Ngoài việc mang xe đi bảo dưỡng định kỳ, trước mùa mưa bão, các chủ ô tô nên kiểm tra xem nước rửa kính còn đủ không, hệ thống gạt mưa có hoạt động tốt không, hệ thống chiếu sáng có gì cần khắc phục không, bởi mưa lớn sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng quan sát của tài xế, cần công cụ hỗ trợ.

Một việc quan trọng nữa là bạn cần lưu ít nhất 1 số điện thoại cứu hộ, thường xuyên kiểm tra xem trung tâm cứu hộ đó có đang hoạt động không hay đã đóng cửa. Với những hành trình dài, hãy tìm trước số điện thoại cứu hộ ở những nơi mình sẽ đi qua.

Nếu không có bảo hiểm, hoặc phạm vi bảo hiểm không bao gồm, thì việc ô tô bị ngập nước có thể khiến bạn tốn rất nhiều tiền sửa chữa hoặc thậm chí mất luôn cả chiếc xe (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Khi đang mưa bão, tốt nhất là hạn chế lái xe ra đường, nhưng nếu rơi vào thế bất khả kháng, tài xế cần lưu ý tuân thủ một số nguyên tắc an toàn.

Tránh xa chỗ ngập, đoạn đường dễ xảy ra sạt đất, lở đá

Nếu có thể thì hãy tránh các vùng đang ngập hoặc bình thường hay bị ngập nước mỗi khi mưa lớn và dai dẳng. Khi đi trên đường, nếu thấy phía trước ngập nước, hãy lập tức quay xe; nước có thể ngập sâu hơn bạn nghĩ, hoặc càng tiến về phía trước, nước càng ngập sâu hơn.

Ngay cả khi bạn có thể lái xe chầm chậm qua vùng nước ngập một cách an toàn, nhưng rủi ro nằm ở khả năng có tài xế khác lao nhanh xe qua đoạn ngập, tạo sóng nước trùm kín xe bạn. 

Chỉ cần ngập khoảng 15cm cũng có thể khiến bạn mất kiểm soát chiếc xe, vì bộ lốp có thể hóa thành chiếc phao khiến ô tô không còn bám trên mặt đường. Nước ngập khoảng 60cm là đủ để cuốn trôi một chiếc xe nặng khoảng 1,3 tấn, như Honda Civic hoặc Kia K3.

Ngoài nguy cơ ngập lụt, mưa bão còn mang tới hiện tượng sạt đất, lở đá ở vùng núi, gây nguy hiểm tính mạng. Bên cạnh đó, khi đi qua những nơi có địa hình phức tạp, tài xế cần tìm chỗ dừng xe an toàn, xuống thăm dò đường, xem lượng bùn đất cao tới đâu, liệu xe có thể qua được hay không.

Lái xe như thế nào khi lỡ đi vào chỗ ngập?

Nếu vì lý do gì đó mà bạn lỡ lái xe đi vào chỗ ngập, thì đầu tiên là phải giữ bình tĩnh, tắt điều hòa, giữ đều chân ga và di chuyển thật chậm. Với xe số sàn, nên để số 1, còn với xe số tự động có các số D1, D2… hãy chuyển về D1, cố gắng giữ vòng tua máy cao nhất ở mức có thể. 

Hãy cố gắng chạy xe ở giữa đường, vì ở 2 bên thường trũng, lượng nước ngập nhiều hơn.

Thứ hai, hãy bật đèn cốt hoặc đèn sương mù ngay cả khi mưa nhỏ cũng như lúc trời âm u. Việc này giúp bạn quan sát đường tốt hơn, đồng thời giúp các lái xe khác thấy bạn rõ hơn. Nếu mưa quá lớn, bạn nên lái xe với tốc độ dưới 10km/h và bật đèn khẩn cấp.

Thứ ba, tuyệt đối không đạp thốc ga để phóng nhanh qua vùng nước ngập, vì làm vậy có thể khiến nước tràn vào khoang máy qua lưới tản nhiệt và các ống hút gió, gây hiện tượng thủy kích.

Thứ tư, không nên đi gần xe trọng tải lớn, bởi những dòng nước bắn ra từ những bánh xe kích cỡ lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của bạn.

Thứ năm, đừng cố vượt khi bạn chưa chắc chắn về tầm nhìn cũng như khả năng tăng tốc của xe mình. Trời mưa to sẽ hạn chế tầm nhìn của tài xế. Lái xe cũng cần lưu ý đặc biệt trên những đoạn đường cua, tránh phanh gấp để phòng nguy cơ xe bị văng, mất lái, mất kiểm soát, dễ dẫn tới tai nạn.

Khi ô tô bị chết máy giữa chỗ ngập, đừng cố khởi động lại, tránh dẫn nước vào sâu bên trong động cơ, khiến hư hỏng trầm trọng thêm, khó khắc phục. Lúc này, hãy chuyển cần số về vị trí N để có thể đẩy xe di chuyển tới vị trí cao hơn, và nhớ bật đèn khẩn cấp. 

Nếu không may rơi vào tình huống càng đi nước càng dâng cao, ngập quá nửa bánh, thì bạn hãy dừng lại và lập tức rời khỏi ô tô, tìm đến chỗ cao hơn để đảm bảo an toàn tính mạng.

Ngoài ra, không chỉ vùng rốn lũ mới có nguy cơ ngập, các khu vực đông dân cư cũng dễ bị ngập, vì các tòa nhà, đường sá và bãi đậu xe có thể khiến hệ thống thoát nước quá tải. Nếu không kịp sớm di chuyển xe tới chỗ cao hơn, thì bạn có thể cân nhắc một số giải pháp kê bánh xe lên cao.

Theo tuoitre.vn