Đại diện đơn vị thi công báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và đoàn công tác của Bộ GTVT về tiến độ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị (chụp ngày 24/7). Ảnh: Duy Lợi

Ý chí và quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ về chủ trương nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam đang dần được hiện thực hóa. Ngoài 3 dự án đã triển khai xây dựng từ cuối năm 2019, ba dự án khác vừa được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công đồng loạt khởi công vào hôm nay (ngày 30/9/2020), hứa hẹn sẽ tạo ra một cú hích lớn cho nền kinh tế. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhân sự kiện quan trọng này.

Hiện thực hóa chủ trương của Quốc hội, Chính phủ

Lần đầu tiên 3 dự án cao tốc quy mô rất lớn cùng khởi công trong cùng một ngày. Ấn tượng hơn cả là thời gian hoàn thiện thủ tục để khởi công của 3 dự án này nhanh kỷ lục, chỉ khoảng 3 tháng sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 117/2020 về việc chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án từ PPP sang đầu tư công. Chính phủ và Bộ GTVT đã thực hiện các giải pháp thế nào để có được kết quả như vậy, thưa Bộ trưởng?

Chưa có giai đoạn nào, Quốc hội, Chính phủ lại tập trung ý chí và quyết tâm cao để hình thành hệ thống cao tốc hoàn chỉnh, trong đó ưu tiên các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông như hiện nay. Đối với Bộ GTVT cũng chưa thời kỳ nào chúng ta triển khai đầu tư một tuyến cao tốc dài đến 654km nằm rải đều ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Bộ GTVT luôn nhận thức rõ đã đến giai đoạn cần tập trung phát triển đường cao tốc. Bởi, chỉ có đường cao tốc mới có thể vận chuyển hàng hóa, hành khách một cách an toàn, thuận tiện, giúp cho kinh tế các địa phương nói riêng và cả nước nói chung phát triển. Thời gian qua, với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Bộ GTVT triển khai công trình trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc - Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Trước đây, theo Nghị quyết 52/2017, ba dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được phê duyệt chủ trương đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP). Sau đó, các dự án này đều đã lựa chọn xong tư vấn lập dự án và hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán cũng được duyệt theo hình thức PPP.

Đến khi Quốc hội cho phép chuyển đổi sang hình thức đầu tư công tại Nghị quyết 117/2020, trên nền tảng đã có của các dự án trước đây, Bộ GTVT tiến hành điều chỉnh, bổ sung hồ sơ của 3 dự án trên nhằm đảm bảo phù hợp theo quy định của dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, phải chia sẻ thẳng, nếu chúng ta làm bình thường, tối thiểu phải mất 6 tháng mới hoàn thành toàn bộ công việc này.

Để rút ngắn thời gian thực hiện dự án này chỉ còn 3 tháng, đó là nhờ sự chỉ đạo quyết quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Bởi, ngay từ thời điểm tháng 3/2020 khi Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển đổi một số dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công tại Nghị quyết 41/2020 để chuẩn bị báo cáo Quốc hội xem xét thông qua, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Bộ GTVT đã chủ động lên kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung tối đa nhân lực, khẩn trương rà soát thủ tục, hồ sơ của các dự án theo hai phương án song song.

Một mặt, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các dự án theo hình thức PPP, mặt khác chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ để khi Quốc hội cho phép chuyển đổi dự án nào sang đầu tư công sẽ triển khai ngay các dự án đó. Đến ngày 19/6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 117 cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Chúng tôi xác định, 3 dự án này khởi công sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó để các thành phần kinh tế có thể tham gia vào dự án, tạo ra công ăn việc làm dồi dào, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội.

Trong 3 tháng qua, Bộ GTVT đã tập trung cao độ để hoàn thành các thủ tục, hồ sơ liên quan. Tất cả cơ quan, đơn vị liên quan, từ lãnh đạo Bộ GTVT đến thủ trưởng các cục, vụ, ban quản lý dự án đều phải tập trung tối đa, chia ca làm ngày làm đêm để hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Đến nay, 3 dự án đã tổ chức đấu thầu và lựa chọn ra các gói thầu xây lắp đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục để cùng khởi công vào ngày 30/9/2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiến độ nhanh là quan trọng, nhưng chất lượng công trình đảm bảo mới là yếu tố quyết định hiệu quả của dự án. Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án quan trọng quốc gia như cao tốc Bắc - Nam. Bộ GTVT sẽ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào, nhất là với 3 dự án thành phần được khởi công đồng loạt vào ngày 30/9, thưa Bộ trưởng?

Để 3 dự án thành phần này có thể triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Thủ tướng, thời gian qua, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã tổ chức họp 3 lần để tham gia ý kiến vào việc xây dựng hồ sơ mời thầu.

Chúng tôi xác định, nếu hồ sơ mời thầu chất lượng tốt, đảm bảo chặt chẽ, chắc chắn sẽ lựa chọn được những nhà thầu tốt. Chính vì vậy, trên cơ sở các quy định của pháp luật về đấu thầu, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều tiêu chí, quy định mới đầy đủ, rõ ràng hơn các nội dung trong hồ sơ mời thầu của 3 dự án này.

Bằng hàng loạt quy định mới trong hồ sơ mời thầu mà Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đưa ra dựa trên nền tảng của Luật Đấu thầu, các quy định hiện hành và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, hồ sơ mời thầu của 3 dự án đã được xây dựng công khai, minh bạch và công tác hậu kiểm sau đấu thầu được làm rất chặt chẽ, rõ ràng, chúng tôi có niềm tin trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng cho 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Đầu tiên, hồ sơ mời thầu đưa ra tiêu chí trong một liên danh nhà thầu có không quá 3 thành viên. Nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất trong liên danh.

Đồng thời, từng nhà thầu tham gia trong liên danh phải đảm nhận thực hiện khối lượng công việc không thấp hơn 25% giá trị gói thầu. Đưa ra quy định này để khi các liên danh hình thành, các nhà thầu trong liên danh đó đều phải có năng lực thực sự và có nhiều kinh nghiệm thi công.

Trong hồ sơ mời thầu, Bộ GTVT cũng yêu cầu tất cả nhà thầu tham gia dự án phải đáp ứng tối thiểu 60% thiết bị và thiết bị này phải là của nhà thầu. Đối với những nhà thầu kê khai gian dối, khi phát hiện trong thời gian thực hiện hợp đồng, Bộ GTVT sẽ căn cứ theo các quy định của pháp luật để xử lý.

Một điểm mới nữa trong hồ sơ mời thầu là việc quy định nhà thầu chính phải đảm nhiệm toàn bộ những hạng mục chính của gói thầu như: Nền đường, mặt đường tuyến chính, cầu lớn, công trình hầm… và chỉ được thuê thầu phụ làm những hạng mục phụ trợ như: Mái ta luy, rãnh thoát nước, hàng rào, đường gom…

Đồng thời, trong hồ sơ mời thầu cũng khống chế tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng. Quy định này nhằm kiểm soát chặt chất lượng thi công, nếu công trình có vấn đề nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Bộ GTVT cũng yêu cầu tất cả nhà thầu tham gia thi công mở tài khoản chuyên chi. Toàn bộ tiền tạm ứng của dự án phải đưa vào tài khoản chuyên chi, khi nhà thầu muốn rút khoản tiền tạm ứng ra thì phải được sự đồng tình, xác nhận của giám đốc các ban quản lý dự án nhằm đảm bảo quản lý số tiền tạm ứng phục vụ đúng mục đích cho việc thi công gói thầu của dự án.

Có mặt bằng sạch, không lo chậm tiến độ, đội vốn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ thị sát hiện trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua Huế

Khó khăn lớn nhất của các dự án giao thông thời gian qua là công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án nhà thầu vừa làm vừa phải chờ mặt bằng, thậm chí có công trình đã thi công xong nhưng một số vị trí mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Vướng mắc này liệu có lặp lại đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam, thưa Bộ trưởng?

Trước đây, các dự án giao thông thường không tách giải phóng mặt bằng ra khỏi công tác xây lắp nên gần như 100% các dự án vừa giải phóng mặt bằng, vừa thi công khiến tiến độ công trình bị chậm, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn do khiếu kiện, khiếu nại, cản trở thi công từ phía người dân.

Tuy nhiên, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, từ khi thông qua chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ đã báo cáo và Quốc hội đã đồng ý tách phần giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng và giao cho các địa phương nơi dự án đi qua thực hiện.

Thực tế, công tác giải phóng mặt bằng các dự án đã được triển khai trước hơn một năm qua, bởi từ tháng 4/2019, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn bàn giao cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương tiến hành đền bù, thu hồi đất.

Đến nay, trên toàn tuyến, mặt bằng sạch đã được các địa phương bàn giao khoảng 91%, đây là điều kiện rất thuận lợi để nhà thầu vào là thi công được ngay. Phần mặt bằng còn lại khoảng 9% đang vướng mắc do công tác tái định cư và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống đường điện cao thế và trung thế.

Hiện tại, chính quyền các địa phương đang đẩy nhanh công tác xây dựng các khu tái định cư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang gấp rút chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương di dời các hạng mục đường điện ra khỏi phạm vi mặt bằng các dự án. Dự kiến trong khoảng 6 tháng nữa, mặt bằng sạch sẽ được bàn giao 100% và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tiến độ thi công của các dự án.

Đội vốn là căn bệnh trầm kha của nhiều dự án đầu tư công từ trước đến nay. Điều này khiến không ít người lo ngại khi triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Vậy Bộ GTVT kiểm soát việc này thế nào?

Theo đánh giá của Bộ GTVT, các gói thầu của 3 dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam sắp triển khai thi công sẽ được kiểm soát vốn một cách tốt nhất. Bởi, trước đây công tác giải phóng mặt bằng của các dự án thường kéo dài, khiến dự án chậm tiến độ, dẫn tới trượt giá làm phát sinh chi phí.

Còn đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai, như tôi đã đề cập ở trên, đến nay đã có hơn 91% mặt bằng sạch được bàn giao. Đến khi chúng ta công bố nhà thầu trúng thầu và làm lễ khởi công thì đã có công địa để nhà thầu có thể làm cả năm không hết. Do đó, công tác thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi mặt bằng.

Hơn nữa, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan làm rất thận trọng, kỹ lưỡng hồ sơ thiết kế kỹ thuật của các dự án, để hạn chế thấp nhất việc phát sinh, điều chỉnh về sau. Cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, được Quốc hội và Chính phủ dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt về nguồn vốn cho dự án. Khi công trình được cấp vốn đầy đủ sẽ thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã đưa ra những quy định đầy đủ, chặt chẽ trong hồ sơ mời thầu để lựa chọn được những nhà thầu mạnh, đảm bảo có năng lực thực sự với nguồn nhân lực, máy móc đáp ứng đúng yêu cầu để thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam. Đó là các yếu tố để tạo cho chúng tôi niềm tin lớn rằng, dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ không có biến động lớn về nguồn vốn trong quá trình triển khai.

Cú hích lớn cho nền kinh tế

Đến ngày 30/9/2020, có 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được triển khai xây dựng. Còn lại 5 dự án thực hiện theo hình thức PPP, Bộ GTVT đang thực hiện thế nào để đảm bảo tính đồng bộ trên toàn tuyến cao tốc này, thưa Bộ trưởng?

Đến nay, toàn bộ các gói thầu xây lắp của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đã khởi công xây dựng.

Đối với 3 dự án đầu tư khác mới được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công theo Nghị quyết 117/2020 (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) gồm 13 gói thầu xây lắp, trong đó, mỗi dự án sẽ khởi công xây dựng một gói thầu đầu tiên vào ngày 30/9/2020, còn lại 10 gói thầu của 3 dự án này sẽ triển khai thi công trong tháng 10/2020.

Riêng 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai được khối lượng công việc rất lớn.

Trước đây, chúng tôi đã chuẩn bị các thủ tục để đấu thầu quốc tế, tuy nhiên, sau khi được cấp thẩm quyền quyết định, 5 dự án này chuyển sang đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan làm ngày, làm đêm để đảm bảo đồng bộ với quá trình triển khai các dự án đầu tư công. Dự kiến, cuối năm 2020, Bộ GTVT sẽ khởi công thêm một số dự án PPP, còn những dự án không lựa chọn được nhà đầu tư sẽ được báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định.

Người dân đang đặt kỳ vọng rất lớn khi 11 dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành sẽ đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội, rút ngắn thời gian đi lại trên hành trình Bắc - Nam. Quan điểm cá nhân Bộ trưởng đánh giá thế nào về tác động của các dự án này?

Về tác động trong giai đoạn trước mắt, từ lúc khởi công các dự án đến khi cơ bản hoàn thành vào năm 2022, cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng sẽ tạo ra động lực rất lớn đối với các ngành khai thác mỏ, cung cấp sắt thép, vật liệu xây dựng… phục vụ thi công dự án.

Chiều dài thi công lên tới 654km, cao tốc Bắc - Nam sẽ là đại công trường, tạo ra cú hích mạnh mẽ phát triển kinh tế cho các địa phương và cả nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền KT-XH.

Đối với các nhà thầu, doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào dự án, đây là cơ hội vàng để họ có được công ăn việc làm cho hàng vạn lao động nhằm duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Sau khoảng 2 năm nữa, khi dự án hoàn thành thi công 654km, chúng ta sẽ có được tuyến đường cao tốc tốt nhất Việt Nam đi qua nhiều địa phương, chạy dọc theo chiều dài đất nước, kết nối rất nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn từ Bắc đến Nam.

Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với nhiều tuyến quốc lộ, khu vực xung quanh tuyến đường cao tốc, các địa phương có thể xem xét để quy hoạch lại các khu kinh tế, khu công nghiệp, dựa vào lợi thế của đường cao tốc để phát triển kinh tế, tạo nguồn công ăn việc làm.

Về lâu dài, cao tốc Bắc - Nam sẽ tác động rất lớn đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các địa phương. Chắc chắn sẽ có nhiều địa phương sẽ đột phá về kinh tế dựa trên lợi thế của đường cao tốc Bắc - Nam. Tôi có niềm tin như vậy.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

CUỐI NĂM 2022, HOÀN THÀNH CẢ 3 DỰ ÁN

Tính đến chiều ngày 29/9, Bộ GTVT đã hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu của 3 gói thầu xây lắp đầu tiên trong số 13 gói thầu xây lắp của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công là Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mai Sơn - Quốc lộ 45. Cụ thể:

Gói thầu XL - 03: Thi công xây dựng đoạn Km 47+672 - Km 83 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nhà thầu trúng thầu là liên danh Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính với giá trúng thầu (đã bao gồm thuế VAT, dự phòng) là hơn 2.299 tỷ đồng.

* Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây

Dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,5m, giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng nền đường 25m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 12.577,5 tỷ đồng do Ban QLDA Thăng Long đảm nhiệm quản lý dự án.

Gói thầu XL - 01: Thi công xây dựng đoạn Km 134+000 - Km 154+000, nút giao Vĩnh Hảo và tuyến nối QL1 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nhà thầu trúng thầu là liên danh Tổng công ty Thăng Long - Công ty cổ phần Đạt Phương - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập với giá trúng thầu (đã bao gồm thuế VAT, chi phí dự phòng) là 1.687,68 tỷ đồng.

* Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Dài 100,8km đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư xây dựng 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc 80km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.853,9 tỷ đồng do Ban QLDA7 thực hiện quản lý dự án.

Gói thầu XL -11: Thi công xây dựng đoạn Km 289+500 - Km 301+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, nhà thầu trúng thầu là liên danh Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty TNHH Định An với giá trúng thầu 852,357 tỷ đồng (bao gồm dự phòng và 10% thuế VAT).

* Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45

Dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng do Ban QLDA Thăng Long thực hiện quản lý dự án.

Được biết, 10 gói thầu xây lắp còn lại của 3 dự án Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mai Sơn - QL45, Bộ GTVT dự kiến sẽ lựa chọn xong nhà thầu để có thể triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến vào cuối tháng 10/2020. Thời gian thi công của cả ba dự án trong 24 tháng, kết thúc vào cuối năm 2022.

Theo Báo Giao Thông