Giao thông Tết an toàn, thông suốt
Trong báo cáo mới nhất gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ GTVT đánh giá, công tác chỉ đạo, điều hành và lập kế hoạch được thực hiện từ sớm, cụ thể, sát thực tiễn nên năng lực vận chuyển, chất lượng dịch vụ vận tải được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt, ngay cả trong các ngày cao điểm phục vụ tết, không có người dân nào không có phương tiện để đi lại.
Giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông được Bộ GTVT coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu - Ảnh minh họa
"Nhu cầu đi lại của nhân dân trước và trong Tết được đảm bảo tốt, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao đã giảm đáng kể. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không trên các tuyến vận tải, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì tốt", Bộ GTVT cho hay.
Các đơn vị quản lý đường bộ đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng CSGT tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ và đường đô thị có mật độ giao thông cao, bảo đảm giao thông thông suốt, hạn chế ùn tắc giao thông, bảo đảm tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân.
Lực lượng thanh tra giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý hành vi vi phạm như chở quá số người quy định, xe quá tải; vi phạm các quy định về an toàn đường ngang đường sắt; đò ngang chở khách qua sông không bảo đảm an toàn, chở quá số người quy định.
Nhờ vậy, tai nạn giao thông trong những ngày nghỉ Tết giảm sâu so với cùng kỳ. Toàn quốc xảy ra 152 vụ, làm chết 89 người và 111 người bị thương. So với cùng kỳ 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022, giảm 12 vụ, giảm 3 người chết và tăng 8 người bị thương.
“
Tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không trong 7 ngày Tết đạt gần 13 nghìn lần hạ cất cánh, tăng 39%; hơn 1,9 triệu hành khách, tăng 58. Các hãng hàng không vận chuyển hơn 967 nghìn khách và 1.550 tấn hàng hóa, tăng 60,7% về hành khách và 28,4% hàng hóa so với cùng kỳ.
”
Trong xây dựng cơ bản, hưởng ứng phong trào thi đua “Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông” và tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu thi công tích cực tham gia trên các công trường, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành.
Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tư vấn và nhà thầu đã bố trí đầy đủ nguồn lực, nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị thi công trên công trường để triển khai trong dịp Tết.
Qua đó, tăng cường sự đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi, hăng say lao động trên các công trường, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Ngay trong những ngày đầu xuân Quý Mão, Bộ GTVT đã tổ chức ra quân triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, tham gia đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra hiện trường các dự án từ Bắc tới Nam như: Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; các dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, Diễn Châu - Bãi Vọt, Bãi Vọt - Hàm Nghi, Nha Trang - Cam Lâm, Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam; dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Giải ngân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
Về những nhiệm vụ sẽ thực hiện ngay sau dịp nghỉ Tết, Bộ GTVT cho biết sẽ quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công và các công trình giao thông trọng điểm năm 2023.
Trong đó, sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
"Đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm. Coi nhiệm vụ giải ngân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án ngay từ đầu năm. Kịp thời điều hòa, điều chỉnh từ các dự án giải ngân chậm, các dự án không có nhu cầu giải ngân sang các dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu giải ngân", Bộ GTVT cho biết.
Những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn vật liệu các dự án trọng điểm cũng sẽ được Bộ GTVT tập trung tháo gỡ. Đặc biệt dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật trong quý II/2023; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 các đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2 phải hoàn thành trong năm 2023.
Bộ GTVT sẽ phối hợp tốt với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng để các địa phương sớm khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023, đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng đó, Bộ GTVT cũng phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) khẩn trương lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công công trình nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý I/2023. Bên cạnh đó, chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) hoàn thành lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu xây lắp và đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu còn lại của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Về các biện pháp bảo đảm ATGT và vận tải sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo bố trí đủ phương tiện phục vụ cho nhu cầu đi lại sau Tết. Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, bảo đảm ATGT và phòng, chống dịch bệnh Covid-19; giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến, tuyệt đối không để hành khách không có phương tiện trở lại làm việc, học tập; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi tăng giá vé trái quy định.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài nhất là các tuyến kết nối khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đầu mối giao thông lớn; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt.
Theo Báo Giao thông