Điều mà nhiều người quan tâm là những ai sẽ được thuê và mức giá cho thuê ra sao, đặc biệt là cách thức quản lý, giám sát thế nào để đảm bảo trật tự, công bằng.
Mức thu từ 20.000 – 350.000 đồng/m2/tháng
Hiện việc sử dụng vỉa hè ở TP.HCM khá lộn xộn (Trong ảnh: vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, bên hông Bệnh viện Chợ Rẫy bị trưng dụng giữ xe máy, đẩy người đi bộ xuống lòng đường). Ảnh: Minh Quân.
Sau nhiều cuộc họp, lấy ý kiến đóng góp, UBND TP.HCM đã chính thức ban hành Quyết định 32/2023 về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/9 tới.
Theo Sở GTVT TP.HCM - đơn vị thực hiện đề án thu phí vỉa hè, lòng đường, đối tượng sử dụng là những tổ chức, cá nhân có đăng ký cư trú, đăng ký hoạt động kinh doanh.
Các trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải được cấp phép và phải nộp phí theo quy định; chịu trách nhiệm về bảo đảm trật tự, ATGT theo phương án đã được cơ quan quản lý đưa ra.
Những điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa phải thuộc danh mục do UBND cấp huyện và TP Thủ Đức ban hành trên cơ sở thống nhất của sở GTVT, công an thành phố, sở tài nguyên và môi trường về các danh mục tuyến đường vỉa hè, lòng đường đủ điều kiện được sử dụng kinh doanh.
Những tuyến đường được cho thuê phải đảm bảo điều kiện có tối thiểu 1,5m bề rộng cho người đi bộ và hai làn ô tô cho một chiều đi.
Một số trường hợp không cần cấp phép (miễn thu phí) như tổ chức đám cưới, đám tang... nhưng phải thông báo cho UBND cấp xã, phường để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Nếu sử dụng ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do UBND TP.HCM quyết định.
“Như vậy, yêu cầu để sử dụng vỉa hè là dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông”, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết.
Sở GTVT là đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí theo quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và UBND các quận, huyện được thu theo quyết định giao quản lý tài sản hạ tầng đường bộ.
Về mức phí, trước đó sở GTVT đã dự thảo mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng; để trông giữ xe là từ 50.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo vị trí các tuyến đường.
Sở GTVT tính toán việc thu phí có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách thành phố khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm (lòng đường 550 tỷ đồng/năm, vỉa hè 972 tỷ đồng/năm).
Số tiền này được nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.
Ai được thuê, ai giám sát?
Việc tổ chức thu phí vỉa hè, lòng đường được sự thống nhất của các sở, ngành, chuyên gia và được khá nhiều người dân đồng tình ủng hộ.
Theo ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 3, là quận ở trung tâm thành phố, việc thu phí vỉa hè, lòng đường là phù hợp và nên thực hiện. Nếu không thu phí, nhiều người vẫn lấn chiếm để sử dụng bấy lâu nay.
Hiện nay, TP.HCM đang thực hiện thu phí đỗ xe dưới lòng đường tại 20 tuyến đường, tổng cộng có khoảng 879 ô đỗ xe. Đơn vị trực tiếp thực hiện quản lý và thu phí hiện nay là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong.
Mức phí thấp nhất 20.000 - 25.000 đồng cho giờ đầu tiên, thông qua ứng dụng MyParking, không dùng tiền mặt. Số phí thu đỗ xe dưới lòng đường từ tháng 8/2018 đến nay là hơn 13,3 tỷ đồng.
Năm 2021, hoạt động thu phí chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng, khiến đơn vị vận hành phải bù lỗ 8 tỷ đồng.
“Hiện quận đang khảo sát đăng ký vài tuyến đường để thu phí. Khi triển khai, quận sẽ kiểm soát chặt việc sử dụng đúng mục đích, ưu tiên cho thuê giữ xe”, ông Đức nói.
Trong khi đó, ông Cao Văn Hoàng, Chủ tịch UBND phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức cho biết, hiện phường vẫn chưa được thông báo chính thức, do đó chưa có kế hoạch triển khai.
Sau khi có chỉ đạo, phường mới rà soát về các tuyến đường trên địa bàn để thực hiện.
Bà Vũ Thị Hà, nhà ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức chia sẻ: “Nếu không thu phí, vỉa hè cũng đang bị chiếm dụng buôn bán tràn lan, thả nổi cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên, chỉ nên cho thuê với vỉa hè có bề rộng 5m. Cùng đó, chỉ nên cho thuê để giữ xe máy, chừa ít nhất 1,5 - 2m dành cho người đi bộ, không nên cho thuê để buôn bán ăn uống vì khó quản lý”.
Ông Trần Văn Huy, ngụ quận 3 cũng cho rằng: “Có rất nhiều tình huống đặt ra mà thành phố cần giải quyết khi triển khai việc này. Chẳng hạn người ở nơi khác đến thuê vỉa hè trước mặt nhà người dân nào đó có được không? Khi đã thu phí thì ai giám sát để không xảy ra lộn xộn? Với vỉa hè dưới 5m không cho thuê, liệu có đảm bảo công bằng, bởi ở đó người ta vẫn kinh doanh, giữ xe mà không phải nộp phí?”.
Liên quan những vấn đề trên, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng quản lý hạ tầng, Sở GTVT TP.HCM cho biết, thành phố mới ban hành quyết định, còn cụ thể thế nào sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về cách thức thu lẫn việc quản lý, giám sát.
Văn bản này sẽ được hoàn thiện trước khi gửi sở tư pháp thẩm định, sau đó mới báo cáo UBND TP trình HĐND TP thông qua.
“Quá trình xây dựng đề án, chúng tôi đã tham khảo ý kiến các chuyên gia cũng như mô hình quản lý của các thành phố ở một số nước. Mục tiêu là đảm bảo trật tự đô thị, tạo nguồn thu ngân sách, góp phần duy tu lòng đường, vỉa hè. Đồng thời đảm bảo bình đẳng, minh bạch giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố”, ông Đường nói.
Cũng theo ông Đường, về nguyên tắc, ai có nhu cầu cũng có thể thuê vỉa hè kinh doanh, song những hộ gia đình gần khu vực cho thuê sẽ được ưu tiên.
Khi đã thuê sử dụng phải đảm bảo các yêu cầu về trật tự, vệ sinh môi trường… Nếu người thuê sử dụng không đúng mục đích sẽ bị nhắc nhở, xử lý, nhiều lần có thể xem xét thu hồi giấy phép.
Cần khảo sát kỹ trước khi thực hiện
Nhiều hộ kinh doanh ở mặt tiền chiếm dụng hết cả vỉa hè, lòng đường (chụp tại đường số 1, phường Phước Bình, TP Thủ Đức). Ảnh: Đỗ Loan.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP.HCM góp ý, thu phí lòng đường, vỉa hè là điều nên làm. Tuy nhiên, TP.HCM chỉ nên làm ở một số đoạn đường có đủ điều kiện để thí điểm, sau đó mới rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đặc biệt, đã làm thì cần làm tới nơi tới chốn, nếu không sẽ rất khó để sửa chữa sau này.
Chia sẻ về hình thức cho thuê vỉa hè ở Bangkok, Thái Lan, ông Hòa cho biết: “Các vị trí cho thuê vỉa hè được kẻ ô cho các xe bán hàng rong, giá thuê một tháng khoảng 2.000 bath (hơn 1,3 triệu đồng). Những người bán hàng rong chỉ được bán ở chỗ này một giờ, chỗ kia một giờ, chứ không được đi buôn bán tự do. Để quản lý, tất cả người bán hàng rong cài phần mềm định vị trên điện thoại, có mã số định danh”.
Ông Hòa cho biết thêm, để có mức giá thuê phù hợp, TP.HCM cần điều tra xã hội học thật kỹ. Tổ chức thu đã khó, cách thức thu như thế nào cho hiệu quả còn khó hơn.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quan điểm “vỉa hè là của người đi bộ” không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Thay vào đó, TP.HCM cần tiếp cận khái niệm vỉa hè đa năng, tức vỉa hè không chỉ có một công năng đi bộ.
“Thành phố cần có một đề án nghiên cứu chặt chẽ về quy hoạch vỉa hè, hài hòa được lợi ích giữa các bên liên quan, đồng thời để người dân có lòng tin đối với các chính sách mà chính quyền đưa ra”, ông Nguyên nói.
Không nhiều tuyến đường, vỉa hè đủ điều kiện
Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, mức phí cho thuê lòng đường, vỉa hè được chia theo 5 khu vực và dựa theo giá đất tại tuyến đường. Trong đó, khu vực 1 (các quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm), giá thuê để kinh doanh từ 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng; trông giữ xe từ 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.
Thấp nhất là giá thuê khu vực 5 (huyện Cần Giờ) 20.000 đồng/m2/tháng để kinh doanh và 50.000 đồng/m2/tháng để trông giữ xe.
Hiện trên địa bàn thành phố có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, trong đó có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5m và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên.
Qua thống kê, thành phố có hơn 1/2 số tuyến đường không có vỉa hè. Trong các tuyến đường còn lại, đường có vỉa hè chỉ khoảng 27,47%, có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, 61% hàng rong cố định và 36% hàng rong di động đồng ý đăng ký sử dụng vỉa hè.
Nhiều quận Hà Nội đề xuất cho thuê vỉa hè
Tại Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có 4 vị trí vỉa hè đang được cho thuê từ đầu năm 2021 gồm: Trước số nhà 94 Lý Thường Kiệt, 30A Lý Thường Kiệt, 15 Ngô Quyền và 11 Lê Phụng Hiểu. Thời gian cấp phép sử dụng tạm thời hè phố là 6 tháng/lần với giá 45.000 đồng/m2/tháng.
Ghi nhận của PV, đoạn vỉa hè ở 15 Ngô Quyền được cho thuê làm điểm bán cà phê, ăn uống. Đây là vị trí nằm sát tường của khách sạn Metropole. Đoạn vỉa hè được khách sạn thuê rộng khoảng 6m. Trong đó, phần diện tích bày bàn ghế rộng khoảng 2m, dài 50m, phần còn lại dành cho người đi bộ trước khách sạn.
Một phần vỉa hè trên phố Lê Phụng Hiểu, phía trước khách sạn cũng được cho thuê làm dịch vụ để phục vụ du khách. Đoạn vỉa hè nằm sát tòa nhà ở 30A Lý Thường Kiệt và trước tòa nhà 94 Lý Thường Kiệt cũng được cho thuê để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh, thời gian từ 6h sáng đến 2h sáng. Ở các vị trí trên đều có điểm chung là diễn ra khá ngăn nắp.
Hồi giữa tháng 5, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở GTVT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện lập đề án quản lý vỉa hè, lòng đường.
Tại một số cuộc họp sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tiếp tục yêu cầu các quận, huyện mạnh dạn thí điểm quy hoạch khu vực vỉa hè cho thuê.
Đến nay, 3 quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ đã đề xuất sử dụng tạm thời hè phố ở một số vị trí đảm bảo điều kiện cho việc kinh doanh buôn bán. Trong đó, vị trí được đề xuất tại quận Hai Bà Trưng là Lò Đúc, Trần Xuân Soạn; ở quận Tây Hồ là phố Trịnh Công Sơn, Vũ Tuấn Chiêu; ở quận Đống Đa là 10 tuyến phố...
Theo Báo Giao thông