Sáng 11-1, nhiều người dân, tài xế vẫn tụ tập gần khu vực trạm thu phí BOT Sóc Trăng, sẵn sàng phản đối bất cứ lúc nào - Ảnh: SƠN LÂM

Công văn đánh dấu hỏa tốc gửi đến UBND tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục đường bộ Việt Nam, Liên danh Công ty cổ phần đầu tư Phương Nam và Công ty cổ phần đầu tư Pacific (nhà đầu tư), Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng (doanh nghiệp dự án). 

Theo đó, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí trên quốc lộ 1, địa phận tỉnh Sóc Trăng thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km2118+600 đến Km2127+320,75 và xây dựng tuyến tránh TP Sóc Trăng theo hình thức hợp đồng BOT.

Chủ trương này dựa trên trên cơ sở nội dung văn bản ngày 11-10-2017 của Bộ GTVT về việc xử lý các bất cập về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm BOT, xét văn bản đề nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng ngày 8-1, văn bản đề nghị của Tổng cục Đường bộ ngày 10-1.

Bộ GTVT chấp thuận chủ trương theo đề nghị của Tổng cục Đường bộ tại văn bản ngày 10-1, giảm giá theo đề xuất của nhà đầu tư đối với các phương tiện thuộc địa phận xã An Hiệp, xã Thuận Hòa và thị trấn Châu Thành thuộc huyện Châu Thành, Sóc Trăng.

Skip

Miễn 100% đối với các loại xe buýt. Các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh: giảm 50%, trường hợp đặc biệt giảm 100% trên cơ sở xem xét nếu đảm bảo khả thi về phương án tài chính. Các loại phương tiện khác giảm 20%.

Đối với văn bản đề nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng trong văn bản ngày 8-1, đề nghị giảm tất cả các phương tiện mang biển kiểm soát của tỉnh, Bộ GTVT nêu rõ vì ảnh hưởng nhiều đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án nên chưa áp dụng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Phương - chủ tịch HĐTV Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng - cho biết đã nhận được văn bản của bộ.

"Hiện chúng tôi đang làm tất cả các thủ tục cần thiết, bởi giảm giá phải đi kèm việc kiểm soát phương tiện trên địa bàn, người được giảm phải có cơ sở chứng minh... thông qua chính quyền. Vì thế chúng tôi mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ nhà đầu tư, cùng phối hợp để việc giảm và thu phí được suôn sẻ" - ông Phương nói.

Ông Phương cho biết ngay trong hôm nay, lãnh đạo BOT Sóc Trăng sẽ ra thông báo việc giảm phí và áp dụng từ 0h ngày 12-1. 

"Chúng tôi luôn minh bạch tài chính trong dự án này, mong địa phương, tài xế, người dân, doanh nghiệp hỗ trợ và xem xét những đóng góp của chúng tôi trong việc xây dựng địa phương để cùng chia sẻ với nhà đầu tư" - ông Phương nói thêm.

Trước đó, căng thẳng tăng nhiệt tại BOT Sóc Trăng

Điệp khúc thu phí, xả trạm diễn ra từ ngày 9 sang ngày 10-1. Các tài xế, người dân vẫn tụ tập thường xuyên ở khu vực BOT Sóc Trăng, chỉ cần trạm thu phí hoạt động trở lại là bắt đầu tụ tập phản đối.

Sau một đêm phản đối "nhỏ lẻ", tình hình ở trạm thu phí nóng lên nhiều hơn vào sáng 10-1. Trong thời gian từ 8 - 9h, nhiều thanh barie đã bị các tài xế lái xe tông thẳng vào để vượt trạm.

Một số người dân, hành khách trên xe cũng tham gia dỡ bỏ thanh barie để các xe khách đi qua. Nhiều tài xế muốn dừng lại thu phí cũng được nhiều người dân đứng ở làn thu phí vận động không trả phí. 

Một số người thậm chí liên tục đập mạnh vào các cửa bốt thu phí để phản đối.

Một xe trong đoàn đi đưa tang tông thẳng vào thanh barie để qua trạm sáng 10-1 - Ảnh: SƠN LÂM

Tình hình hỗn loạn cho đến 9h15, buộc lãnh đạo BOT Sóc Trăng phải gọi các nhân viên vào nghỉ ngơi, cho xả trạm lâu hơn để sửa chữa các thanh barie.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình hình căng thẳng đang gia tăng tại đây, đại tá Thái Văn Đợi - phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng - cho rằng nhà đầu tư cần cân nhắc lại việc thu, xả trạm trong 3 ngày qua. Vì cứ xả rồi lại thu, tạo tâm lý so bì, có xe qua trạm mua vé, có xe không mua.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo trật tự và lưu thông tuyến quốc lộ 1 đoạn qua trạm thu phí, nhưng nói thật diễn biến những ngày qua khiến anh em rất mệt mỏi" - ông Đợi chia sẻ.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Đạt - trợ lý chủ tịch HĐQT Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng, đang điều hành trạm BOT Sóc Trăng - khẳng định: "Chúng tôi vẫn đang tuân thủ đúng quy trình thu phí của pháp luật, không sai gì cả và vẫn lưu ý không để ách tắc giao thông không kéo dài quá 500m".

Tuy nhiên, theo ông Đạt, tình hình hiện đã ngoài tầm kiểm soát của trạm khi nhiều đối tượng tự ý phá barie để xe qua trạm. Có người còn hăm dọa những tài xế mua vé qua trạm. 

"Cũng có thời điểm chỉ một xe mua vé, khi xe này qua barie thì các xe khác nối đuôi chạy ào qua, rất nguy hiểm" - ông Đạt nói thêm.

Trả lời câu hỏi tại sao không xả trạm kéo dài mà phải thu rồi lại xả, ông Đạt cho biết đến nay vẫn chưa có chỉ đạo của cấp trên phải dừng thu. 

"Việc tổ chức thu, xả trạm không thuộc thẩm quyền của nhà đầu tư. Những ngày qua, tôi có cảm giác chính quyền bỏ rơi nhà đầu tư, để mặc ai muốn làm gì thì làm. Chúng tôi rất đơn độc" - ông Đạt bày tỏ.

Nhiều thanh barie bị tông hoặc bị người dân bẻ ngoặt sáng 10-1 - Ảnh: SƠN LÂM

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Văn Chuyện - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết trong ngày hôm nay, tỉnh Sóc Trăng sẽ trao đổi với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để tìm hướng giải quyết.

"Chúng tôi cũng sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng của tỉnh có hướng xử lý cụ thể hơn" - ông Chuyện cho hay.

Theo Báo Tuổi trẻ