1. Giảm phí BOT

Trạm thu phí BOT ( ảnh minh hoạ)

Đầu tháng 8/2016, Chính phủ đã đồng ý giảm phí đường bộ đối với 4 nhóm xe. Trong đó, giảm 10-15% mức thu đối với các loại xe nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) tại 29 trạm đang thu theo mức khung tối đa tại Thông tư 159.

Đồng thời, giảm 10-20% mức phí đối với các loại xe thuộc nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt), và nhóm 2 (xe 12-30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) tại 5 trạm có mức thu phí cao nhất để bảo đảm tương đồng với các trạm thu phí khác

Sau đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư giảm phí, chậm nhất có hiệu lực từ ngày 1 đến 15/9.

Việc giảm phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải khi các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc. Không những trạm thu dày đặc mà mức phí còn tăng liên tục, có những trạm tăng mức kịch trần và người dân, doanh nghiệp đi đường nào cũng phải đóng phí. Phí đường bộ tăng cao đã khiến chi phí vận tải của doanh nghiệp tăng kéo giá cả hàng hóa tăng theo.

2. Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Bộ Giao thông Vận tải đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 cần khoảng 229.829 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trục Bắc-Nam kết nối trung tâm chính trị là thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 57% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 65% các cảng biển loại 1-2 (26 cảng biển) và 67% các khu kinh tế của cả nước...

Tuyến cao tốc Bắc-Nam nhánh phía Đông có quy mô tối thiểu 4 làn xe, hiện cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.372 km. Bộ GTVT dự kiến chia dự án này thành các gói nhỏ để phù hợp với quy mô, kinh phí đầu tư, nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư.

Cụ thể, Bộ dự kiến phân chia phương án kiến nghị thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án thành phần có thể đảm bảo các đoạn tuyến có thể khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí hợp lý (nhỏ hơn 25 năm).

Hiện, đề xuất của Bộ GTVT đang chờ Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, phê duyệt.

3. Đổi giấy phép lái xe

Đầu tháng 12 năm nay, người dân cả nước chen chúc nhau đến Sở GTVT các tỉnh, thành phố để xin đổi Giấy phép lái xe (GPLX). Nguyên nhân là trong Điều 57, Thông tư 58 của Bộ GTVT quy định GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình: GPLX ô tô và GPLX hạng A4 trước ngày 31/12/2016; GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi này mà người có GPLX bằng giấy bìa không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại GPLX.

Do có quá nhiều bất cập, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đã có văn bản “tuýt còi” và đề nghị Bộ GTVT tổ chức xem xét, xử lý bãi bỏ ngay nội dung quy định trái pháp luật tại điều 57 và rà soát quá trình thực hiện quy định này để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra.

Sau đó, Bộ GTVT đã phải tiếp thu và sửa đổi Thông tư 58 theo hướng bãi bỏ chế tài quy định buộc sát hạch lại lý thuyết đối với những người không đi đổi GPLX sang thẻ PET theo lộ trình.

4. Thay đổi chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt

Từ ngày 1-8, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế Nghị định 171/2013/ NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Với nhiều quy định mức xử phạt được nâng lên. Điều chỉnh mức xử phạt đối với 115 hành vi và nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ, gồm các nhóm hành vi: vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ trên đường cao tốc, chở hàng quá tải trọng cho phép, chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ, quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép (GPLX), chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động theo khung thời gian, thấp nhất là 1 tháng, cao nhất là 24 tháng.

5. Sập cầu Ghềnh

Khoảng 11h30 ngày 20/3, sà lan chở 800 tấn cát do hai tài công người miền Tây chưa có bằng lái điều khiển khi qua vùng nước xoáy đã đâm sập cầu Ghềnh. Tai nạn khiến 2 nhịp cầu đổ xuống sông.

Sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị đứt mạch, tàu đến ga Biên Hòa sau đó khách được trung chuyển về Sài Gòn. Tuyến giao thông thủy qua khu vực cũng bị phong tỏa.

Ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc khôi phục cầu Ghềnh theo lệnh khẩn cấp, dự kiến hoàn thành ngày 15/7. Sau 3 tháng ngày đêm triển khai các hạng mục, cầu Ghềnh đã được hoàn thành trước dự tính và được khánh thành trở lại vào ngày 2/7.

Sự cố sập cầu Ghềnh khiến sản lượng và doanh thu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bị thiệt hại lên tới 535 tỷ đồng, khiến tuyến đường sắt Bắc-Nam bị tê liệt hoàn toàn đồng thời dẫn đến mục tiêu tăng trưởng 8% sản lượng và doanh thu của ngành đường sắt đưa ra không thể thực hiện được.

Thiên Ân tổng hợp.