Sử dụng chốt cài dây an toàn giả, hoặc cài dây an toàn ra sau lưng là việc làm khá phổ biến của nhiều người, để đối phó với tiếng "bíp" liên tục phát ra từ trên xe nhắc cài dây an toàn (Ảnh: Reader's Digest).
Có nhiều lý do dẫn tới việc hiện nay, nhiều người Việt Nam không có thói quen cài dây an toàn khi đi ô tô, nhất là người ngồi ở ghế sau; do mức phạt khá nhẹ, có tính nhắc nhở nhiều hơn là răn đe; việc xử phạt cũng chưa được thực hiện nghiêm và tâm lý chủ quan của người đi ô tô, cho rằng nếu chỉ đi trong thành phố, với tốc độ chậm, thì nếu không may xảy ra va chạm cũng sẽ không nghiêm trọng... Tuy nhiên, thực tế là ai cũng có thể thiệt mạng, hoặc khiến người khác thiệt mạng, nếu không cài dây an toàn, dù ngồi ghế sau hay ghế trước.
Những người không cài dây an toàn có thể nghĩ rằng, ngoài an nguy của bản thân, sự bất cẩn của họ không làm hại người khác, nhưng thực tế không phải vậy.
Theo nghiên cứu của Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS), việc cài dây an toàn không chỉ cần thiết cho những người ngồi phía trước, mà cả cho người ngồi hàng ghế sau, bởi ít người chú ý rằng nếu không cài dây an toàn, người ngồi ở ghế sau có thể làm thương, thậm chí gây thương vong cho người ngồi ghế trước khi xảy ra va chạm, vì theo quán tính người ngồi sau sẽ lao mạnh về phía trước, đẩy người ngồi trước lao vào tay lái, trụ A hay điểm va chạm phía trước, dẫn tới nguy cơ gặp chấn thương nhiều hơn.
Hồi năm 2017, kỹ sư nghiên cứu cao cấp Jessica Jermakian của IIHS từng khuyến cáo: "Những người không cài dây an toàn có thể nghĩ rằng sự bất cẩn của họ không làm hại người khác; nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu người ngồi sau không cài dây an toàn, thì nguy cơ tử vong trong va chạm trực diện của tài xế sẽ tăng gấp đôi".
Tuy nhiên, những cảnh báo bằng lời có lẽ không thuyết phục bằng hình ảnh. Đoạn clip dưới đây sẽ cho thấy vai trò của dây an toàn với cả người ngồi ghế trước và ghế sau ô tô khi xảy ra tai nạn:
Dây an toàn được thiết kế để giữ chặt người ngồi ghế khi không may xảy ra va chạm, thay vì lao lên phía trước, đập vào các bộ phận cứng trên xe, như kính chắn gió, vô-lăng, bảng đồng hồ, cửa sổ, lưng ghế trước..., hoặc thậm chí là văng ra khỏi xe.
Ngày nay, ô tô có thể được trang bị hệ thống túi khí hoạt động độc lập hoặc phụ thuộc vào dây an toàn. Nếu hoạt động độc lập, trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí vẫn sẽ bung dù dây an toàn không cài. Trong khi đó, với kiểu hoạt động phụ thuộc, dây an toàn phải cài thì túi khí mới bung.
Với loại xe có túi khí hoạt động độc lập với dây an toàn, nhiều tài xế chủ quan, chỉ dùng chốt giả hoặc cài dây an toàn ra sau lưng, để giải quyết tiếng bíp khó chịu phát ra, mà quên mất yếu tố an toàn của bản thân.
Ngoài ra, hầu hết các xe chỉ có hệ thống nhắc cài dây an toàn cho người ngồi ghế trước; rất ít xe có hệ thống cảnh báo người ngồi hàng ghế sau. Luật pháp nhiều nước cũng bỏ ngỏ quy định về việc cài dây an toàn của người ngồi hàng ghế sau ô tô.
Tại Việt Nam, việc xử phạt hành chính đối với việc người ngồi hàng ghế sau không cài dây an toàn đã được áp dụng từ ngày 1/1/2018.
Quy định về thắt dây an toàn khi tham gia giao thông
Khoản 2 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 về quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ quy định: "Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn".
Mức phạt với người điều khiển xe ô tô không thắt dây an toàn
Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi:
- Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe ô tô chạy trên đường.
- Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
Mức phạt với người ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn
khoản 5 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
Theo Tuoitrethudo