Hơn nữa, trong kinh Pháp Cú, đức Phật cũng đã dạy: “Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ các trạng thái tâm lý và hành vi”. Nếu con người hành động hay nói năng với một tâm ác xấu thì khổ não sẽ lê bước theo sau người ấy; như bánh xe lần theo dấu chân của con bò kéo xe. Ngược lại nếu con người hành động bằng tâm thiện lành thì hạnh phúc sẽ đuổi theo người ấy như bóng không rời hình”.

Trên tinh thần Phật giáo Đại thừa: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, không phân biệt màu da, chủng loại, còn sống hay đã khuất đều độ khắp qua nhiều phương tiện mà Trai đàn Bạt độ Chẩn tế là một trong những phương tiện ấy. Chúng sanh khi còn sống đã tạo nhiều nghiệp thì khi chết cũng xảy ra nhiều hình thức: chết do tai nạn giao thông; chết nước, xe cộ, trong chiến tranh, bị đâm chém, uống thuốc độc, rắn cắn; té sông biển, sụp hầm hố; bị điện giựt; động đất; sống thần … bằng nhiều cách chết như thế, nên chưa được siêu thoát; vất vưởng đó đây; qua nhiều hình thức khác nhau.

Cảm thương cho những oan hồn uổng tử như vậy; mà Đại văn hào Nguyễn Du – trong Văn tế  thập loại chúng sanh cô hồn, đã viết:

“Mỗi người một nghiệp khác nhau,
Hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ”.

Rất nhiều thành phần chết theo nhiều cách khác nhau nên gọi chung là “Thập loại chúng sinh” hay “Thập loại cô hồn”.

Theo Du già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, thì thập loại chúng sanh cô hồn gồm có:

1. Thủ hộ quốc giới: Là loại oan hồn vì nước bỏ minh.

2. Phụ tài khiếm mạng: Là loại oan hồn chết vì trái chủ oan gia; trụy thai hay sẩy thai.

3. Khinh bạc Tam bảo: Là loại oan hồn vì tạo nghiệp bất hiếu; phụ nghịch; vô đạo; khinh chê Tam bảo.

4. Giang hà thủy nịch:Là loại oan hồn chết sông; chết biển.

5. Biên địa tà kiến: Là loại oan hồn ở nơi biên ải hẻo lánh xa xăm.

6. Ly hương khách địa: Là loại oan hồn phiêu bạt tha hương; chết đường; chết bụi.

7. Phó hỏa đầu thai: Là loại oan hồn chết vì tự tử; trầm mình xuống sông, xuống núi; chết đâm; chết chém.

8. Ngục tù trí mạng: Là loại oan hồn chết vì bị tra tấn; khổ nhục trong lao tù.

9. Nô tì kết sử: Là loại oan hồn chết vì bị đánh đập; hành hạ; đày đọa.

10. Manh lung ám á: Là loại oan hồn lúc sống bị đui; què; câm; điếc; cô quả không ai chăm sóc.

Mười loại cô hồn này sống không yên một nơi, nay nơi này mai nơi khác, tùy theo hoàn cảnh mà nương tựa, xuất hiện, chịu mọi thống khổ không sao kể siết. Đức Phật phóng quang thấy mọi cực khổ ấy; nên Ngài đem lòng thương vô hạn; thiết bày ra nhiều phương cách để cứu độ; mà không phân biệt chủng loại hữu tình nào.” Địa ngục dị không thể bất thành Phật; chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề.” Nghĩa là nguyện độ tận tất cả chúng sanh còn đang trầm luân trong địa ngục u đồ; đến khi tận thì mới thành chánh đẳng giác. Đó là lý do; là ý nghĩa của Lễ Cầu siêu nạn nhân tử vong do tại nạn giao thông; cũng như các oan hồn uổng tử trong mùa xá tội vong nhân – ngày rằm tháng bảy; được nương tựa nơi sức chú nguyện của năng lượng an lành mà siêu sanh thoát hóa.

Ánh Minh