Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo tính toán, nhu cầu cát đắp của Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng hơn 31 triệu m3. Đến giữa tháng 2/2024, nguồn cát tại tỉnh An Giang cơ bản đáp ứng nhu cầu cát đắp nền của dự án thành phần 1. Các nhà thầu thi công đã nộp hồ sơ đăng ký khai thác cát tại 4/4 mỏ.

Theo Bộ GTVT, tỉnh Sóc Trăng hiện đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 7 mỏ trong quy hoạch, sau khi được khai thác sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu. Trong khi chờ hoàn thành thủ tục, chủ đầu tư chưa có phương án cụ thể về nguồn cát thực hiện các gói thầu xây lắp.

Riêng Hậu Giang và Cần Thơ mới xác định nguồn khai thác cát từ An Giang khoảng 5 triệu m3 (38%), chưa hoàn thiện thủ tục khai thác.

"UBND TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị hỗ trợ 8,2 triệu m3 cát. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long được đề nghị hỗ trợ Hậu Giang 1,8 triệu m3 và Cần Thơ 0,8 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ Hậu Giang 2,6 triệu m3; tỉnh Tiền Giang hỗ trợ Cần Thơ 3 triệu m3", Bộ GTVT thông tin.

Lưu ý hiện nay khu vực ĐBSCL đang triển khai nhiều dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia như: cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - An Hữu... Chỉ tính riêng các dự án cao tốc đang triển khai trong khu vực, nhu cầu vật liệu cần khoảng gần 56 triệu m3 cát, Bộ GTVT đề nghị các địa phương khẩn trương có giải pháp hiệu quả bảo đảm cung cấp đủ khối lượng vật liệu xây dựng để phục vụ thi công.

"Trước mắt, các đơn vị cần chủ động tìm kiếm nguồn cát thương mại để bảo đảm tiến độ xây dựng theo yêu cầu. Các địa phương cũng cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng, có giải pháp, chế tài xử lý kịp thời, nghiêm minh và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng", Bộ GTVT đề nghị.

Bộ GTVT đã lưu ý và đề nghị các địa phương liên quan khẩn trương có giải pháp hiệu quả bảo đảm cung cấp đủ khối lượng vật liệu xây dựng phục vụ thi công. Cơ quan chính phủ này cũng đề nghị các đơn vị cần chủ động tìm kiếm nguồn cát thương mại sao cho bảo đảm tiến độ xây dựng theo yêu cầu.

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 188 km, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành phố (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng). Giai đoạn 1, Dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe.

Dự án có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP. Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng), với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.

Theo Báo Đầu tư