Dưới đây là 1 số câu chuyện trên mạng về còi xe và văn hóa bấm còi mà chúng tôi đã sưu tầm được, các bạn cùng xem và điểm lại xem mình đã gặp những trường hợp này trên đường chưa và có hình ảnh mình trong đó không, sau đó hãy hành động cho đúng với văn hóa, chuẩn mực của người lái xe khi sử dụng còi nhé!
Câu chuyện thứ 1
Có một lần, vô tình tôi đọc được một bài trên Blog của anh chàng Tây siêu tiếng Việt “Dâu” viết về “Văn hóa sử dụng còi” của người Việt Nam mình, cụ thể là những người đang tham gia giao thông hàng ngày tại Hà Nội. Đúng là “văn hóa còi xe” của người Việt cần phải được “cải tạo” thật!
Như anh chàng “Dâu” đã nói thì có những người sử dụng còi xe rất “không đúng lúc đúng chỗ”.
Có những người đi cách người phía trước mình đến cả vài mét đã ấn còi inh ỏi; có người thì lại sát sàn sạt người phía trước rồi mới vội vã ấn còi và quay lại…chửi! Thật không thể hiểu nổi! Đó là chưa kể đến giai đoạn đợi đèn đỏ cũng có nhiều điều phải nói! Lẽ ra là đèn vàng thì “được vượt” mà đằng trước lại không có bóng “áo vàng” đâu nhưng lại có “kẻ chết nhát” dừng lại chặn đường cho nên cách duy nhất để rẽ đám đông vượt lên vượt đèn đỏ là bấm còi… liên thanh! Để góp phần thêm vào phong cách sử dụng còi “độc đáo” này là các bác mô-tô đứng ở giữa dòng người hoặc tít dưới cuối hàng vẫn thường hay bày tỏ sự sốt ruột của mình bằng… còi khi đồng hồ báo hiệu mới chỉ ở những giây thứ 5 để chuyển sang đèn xanh!
Tuy nhiên, những “lỗi văn hóa” này là không thể kiểm soát được mà phải do nhận thức và ý thức văn hóa của mỗi người khi tham gia giao thông. Giả như, ở trường hợp “xấu nhất”, người dân của chúng ta không thể từ bỏ được thói quen sử dụng còi “vô tội vạ” này thì bất quá cũng chỉ khiến người đi đường bực dọc đôi chút. Điều mà tôi muốn nêu ra ở đây đó là “văn hóa còi” của những người lái xe tải. Thành thực mà nói, đây là điều mà tôi đã bức xúc từ rất lâu nhưng mãi tới hôm nay mới quyết định tham gia vào Bạn Đọc viết của VnExpress để chia sẻ cùng mọi người và mong có một giải pháp thực sự cho vấn đề tưởng như là nhỏ này!
Những “lỗi văn hóa còi” mà tôi đã nêu ra ở trên đều xuất phát từ những người điều khiển mô-tô, với mức âm lượng còi còn có thể chấp nhận được mặc dù cũng gây không ít khó chịu đối với mọi người xung quanh khi cùng tham gia giao thông. Điều đáng nói ở đây là “lỗi văn hóa còi” của những người lái xe tải không đơn thuần chỉ là một sự khó chịu khi đi đường mà còn là một tác hại đối với những người cùng tham gia giao thông.
Đã không ít lần tôi “vô tình” đi bên cạnh hay phía trước một chiếc xe tải và đột nhiên giật bắn người vì bị một thứ âm thanh có âm lượng cỡ lớn dội vào tai. Đó là khi chiếc còi hơi xe tải được sử dụng để “xin đường”! Những lúc đi quá gần những chiếc xe tải kiểu như vậy, tôi tưởng như màng tai mình bị rách toạc và không khỏi choáng váng. Tôi không hiểu tại sao những chiếc xe tải này lại có thể ung dung sử dụng còi hơi âm lượng lớn khi đang tham gia giao thông trong đô thị, nhất là tại Hà Nội – nơi mà mật độ người đi lại trên đường khá đông nên khoảng cách giữa các phương tiện là khá bé, mà không bị xử phạt gì.
Tôi thiết nghĩ, đây không phải là một vấn đề nhỏ, chỉ dừng lại ở một “lỗi văn hóa còi” mà còn là sự an toàn cho những người tham gia giao thông. Nếu những chiếc còi hơi âm lượng lớn vẫn còn được ung dung sử dụng trên đường phố đô thị thì sẽ còn không biết bao nhiêu người tham gia giao thông bị “tra tấn” và có thể bị ảnh hưởng xấu đến thính giác. Bầu không khí Thủ đô không chỉ bị ô nhiễm vì khói bụi mà còn trầm trọng thêm vì ô nhiễm âm thanh.
Tôi đã từng có dịp vào công tác tại Huế và cảm thấy rất ấn tượng với khu đô thành xưa của chúng ta. Ngoài những con người với ý thức tham gia giao thông rất tốt, Huế còn áp dụng rất nghiêm ngặt việc cấm lái xe tải sử dụng còi hơi trong thành phố. Ngay tại đầu mỗi con đường dẫn vào nội thành đều có đặt biển “Cấm sử dụng còi hơi trong thành phố” và lái xe cũng thực hiện rất nghiêm túc quy định này. Do vậy, khi xe tải bắt đầu tiến vào nội thành, còi hơi sử dụng cho đường cao tốc đã được chuyển sang còi xe bình thường với âm lượng bé hơn và tuyệt đối an toàn cho những người tham gia giao thông xung quanh.
Như vậy để thấy được rằng, để Thủ đô của chúng ta ngày càng văn minh hơn thì những điều nhỏ nhất cũng phải được giải quyết triệt để và nghiêm khắc, nhất là khi những điều đó không đơn thuần chỉ là gây phiền phức, khó chịu cho mọi người mà còn có khả năng gây tác hại. Mà một khi điều nhỏ có thể gây tác hại thì bản thân nó đã không còn là “chuyện nhỏ” nữa!
Tôi hy vọng rằng những chia sẻ này cùng với những góp ý của đông đảo bạn đọc VnExpress sẽ mang lại được thay đổi nào đó trong lĩnh vực “Văn hóa còi xe” này. Hy vọng một ngày rất gần đây thôi, khi ra đường sẽ không còn ai phải “giật bắn mình” vì những chiếc còi được dùng “không đúng chỗ”!
Câu chuyện thứ 2
Tiếng còi rú inh ỏi, môi trường tiếng ồn trở nên quá sức chịu đựng. Cái xe máy, ôtô và sự bùng nổ của nó không có tội mà lỗi là tại "văn hóa" của người điều khiến chúng đang ở mức... bấm còi!
Đôi khi, còi cũng... bất lực
Ngã tư đã ùn tắc, tiếng động cơ nổ phình phịch chưa đủ gây căng thẳng thần kinh cho con người trong nhịp sống ồn ào hàng ngày lại thêm tiếng còi. Người trước còi người trên, người sau còi người trước inh ỏi cho dù chẳng ai nhích lên được bao nhiêu. "Đã chôn bánh một chỗ rồi còn cứ còi, sốt hết cả ruột!", không ít người phải xổ toẹt ra như thế.
Tín hiệu đèn giao thông còn gần chục giây nữa mới sang màu xanh, đó là khi y như rằng ô tô, xe máy đang dàn trước vạch vôi thi nhau bấm còi tin tin, bum bum như muốn đẩy người đứng trước: "Nhanh lên! Nhanh lên! Đi thôi!" Thì ai chẳng muốn nhanh, muốn qua đèn xanh, nhưng mốc đèn đỏ còn đó, sao phải vì chút hơn thua nhau vài giây mà phải "đuổi" nhau, giục nhau bằng... còi?!
Chẳng may kẹt vào đoạn đường tắc, nhiều người muốn "phát điên" vì tiếng còi xe
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Hải Phòng đều là "ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó", vậy mà ai ở ngõ đều thấm "mùi"... còi và tiếng nổ đành đạch của xe máy đủ loại suốt ngày đêm. Giờ nghỉ trưa, tiếng xe máy rồ ga, lạng lách làm bố mẹ bọn trẻ phải dè chừng khi cho bọn trẻ ra cửa nhà. Đêm tối, có khi cả ngõ bị đánh thức vì tiếng rú ga, bấm còi vì "phởn chí" của mấy cậu choai choai.
Riêng tiếng còi xe vô tổ chức vào bất cứ thời điểm nào trong ngày thì dù khu phố có để tấm biển nhắc nhở "Khu vực đề nghị không bấm còi, rồ ga" cũng chẳng ăn thua. 12 giờ trưa hay 12 giờ đêm thì lỗ tai cũng vẫn bị tra tấn như nhau. Khách thập phương tứ xứ đều như thế, rất bực mình, nhưng chả lẽ phải ra... bịt còi lại cho chừa?
Mà bực nhất, ức chế nhất phải kể đến những tiếng còi "chế" để... không ai giống mình! Có khi người ta phải giật bắn vì sát sạt mình là tiếng còi ô tô choang choang; mải mê né tránh né, khi hoàn hồn quay lại thì hóa ra là... con Wave RS!
Chưa đủ, buổi tối mùa hè hiu hiu gió mát, một vài xe đi dạo thong dong trên phố có thể sẽ phải... cụt hứng vì tiếng còi xe hú dài như xe cứu thương, có khi như kèn hơi phát ra từ... xe máy! Lúc ấy chỉ mong có cảnh sát cơ động dẹp ngay các kiểu "loạn còi" đấy.
Văn hóa ở đâu?
Xu thế sống gấp, "mau lên chứ vội vàng lên với chứ", chỉ biết đến cá nhân mình vẫn đang tỏ ra thắng thế ở nhiều nơi tại Việt Nam. Người ta như chỉ cần hơn nhau vài vòng bánh xe là đã... mãn nguyện lắm rồi. Người dân cứ ngày ngày phải sống chung với tắc đường, sống chung với khói bụi xe và cả sống chung với những tiếng còi nối dài tưởng không bao giờ dứt.
Cứ mỗi xe vài bước lại còi không cần biết còi thế có hiệu quả hay không. Bấm còi và nghe tiếng còi dần dần thành thói quen của không ít người, đến mức chẳng còn biết có thực sự cần còi và nghe còi liên miên thì có tổn hại thính lực, có làm tăng thêm stress (?). Giá mà các thành phố ta được như xứ người, dù xe đầy đường nhưng phân luồng thẳng tắp, đường ai người nấy đi, chứ không chen lấn xô đẩy, không phải lê từng bước kèm theo tiếng còi ong lên nhặng xị!
Mà oái oăm ở chỗ, có thể ban đầu chả ai muốn còi, nhưng có còi rú ầm ầm thì các xe phía trước mình vẫn "trơ" ra, "bình chân như vại" không chịu thôi dàn hàng ngang thì có khi lại phải... thêm tí còi. Mà càng còi to thì có khi chỉ để... cho mình nghe rõ, người ta vẫn mặc kệ ("cái đứa trước có tránh tao đâu mà tao tránh mày"!). Cái vòng luẩn quẩn còi - hay không còi, là như thế...
Câu chuyện thứ 3
Giao thông Hà Nội thời chạy... loạn!
Ngày nào cũng vậy, tan giờ làm việc tôi lại phải đi qua đến năm sáu con phố chật chội và đông đúc. Cứ vào giờ cao điểm là có tắc đường. Thôi thì đành chấp nhận, phố chật người đông sao tránh được. Nhưng đã nhẫn nại chờ đợi mà vẫn chẳng bao giờ được yên. Cả một dòng người chen nhau nhích đi từng mét, làm thế nào cũng không đi nhanh hơn được, thế mà người đi sau vẫn liên tục bấm còi thúc giục người đi trước. Xen trong những tiếng máy nổ là những hồi còi inh ỏi. Thậm chí thứ âm thanh đanh chua ấy còn lấn át cả những tiếng máy nổ kia. Cảnh tắc đường vì thế mà càng trở nên rối beng. Người tham gia giao thông vốn bực bội vì ùn tắc càng trở nên căng thẳng và bội hơn…Ấy vậy mà người ta vẫn bấm còi!
Không chỉ trên những con phố đông đúc, ra đến đường vắng rồi mà những tiếng còi xe vẫn không chịu buông tha. Một chàng trai trẻ ăn mặc bảnh bao đi xe máy vừa lạng lách vừa không ngớt bấm còi như thể đang truy bắt cướp. Một người phụ nữ trung tuổi cứ vài giây lại bấm còi ra hiệu mặc dù cách xe phía trước đến cả vài chục mét. Một người đàn ông đi trên chiếc xe hơi sang trọng cũng liên tục bấm còi như thể sợ người khác quệt vào xe làm xước sơn…Những tiếng còi ấy cứ thi nhau rộ lên, liên tục và nhức tai. Ấy vậy mà người ta vẫn bấm còi!
Nửa đêm, cả khu phố vừa tĩnh lặng trở lại chưa được bao lâu, người người vừa đi ngủ thì chợt những âm thanh chói tai liên hồi bên dưới làm mọi người tỉnh giấc. Ngó qua cửa sổ thì thấy một người đàn ông trên chiếc xe máy vẫn miệt mài bấm còi, dù phía trước chẳng còn ai đi lại…Tờ mờ sáng, khi mà mấy bác cao tuổi hàng ngày vẫn dậy sớm chạy thể dục vẫn chưa tỉnh giấc thì đột nhiên cả khu phố lại bị đánh thức bởi một hồi còi lớn không kém, cất lên, vụt tắt rồi lại cất lên thảm thiết. Ngó qua cửa sổ thì thấy một người phụ nữ chạy chợ đang ra sức bấm còi, dù trên đường cũng chỉ có một hai người đi bộ…Ấy vậy mà người ta vẫn bấm còi!
Kế bên căn nhà lụp xụp của tôi là một tòa nhà to gấp tới cả chục lần mới xây cách đây chưa lâu của một đôi vợ chồng giàu có. Tòa nhà to ấy có cả một chiếc gara rất rộng xây sau cánh cổng cao vút. Mỗi khi đi làm về anh chồng lại có thói quen bấm còi gọi vợ ra mở cổng. Bấm cho đến khi nào cô vợ xuất hiện mới thôi. Cả khu phố chật chội nhà tôi vì thế mà hôm nào cũng nhộn lên vì thứ tiếng inh tai quen thuộc ấy. Đau đầu nhất là khi anh chồng về mà cô vợ đi vắng hoặc đang bận việc không ra ngay được. Tiếng còi khi ấy cứ rít lên mãi...Ấy vậy mà anh ta vẫn bấm còi!
Có thể thấy bấm còi xe phản ánh văn hóa của người lái!
Tổng hợp từ VNExpress, , phununet.com, Tinmoi.vn