"Đại chiến" giảm giá ô tô trên toàn thị trường
Từ đầu năm đến nay, thị trường xe Việt vẫn liên tục đón nhận những đợt giảm giá mạnh từ vài chục lên đến hàng trăm triệu đồng do các hãng xe và đại lý ô tô tung ra nhằm cạnh tranh, thu hút khách hàng.
Trong đó, Toyota Việt Nam tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ phí trước bạ lên đến cả trăm triệu đồng cho khách hàng mua một số phiên bản của các dòng xe như Corolla Altis, Innova, Fortuner… Cùng với đó tại các đại lý phân phối, những mẫu mã như Toyota Vios, Wigo cũng được ưu đãi giảm giá tiền mặt từ 15 – 40 triệu đồng.
Nhấn để phóng to ảnh
"Đại chiến" giảm giá ô tô trên toàn thị trường
Thaco cũng điều chỉnh tăng mức ưu đãi với hầu hết các dòng xe Mazda đang phân phối tại Việt Nam thời điểm hiện tại. Trong đó, mẫu Mazda CX-8 được ưu đãi giá trực tiếp cao nhất từ 95-150 triệu đồng so với giá niêm yết (tuỳ từng phiên bản). Với các mẫu xe thuộc thương hiệu Kia, Thaco áp dụng ưu đãi từ 17- 70 triệu đồng kèm theo các gói quà tặng phụ kiện theo xe.
Nhấn để phóng to ảnh
THACO cũng điều chỉnh tăng mức ưu đãi với hầu hết các dòng xe Mazda đang phân phối tại Việt Nam.
Là hãng xe ít khi tung ra nhiều khuyến mãi khủng nhưng thời điểm này, thương hiệu Hyundai cũng giảm giá từ 10 –90 triệu đồng cho nhiều mẫu xe.
Giữa đại dịch Covid-19, giá nhiều mẫu xe của hãng Honda như như Honda City, HR-V, CR-V…đã giảm mạnh nhằm kích cầu, mức cao nhất lên tới 130 triệu đồng.
Nhà phân phối của Subaru tại Việt Nam cũng áp dụng mức giảm giá lên đến 165 triệu đồng cho các phiên bản Forester, trong khi mẫu Outback ES được giảm tới 180 triệu đồng.
Ở phân khúc xe sang, BMW, Mercedes hay cả Volkswagen cũng gây sốt khi giảm giá mạnh. Trong đó, BMW X7 giảm đến 350 triệu đồng. Nhiều mẫu xe Mercedes được hỗ trợ phí trước bạ từ 180-200 triệu đồng.
Giá bán 2 sản phẩm chủ lực gồmTiguan Allspace và Passat của Volkswagen cũng giảm lên đến gần 200 triệu đồng.
Một số đợt giảm giá xả hàng tồn trước đó như Chevrolet Trailblazer giảm giá gần 400 triệu, Ford Explorer giảm gần 300 triệu đồng cũng khiến người tiêu dùng không khỏi bất ngờ.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh khá phức tạp, các đợt giảm giá xe mạnh liên tiếp từ đầu năm đến nay dường như không thể kéo lại đà sụt giảm của toàn thị trường xe hơi Việt Nam trong quý I.
Theo báo cáo bán hàng mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 3 năm nay đã giảm 33% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 35%; xe thương mại giảm 26% và xe chuyên dụng giảm 32% so với cùng kì năm ngoái. Doanh số bán hàng quý I của xe lắp ráp trong nước giảm 28% trong khi xe nhập khẩu giảm 39% so với cùng kì năm ngoái.
Doanh số của hầu hết các thành viên VAMA đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Thaco tiêu thụ được 16.149 xe trong quý I (giảm 29% so với năm 2019), Toyota Việt Nam giảm 28%; Honda Việt Nam giảm 39%; Ford Việt Nam giảm 48%...
Hụt hẫng vì xe mất giá quá nhanh
Với phần lớn người tiêu dùng Việt, xe hơi không chỉ là phương tiện đi lại mà còn được coi là tài sản tích trữ hay là một khoản đầu tư. Thậm chí, có người khi mới đặt mua, chưa nhận giao xe đã nghĩ đến việc sau này bán lại giữ giá thế nào.
Chính vì thế, những thương hiệu xe, mẫu xe có giá bán lại không giảm nhiều luôn luôn hút khách. Tuy nhiên thời gian gần đây giá hầu hết mẫu xe trên thị trường liên tục giảm sâu điều đó khiến không ít người lại cảm thấy “hụt hẫng”, “xót ruột” vì mới mua xe tháng trước tháng sau đã mất giá.
Anh Hoàng Thiên, một khách hàng ở Nam Định kể, anh mua ô tô Toyota Altis từ năm 2012, đến tháng 8 năm ngoái đổi sang xe Fortuner bản 2.8V 4X4 AT máy dầu với giá 1,354 tỷ để tiện chở gia đình đi lại đường xa. Nhưng thời điểm cuối năm, mẫu xe tiếp tục hạ giá bán đến 120 triệu đồng. Điều này khiến anh tiếc nuối mãi vì cho rằng mình quá vội vàng mua xe sớm.
Nhấn để phóng to ảnh
Toyota Fortuner là một trong những mẫu xe hot thời gian qua liên tục nhận được các mức giảm giá hấp dẫn từ hãng, đại lý.
“Tôi thực sự không thể hình dung, một chiếc Toyota Fortuner đăng ký xong xuôi, vừa lăn bánh ra khỏi đại lý mang tiếc xe chạy lướt đã mất toi 100 triệu đồng, vài tháng sau đọc báo thấy hãng giảm thêm hơn một triệu nữa. Như vậy chỉ trong thời gian ngắn một chiếc xe đời mới lại mất giá đến hàng trăm triệu. Thực sự rất xót tiền”, anh Thiên buồn bã nói.
Anh Nguyễn Mạnh Tùng ở Thủ Đức, TP HCM cũng cho biết: "Như tôi vừa mua xe Ford Explorer đời 2019 đầu năm ngoái với giá 2,268 tỷ đồng. Sau đó xe cứ hạ giá hạ giá gần cả nửa tỷ đồng đến bây giờ cảm giác như vừa rơi mất một khoản tiền lớn trong túi, trông thấy rõ luôn".
Đánh giá về thị trường xe trong thời gian qua, anh Nam, một chuyên gia về kinh doanh ô tô cho biết: "Thị trường xe nói chung và xe sang nói riêng vừa rồi phải nói là ảm đạm vì dịch do showroom và xưởng đóng cửa nên sau khi mở cửa thì bắt đầu có nhiều chính sách giảm giá xe. Giảm giá xe ở đây là do các hãng họ đang giải tồn kho do áp lực lãi vay từ ngân hàng".
Theo anh Nam, một số đời xe hiện nay cũng đang rơi vào cuối chu kỳ và dự kiến cuối năm này hoặc đầu năm mới sẽ ra phiên bản mới nên hãng cũng đang hỗ trợ nhiều chính sách về giá. Một số xe nhập khẩu của các hãng vừa rồi họ nâng cấp và giới thiệu xe mới thì đi kèm đó là chính sách giảm giá những chiếc xe đã nhập về trước đó nên phải giảm giá để xả hàng tồn kho.
"Cùng với với việc giảm giá bán, các nhà lắp ráp sản xuất ô tô trong nước đang chờ đợi “cú hích” từ chính sách thuế phí nhằm kích cầu thị trường ô tô sau đại dịch Covid-19.
Tình hình sắp tới sẽ có lợi cho hãng xe lắp ráp trong nước khi Chính phủ đang trình Quốc hội phê duyệt chính sách hỗ giảm phí trước bạ và thuế cho xe lắp ráp trong nước. Chính vì thế thời điểm này khách hàng sẽ rơi vào trạng thái chờ giảm giá rồi mới tiến hành mua xe".
Được biết, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong dự thảo có nêu rõ giải pháp nhằm kích cầu ngành ô tô, gồm việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước và xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội. Đề xuất này cũng đã được Bộ Công Thương đồng lòng trình Chính phủ. Nếu được thông qua và triển khai, chắc chắn sẽ tạo động lực mạnh mẽ giúp thị trường ô tô trong nước hồi phục và cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Theo VietnamNet