Một số cây xăng ở An Giang xin nghỉ bán vì... lỗ
Ngày 8/2, liên quan đến việc một số cây xăng trên địa bàn tỉnh An Giang tạm ngừng hoạt động, treo bảng “Hết xăng”, ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang xác nhận, có tình trạng này xảy ra.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang phối hợp cùng ngành chức năng có liên quan kiểm tra tình hình hoạt động của các cửa hàng xăng dầu hoạt động trên địa bàn.
“Chúng tôi đang cho kiểm tra, giám sát ghi nhận thông tin của các doanh nghiệp và cửa hàng. Các đơn vị cũng có gửi đơn, văn bản đến các cơ quan chức năng tạm ngưng hoạt động với lý do thiếu nguồn hàng cung”, ông Hồ cho biết.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, thời gian qua trước áp lực về nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, nguồn cung không được đảm bảo. Khoảng từ ngày 2/2 (mùng 2 Tết Nguyên đán) đến nay, phát sinh một số trường hợp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.
Cụ thể, huyện Phú Tân có 5 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp có đơn xin nghỉ từ ngày 5/2 đến 12/2 với lý do lỗ chi phí vì đơn vị cung cấp xăng A95 với giá 24.500 đồng/lít, bằng với giá bán ra 24.500 đồng/lít.
1 trường hợp là Cửa hàng dầu khí An Giang số 6 - Công ty TNHH MTV DV TM Vạn Vạn Phúc - xã Phú An ngưng hoạt động từ ngày 2/2, ngành chức năng đã lập biên bản hiện trạng, sau Tết Nguyên đán mời chủ doanh nghiệp làm việc.
Huyện Châu Thành có 5 cửa hàng, Châu Phú 1 cửa hàng, An Phú 5 cửa hàng, Thoại Sơn 7 cửa hàng. Hầu hết, các cửa hàng đóng cửa cùng với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời, có xin phép ngành chức năng.
“Sau khi nhận được công điện của Bộ Công thương, Cục ban hành văn bản chỉ đạo cho các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trực thuộc trên địa bàn, nếu phát hiện vi phạm phải cương quyết xử lý nghiêm.
Đồng thời yêu cầu những doanh nghiệp khi tạm ngưng hoạt động, đóng cửa phải báo cáo ngành chức năng không được tự do, tự ý đóng cửa. Trường hợp đóng cửa không thông báo phải bị xử lý”, ông Hồ nhấn mạnh.
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang khẳng định, có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu tạm ngưng phục vụ, nhưng không nhiều. Việc này, cũng đã được ngành chức năng dự báo từ trước Tết Nguyên đán.
Theo Giám đốc Sở Công thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các đầu mối phân phối không có nguồn xăng Ron 95 cung cấp cho các cửa hàng, hoặc có nhưng là cung cấp nhỏ giọt. Khi hết hàng, thương nhân phân phối không cung cấp kịp, nên các cửa hàng tạm dừng. Trong 1, 2 ngày tới, tình hình sẽ ổn định trở lại.
“Dứt khoát, cửa hàng nào đóng cửa, Quản lý thị trường sẽ đến kiểm tra, nếu trong kho còn xăng, đóng cửa không bán thì sẽ xử lý theo quy định. An Giang đang làm rất quyết liệt, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trữ hàng chờ tăng giá”, ông Hùng nhấn mạnh.
Sóc Trăng: Các trạm xăng tạm ngưng bán phải được Sở Công thương chấp thuận
Ngày 8/2, qua khảo sát của PV, trên đường Trần Hưng Đạo, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng có 1 cửa hàng xăng dầu đóng cửa. Trạm xăng này gần cổng Trường Quân sự Quân khu 9.
Tại huyện Mỹ Xuyên, cửa hàng xăng dầu Minh Đương trên QL1 vẫn mở cửa nhưng không kinh doanh. Phía trong dựng tấm bảng ghi 2 chữ “Hết xăng” và nữ nhân viên trực cửa hàng cho biết các trụ bơm đều hết nhiên liệu.
Một cây xăng ở Sóc Trăng đóng cửa.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng - Võ Văn Chiêu cho biết, đơn vị đã có đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu từ mùng 2 Tết đến nay. Đoàn kiểm tra ghi nhận một số trạm xăng dầu đóng cửa do không có người trông coi, nhân viên xin nghỉ Tết hoặc lỗ vốn do hoa hồng 0 đồng.
Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng, dầu, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng - Hứa Trường Sơn vừa ký văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trong toàn tỉnh. Công văn xác định những ngày vừa qua vẫn còn nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý tạm ngưng bán hàng không đúng quy định.
Vì vậy, Sở Công Thương Sóc Trăng đề nghị các thương nhân phân phối xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thực hiện nghiêm quy định tại Điều 26 Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83.
Một số trạm xăng ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã ngưng hoạt động.
Cụ thể, thương nhân kinh doanh xăng dầu phải kiểm soát hoạt động của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, ngừng, giảm thời gian bán hàng sai quy định tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình.
Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được ngừng bán hàng khi doanh nghiệp có văn bản thông báo đến Sở Công Thương về thời gian ngừng bán hàng và lý do ngừng bán hàng; được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp lý do bất khả kháng (cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể duy trì việc bán hàng).
Thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu lập danh sách cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối, trong đó nêu rõ cửa hàng nào đang tạm ngưng hoạt động, thời gian tạm ngưng bán hàng và lý do, báo cáo về Sở Công Thương tổng hợp chậm nhất ngày 10/2.
Tại Hậu Giang, mới đây, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa ngưng kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và không có lý do chính đáng.
Theo Báo Giao thông