Toàn cảnh Hội nghị
Tập trung chỉ đạo, thúc đẩy giải ngân
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết qua tổng hợp, xem xét tình hình thực tế, Bộ GTVT dự kiến các nguồn vốn giải ngân năm 2018 ước đạt 33.785 tỷ đồng, đạt 92,99% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngoài Ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch, tương đương với số vốn giải ngân là 10.000 tỷ đồng; nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ (TPCP) dự kiến giải ngân 23.785/26.332 tỷ đồng, đạt 90,3% kế hoạch. Kế hoạch 2017 kéo dài giải ngân ước đạt 2.457/2.716 tỷ đồng, đạt 90,5% (phải kéo dài thực hiện kế hoạch 259 tỷ đồng sang năm 2019). Kế hoạch 2016 kéo dài giải ngân được 924/972 tỷ đồng, đạt 95% (phải kéo dài thực hiện kế hoạch 48 tỷ đồng sang năm 2019).
Bộ GTVT tiếp tục tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, quyết toán các dự án hoàn thành: Năm 2018, các chủ đầu tư, Ban QLDA đã lập, trình quyết toán 39 dự án vốn NSNN với giá trị là 26.812 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch cả năm và 07 dự án BOT; các cơ quan, đơn vị đã thẩm tra, phê duyệt 82 dự án với giá trị phê duyệt là 54.151 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch của năm. Đối với các dự án BOT, BT, đến nay, Bộ GTVT đã chấp thuận quyết toán được 62 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Rà soát, xử lý các bất cập tại các dự án BOT
Trong năm 2018, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT đã đàm phán, phối hợp các bên liên quan dừng triển khai 13 dự án BOT cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu. Tiếp tục rà soát, xử lý các bất cập và chính sách phí theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc quản lý doanh thu thu phí tại các dự án BOT thông qua việc tích cực triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Đến nay, cơ bản các trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số trạm thu phí cửa ngõ các thành phố có lưu lượng lớn đã vận hành hệ thống thu phí không dừng như trạm An Sương-An Lạc, Pháp Vân-Cầu Giẽ, QL10..., dự kiến đến hết năm 2019 toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại Hội nghị
“Bộ GTVT cũng đã tổ chức rà soát tất cả các dự án BOT và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Chính phủ đã thông qua báo cáo rà soát và đánh giá cao sự nghiêm túc và hiệu quả trong quá trình Bộ GTVT xử lý các tồn tại, bất cập tại các dự án BOT”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá qua 1 năm toàn ngành GTVT tập trung thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều ưu điểm, kết quả nổi bật. Tuy nhiên, ngành GTVT còn tồn tại nhiều hạn chế yếu kém.
“Tôi đề nghị tại Hội nghị này làm rõ hạn chế yếu kém và chỉ ra nguyên nhân để có những giải pháp cho năm 2019. Tại địa phương, những vấn đề cần giải quyết, cần đột phá trong năm 2019 thì các đồng chí cứ đề xuất. Chúng tôi sẽ tiếp thu, cụ thể hóa nội dung để thực hiện trong năm 2019”, Bộ trưởng cho biết.
Giảm tai nạn, ùn tắc giao thông
Về công tác đảm bảo TTATGT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết năm 2018, cả nước xảy ra 18.736 vụ TNGT, làm chết 8.248 người, làm bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 1.348 vụ (giảm 6,71%), giảm 33 người chết (giảm 0,4%), giảm 2.238 người bị thương (giảm 13,13 %). Công tác phòng, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các thành phố lớn tiếp tục được chú trọng và tăng cường. Bộ GTVT cùng với các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với chính quyền TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước giảm thiểu, khắc phục ùn tắc giao thông.
“Từ số liệu thống kê cho thấy, TNGT năm 2018 tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên số người chết giảm chưa đáp ứng mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra từ thực tế diễn biến tình hình TNGT năm 2018 cho thấy lĩnh vực đường sắt, đường bộ còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng”, Thứ trưởng đánh giá.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết 2018 mặc dù rất cố gắng cả nước chỉ đạt được 2 mục tiêu trên yêu cầu nhưng số người chết chỉ giảm được 0,4%. Trong năm 2019, về hạ tầng, Bộ sẽ trình Chính phủ dự án duy tu sửa chữa đường bộ để nâng cao chất lượng đường đảm bảo ATGT; trình Chính phủ dự án đảm bảo ATGT đường sắt. Về hàng không, Bộ sẽ tập trung kiểm tra các hãng về chất lượng bay. Đối với sát hạch đào tạo lái xe, Bộ sẽ đổi mới nội dung, một số lỗi ko đạt khi thi sẽ trượt ngay như đèn đỏ không dừng, vi phạm trên đường đèo. Đối với doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp, tài xế, tài xế vi phạm thì doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu lái xe vi phạm, gây tai nạn nghiêm trọng thì sẽ thu hồi vĩnh viễn bằng lái xe.
“Tăng tốc” phấn đấu hoàn thành thắng lợi
Xác định năm 2019 là năm “tăng tốc” phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Bộ GTVT đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực trong toàn ngành, góp phần cùng cả nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, Bộ sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2019 với số vốn dự kiến giải ngân là 28.912,032 tỷ đồng; phấn đấu tăng trưởng bình quân từ 8 - 9 % về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2018. Thực hiện năm ATGT 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết tâm giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Để triển khai tốt kế hoạch này, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, trong đó tăng cường kết nối các phương thức vận tải, ứng dụng KHCN vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giảm giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, hành khách có nhiều dịch vụ để lựa chọn.
Nâng cao điều kiện ATGT đối với kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch, thực hiện đầu tư, xử lý hiệu quả các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, các vị trí đường ngang đường sắt; tiếp tục thực hiện đồng bộ công tác thẩm định, thẩm tra an toàn giao thông đối với công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và các tuyến đường bộ đang khai thác có nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới trong lĩnh vực bảo trì. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng theo quy định.
Theo Tạp chí GTVT