Buổi chiều tháng 7, anh Lại Minh Trí (31 tuổi, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cặm cụi cắt, tạo hình rồi tỉ mỉ quan sát từng chi tiết mô hình chiếc xe máy của mình. Những linh kiện nhỏ được anh đo đạc, cắt gọt, cẩn thận lắp ráp lại với nhau. 

Từng chi tiết của mô hình được anh đo đạc, cắt gọt cẩn thận. Ảnh: TT

Khắp nơi trong căn nhà nhỏ của anh dày đặc các món đồ chơi, mô hình kiến trúc độc đáo từ vỏ lon bia, lon nước ngọt.

Bộ sưu tập xe hai bánh bằng vỏ lon rất phong phú, từ các loại xe thông dụng hiện nay đến các loại xe phân khối lớn, Vespa cổ và cả các loại xe ba gác, xe xích lô máy, xích lô đạp, xe ngựa, các loại ô tô.

Dù bằng vỏ lon nhưng mỗi loại xe đều được thiết kế giống như thật. Đặc biệt, anh Trí còn sáng tạo các loại máy bay, trực thăng, thuyền bằng vỏ lon rất tinh tế.

Bà Phạm Thị Chung, mẹ anh Trí cho biết, từ nhỏ anh thường quan sát bố làm đồ chơi từ vải vụn, dép cao su.

“Tốt nghiệp THPT, con học ngành Cơ khí của Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ nhưng tình yêu ngành Thiết kế đồ họa đã thúc đẩy Trí rẽ sang học và theo đuổi đam mê từ đó đến nay”, bà Chung tâm sự.

Hơn 4 năm thiết kế đồ chơi từ vỏ lon là hành trình chàng trai Cần Thơ theo đuổi thiết kế đồ họa nhưng với một hướng đi rất riêng.

Đôi bàn tay khéo léo, sự tâm huyết của chàng trai trẻ đã tạo nên những mô hình bền đẹp, bảo vệ môi trường. Ảnh: H.T

"Sản phẩm đầu tiên ra đời là chiếc Vespa cổ. Do có nhiều chi tiết khó, chưa quen tay nên mình mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện. Dần dần rồi quen, các sản phẩm về sau mình làm nhanh hơn và đẹp mắt hơn", anh Trí chia sẻ.

Mô hình được rao bán cả chục triệu đồng

Kỳ công nhất phải kể đến mô hình mô phỏng công trình Nhà hát Lớn Hà Nội được anh lồng kính, bảo quản rất kỹ trước hiên nhà.

“Mô hình dài 1.68m, rộng 1m, cao 0.81m được làm từ hơn 100 vỏ lon bia. Mình rất ấn tượng với kiến trúc của Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhưng cũng chính điều đó gây khó cho mình, phải làm sao thật tỉ mỉ, giống nguyên bản nhất”, anh Trí cho hay.

Mô hình Nhà hát Lớn Hà Nội được anh Trí hoàn thiện trong hơn 1 tháng. Ảnh: TT

Để làm sản phẩm tâm đắc này, anh mất hơn 1 tháng lên ý tưởng, bản vẽ đến lựa chọn, đặt mua nguyên liệu, cắt gọt và tiến hành làm.

Từ ngày lên ý tưởng đến lúc làm ra sản phẩm, Minh Trí không ít lần làm đi làm lại các chi tiết, thay đổi kích thước. Do làm hoàn toàn thủ công nên chỉ một sai sót nhỏ anh sẽ không thể lắp ráp các bộ phận được với nhau.

Suốt 4 năm miệt mài nghiên cứu và lắp ráp, anh Trí đã tạo ra hàng trăm mô hình mô phỏng, giá bán từ 100.000 - 500.000 đồng/món. Riêng những mô hình có kích thước "khủng", hoặc được đặt hàng trước có giá lên đến hàng chục triệu đồng. Sản phẩm chủ yếu được bán trên mạng xã hội. 

 Mô hình "khủng" được rao bán với giá 80 triệu đồng. Ảnh: HT

Anh Trí cho biết: “Đợt vừa rồi, một số giáo viên mầm non tìm đến mua để làm dụng cụ học tập cho trẻ. Mình sẵn sàng để lại với giá rẻ, mong sao các em nhỏ có thể tiếp xúc nhiều hơn với các sản phẩm được sáng tạo từ rác thải. 

Mỗi người một sở thích riêng, có người tái chế bao bì, quần jeans hay chai nhựa... Họ biết cách tận dụng những phế liệu xung quanh, cho chúng một vòng đời mới vô cùng hiệu quả”.

Theo Báo Mới.Com