Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 12/2020 thay thế Thông tư 63 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ - Ảnh minh họa

Thế nào là quyết định giá cước, điều hành lái xe?

Bộ GTVT vừa chính thức ban hành Thông tư 12/2020 thay thế Thông tư 63/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư mới này hướng dẫn thực hiện Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Đáng chú ý, Thông tư giải thích định nghĩa về kinh doanh vận tải trong Nghị định 10/2020 với các nội dung về trực tiếp điều hành lái xe, quyết định giá cước, giải quyết tranh cãi bấy lâu nay các hãng cung cấp ứng dụng gọi xe chỉ coi mình đơn thuần là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối.

Cụ thể, giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để tiếp nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng, lựa chọn phương tiện, lái xe phù hợp, chuyển thông tin về yêu cầu vận chuyển cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.

Giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua Lệnh vận chuyển là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng Lệnh vận chuyển để giao nhiệm vụ cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.

Quyết định giá cước vận tải là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng hoặc trực tiếp thoả thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển.

Thông tư 12 cũng quy định: Xe ô tô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Xe hợp đồng phải được niêm yết thông tin như tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe. Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định

Thông tư mới cũng quy định cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang niêm yết (dán cố định) trên kính phía trước và kính phía sau xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng theo mẫu quy định. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cũng phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” theo mẫu quy định.

Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe. Phía sau ghế ngồi hoặc bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn về ATGT và thoát hiểm (bằng tiếng Việt và tiếng Anh).

Đáng chú ý để xác định điểm đầu điểm cuối theo bản chất của xe hợp đồng, Thông tư quy định: Điểm đầu (vị trí đón khách đầu tiên ghi trong hợp đồng vận chuyển), điểm cuối (vị trí trả khách cuối cùng ghi trong hợp đồng vận chuyển) trùng lặp trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch được xác định là vị trí nằm trên mặt đường hoặc tại vị trí có địa chỉ gắn với tên tuyến phố (tên tuyến đường), tên ngõ (hẻm) trong đô thị.

Thông tư cũng quy định quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện đúng, đầy đủ quy trình đảm bảo ATGT theo quy định. Đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải thực hiện các quy định.

Doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng cũng phải xây dựng quy định nội bộ về đồng phục và thẻ tên cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có), thẻ nhận dạng người lái xe; thẻ tên phải có ảnh, ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý, thẻ tên có thể kết hợp với thẻ nhận dạng người lái xe.

Ngoài ra, doanh nghiệp xe hợp đồng được sử dụng thiết bị điện tử để niêm yết thông tin theo quy định.

Dữ liệu camera sẽ dùng để xử phạt

Điểm mới khác là đối với quy định và hướng dẫn quản lý, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe, Thông tư quy định, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 10/2020. Camera lắp trên xe đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu.

Dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN trong thời gian không quá 2 phút, kể từ thời điểm máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải nhận được dữ liệu. Trường hợp đường truyền bị gián đoạn thì cho phép gửi đồng thời cả dữ liệu cũ và dữ liệu hiện tại khi đường truyền hoạt động bình thường. Dữ liệu cung cấp được chia thành 2 loại, bao gồm các dữ liệu định danh và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe.

Việc khai thác dữ liệu từ camera lắp trên xe thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin và pháp luật khác có liên quan. Thông tin, dữ liệu từ camera lắp trên xe được sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, quản lý hoạt động của người lái xe và phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải, cung cấp cho cơ quan Công an, ngành giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và công tác khác để bảo đảm an ninh trật tự ATGT.

Thông tư quy định trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ VN phải trang bị, quản lý, nâng cấp và bảo trì thiết bị phần cứng, phần mềm, đường truyền dữ liệu để tiếp nhận, lưu trữ và khai thác sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe theo quy định xong trước ngày 1/7/2021.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ các quy định đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định; kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định; kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi; kinh doanh vận tải khách bằng xe du lịch; kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; quy định về quản lý, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2020.

Theo .baogiaothong.vn