðông - Tây, mở rộng đường về trung tâm xã Hàng Vịnh…
Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, chủ động nguồn đầu tư sẽ sớm hình thành công trình, góp phần rất lớn vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. (Trong ảnh: Hệ thống cống thuỷ lợi phục vụ sản xuất trên địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, vừa hoàn thành, tiến hành vận hành phục vụ mô hình sản xuất lúa - tôm trên địa bàn trong mùa vụ tới).
Năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ ngân sách địa phương trên 2.400 tỷ đồng, nguồn từ Trung ương trên 1.000 tỷ đồng (chưa giao chi tiết là 220 tỷ đồng, dự kiến bố trí cho Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ða khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh sau khi dự án được cấp thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định)./.
Theo Báo Cà Mau