Xe buýt điện được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho môi trường
Sử dụng xe buýt điện để giảm ô nhiễm môi trường
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện của Tập đoàn Vingroup.
Bộ GTVT cho biết đã nhận được văn bản số 1518/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển đề xuất của Tập đoàn Vingroup liên quan đến phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để giảm ô nhiễm môi trường.
"Việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chạy bằng năng lượng điện (xe buýt điện) phù hợp với Quyết định số 1168/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quyết định số 985a/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Nghị quyết số 12/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 và Nghị quyết 136/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững", Bộ GTVT thông tin.
Với những quy định trên, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Bộ GTVT đề nghị UBND Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Tập đoàn Vingroup cần thực hiện theo đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; xe buýt điện phải đáp ứng, quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô khách thành phố, mã số: QCVN 10:2015 của Bộ GTVT.
Áp dụng đơn giá, định mức, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ
Liên quan việc áp dụng đơn giá, định mức, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ, Bộ GTVT yêu cầu cần thực hiện theo quy định của Nghị định số 32/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Trường hợp do loại xe buýt điện mới đưa vào hoạt động lần đầu tại Việt Nam nên chưa có định mức, đơn giá, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng tạm thời khi đưa loại phương tiện này tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
Trước đó, Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM choTập đoàn Vingroup thí điểm triển khai 5 tuyến xe buýt điện có trợ giá trên địa bàn thành phố. Phương tiện sử dụng là loại xe điện có sức chứa từ 65-70 chỗ (đứng và ngồi), dự kiến đầu tư 77 xe.
Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng giao Sở Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Sở GTVT báo cáo thành phố về Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá trên địa bàn của Tập đoàn Vingroup.
Trên cơ sở Đề án này, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố Hà Nội trong trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích thì xem xét chấp thuận mở mới các tuyến xe buýt điện và chủ trương đặt hàng tạm thời cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện cho Tập đoàn Vingroup để vận hành tuyến xe buýt nằm trong danh mục tuyến mở mới trong năm 2020.
Theo đề xuất Sở GTVT Hà Nội, Tập đoàn Vingroup đã đăng ký vận hành 10 tuyến bus mới bằng xe chạy điện, thực hiện chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố.
Theo baogiaothong.vn