Buýt điện kết nối với các tuyến xe buýt khác, tạo thành hệ thống đồng nhất
Báo cáo từ Sở TN-MT TP Hà Nội cho thấy, từ năm 2019 đến nay, chất lượng không khí trên địa bàn có xu hướng xấu đi, nhất là vào những ngày trời nhiều mây và tình hình chỉ được cải thiện khi có mưa xuống. Cùng đó, vào tháng 12/2019, Sở này đã chỉ ra 12 nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường, trong đó sự gia tăng của phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải được đánh giá là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
Cùng đó, hoạt động vận tải khách công cộng cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với xe buýt. Dù Hà Nội và TP HCM có nhiều chính sách ưu đãi, trợ giá nhưng vẫn không hút được hành khách, sản lượng vận tải không những không tăng đúng theo lộ trình, nhiều thời điểm còn sụt giảm, hành khách “quay lung” với xe buýt.
UBND TP Hà Nội cũng xây dựng nhiều chương trình, giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường và tăng sức hút cho xe buýt trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, đối với việc ô nhiễm do sự phát triển mạnh của phương tiện cá nhân, Hà Nội đã giao các đơn vị xây dựng Đề án hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng VTHKCC, phát triển mạng lưới vận tải khách số lượng lớn như buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, ưu tiên hệ thống phương tiện xe buýt thân thiện với môi trường như xe điện, xe chạy bằng năng lượng CNG. Hà Nội cũng khuyến khích và ủng hộ việc hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới để giảm thiểu tình trạng phương tiện cũ nát, không đảm bảo về tiêu chuẩn khí thải.
Mới đây, UBND TP Hà Nội giao các đơn vị báo cáo thành phố về Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá.
Bộ GTVT cũng có văn bản cho ý kiến về việc Hà Nội và TP.HCM phát triển hệ thống xe buýt điện. Tại văn bản này, Bộ GTVT cho hay, việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chạy bằng năng lượng điện (xe buýt điện) phù hợp với các chiến lược và quy định hiện hành. Do vậy, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP Hà Nội và TP.HCM.
Còn tại TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM thí điểm triển khai 5 tuyến xe buýt điện có trợ giá. Phương tiện sử dụng là loại xe điện có sức chứa từ 65-70 chỗ (đứng và ngồi), dự kiến đầu tư 77 xe.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP HCM cho biết, các tuyến buýt điện nằm trong danh mục quản lý mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng của thành phố, đi qua các tuyến đường lớn, đông dân cư và sẽ phục vụ tất cả người dân sinh sống dọc các tuyến đường đó.
"Quan trọng hơn, các tuyến buýt điện sẽ kết nối với các tuyến xe buýt khác để tạo thành hệ thống mạng lưới xe buýt đồng nhất, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân thành phố", ông Hải nói.
Theo An ninh Thủ đô