Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi do Bộ GTVT soạn và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB do Bộ Công an soạn vừa được trình Chính phủ. Tuy nhiên, hai dự thảo luật có sự chồng lấn khi hai bộ đều muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ (BHĐB).

Bộ Công an muốn quản

Theo đó, Bộ Công an đưa ra hai phương án xác định cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB. Cụ thể, phương án 1, Bộ Công an sẽ đảm nhận nhiệm vụ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB, quy định này sẽ nằm trong Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Phương án 2 giao Bộ GTVT ban hành quy định này và được quy định trong Luật GTĐB.

Trong hai phương án trên, Bộ Công an đề xuất phương án 1. “Bởi hệ thống thông tin tín hiệu an toàn là sự cụ thể hóa các quy tắc giao thông, liên quan chặt chẽ đến TTATGT” - Bộ Công an lý giải.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng hệ thống BHĐB bao gồm năm nhóm. Trong đó, ngoài hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì các BHĐB còn lại bao gồm: Tín hiệu đèn giao thông, biển BHĐB, đinh phản quang, tiêu phản quang, dải phân cách... Tất cả hạng mục trên đều thuộc công trình đường bộ và tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB.

Cạnh đó, hiện nay các chỉ tiêu kỹ thuật của BHĐB ngoài việc được cụ thể hóa trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB do Bộ GTVT ban hành còn phải đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ, đồng thời được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành công trình GTĐB.

Ngoài ra, việc sản xuất, lắp đặt BHĐB cũng phải phù hợp và tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB và các tiêu chuẩn thiết kế đường bộ. “Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện thì nội dung trên cần được quy định trong Luật GTĐB…” - ông Thể nêu kiến nghị.


Hệ thống báo hiệu đường bộ ngoài biển báo còn nhiều báo hiệu khác. Ảnh: V.LONG

Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc

Thẩm tra nội dung trên, Bộ Tư pháp cho rằng hệ thống BHĐB ngoài hiệu lệnh của người điều khiển giao thông còn nhiều báo hiệu khác. Theo đó, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an cần xác định rõ tại dự án luật này chỉ điều chỉnh các quy định về hệ thống BHĐB dưới góc độ là các biện pháp tổ chức giao thông và bảo đảm TTATGT.

Còn các quy định gắn với việc sản xuất, tổ chức đặt, cắm các biển BHĐB với tính chất là các hạng mục của công trình đường bộ và thuộc tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB thì không quy định tại dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

“Ngoài ra, việc sản xuất, lắp đặt BHĐB cũng phải phù hợp và tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB và các tiêu chuẩn thiết kế đường. Do đó, đề nghị cân nhắc quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB tại dự thảo luật” - Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Phản hồi quan điểm trên, Bộ Công an cho rằng đơn vị sẽ không thực hiện việc sản xuất và lắp đặt hệ thống biển BHĐB. “Tuy nhiên, đơn vị sẽ đảm nhiệm vai trò quy định nội dung, ý nghĩa của hệ thống BHĐB, nhằm thông báo, hướng dẫn cho người tham gia giao thông…” - Bộ Công an cho hay.

Đa số thành viên Chính phủ không tán thành

Trước ý kiến còn khác nhau, Văn phòng Chính phủ tiến hành phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Đến ngày 11-8, có 19/26 thành viên Chính phủ cho ý kiến về vấn đề này.

Theo đó, có 14 thành viên Chính phủ đồng ý Luật GTĐB sẽ quy định hệ thống BHĐB và do Bộ GTVT quản lý. Chỉ có năm thành viên đồng ý phương án quy định tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB và Luật GTĐB chỉ quy định việc sản xuất, tổ chức đặt, cắm các biển báo hiệu.

Theo Văn phòng Chính phủ, trong hệ thống báo hiệu GTĐB, chỉ có “hiệu lệnh của người điều khiển giao thông” thuộc nội dung tổ chức chỉ huy, điều khiển. Các loại báo hiệu còn lại gắn liền với các hạng mục của công trình đường bộ, thuộc hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB, được quản lý thông qua các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành.

Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đề nghị quy định theo hướng Luật GTĐB quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn và quản lý các loại BHĐB gắn với thiết kế, đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng GTĐB (hệ thống báo hiệu giao thông tĩnh). Nội dung “hiệu lệnh của người điều khiển giao thông” và việc chỉ huy, điều khiển hệ thống đèn tín hiệu đường bộ (hệ thống báo hiệu giao thông động) quy định tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

“Nội dung này có tính chất giao thoa giữa chức năng, nhiệm vụ của hai bộ, vì vậy để bảo đảm tính thống nhất, khả thi và hiệu quả, đề nghị hai bộ phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định của hai luật này…” - Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm.

Giao thông tĩnh, xây dựng công trình thuộc Bộ GTVT

Ngày 12-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7-2020, trong đó có bàn về hai dự luật trên.

Về phạm vi điều chỉnh của dự luật, Thủ tướng nêu rõ không để chồng chéo, nội dung nào thuộc giao thông tĩnh, xây dựng công trình thì thuộc Bộ GTVT, nội dung liên quan an ninh trật tự, an toàn xã hội thì giao cho Bộ Công an. “Về quản lý hệ thống báo hiệu GTĐB, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, tổ chức thực thi, nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB (sửa đổi) là hợp lý, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông…” - Thủ tướng nói. 

Theo Báo Pháp Luật TPHCM