Tuân thủ điều lệnh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng, giáo dục và rèn luyện CAND trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có lực lượng CAND tư tưởng và những lời dạy quý báu. Cách đây 70 năm, ngày 11-3-1948, Bác Hồ đã có thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Đây cũng là lời huấn thị chung cho toàn lực lượng CAND, là di sản tinh thần thiêng liêng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng, là chuẩn mực đạo đức, phương châm xử thế và hành động, là động lực tinh thần, cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của lực lượng CAND trong suốt chặng đường cách mạng đầy chông gai, thử thách của đất nước và dân tộc.
70 năm qua, lời huấn thị của Người đối với lực lượng Công an nhân dân luôn mang tính thời sự và ngày càng trở nên có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn hiện nay. Với đặc thù nghề nghiệp, lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong công tác chiến đấu, lực lượng CSGT phải thường xuyên tiếp xúc với mọi tầng lớp nhân dân và nhiều mặt trái của xã hội. Điều này rất dễ tác động đến tư tưởng, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của CBCS. Do vậy, việc học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân luôn có ý nghĩa quyết định trong quá trình rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của CBCS CSGT, là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng lực lượng CSGT trong sạch, vững mạnh…
Lớp lớp thế hệ CSGT nguyện chiến đấu và học tập theo 6 điều Bác Hồ dạy
* Hiểu về 6 Điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân:
Sáu điều Bác Hồ dạy là một huấn thị hoàn chỉnh, khoa học, có quan hệ nhân quả, điều trước là tiền đề của điều sau, điều sau bổ sung cho điều trước. Đó là một trong những di sản vô cùng quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để lại cho lực lượng Công an nhân dân, đó chính là chuẩn mực về phẩm chất đạo đức, tư cách của người Công an cách mạng trong mọi thời đại, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Trong lời dạy đầu tiên Bác dặn người chiến sĩ Công an trước hết phải nghiêm khắc với mình, phải rèn luyện được 4 phẩm chất cao quý của con người mà trí tuệ nhân loại đã đúc kết, đó là: "Cần, kiệm, liêm, chính": Cần là cần cù lao động, say mê công việc; Kiệm là tiết kiệm, tận dụng tốt thành quả lao động của con người, không xa hoa, lãng phí; Liêm là liêm khiết, không tư lợi, không tìm cách để dành nhiều lợi ích cho mình; Chính là sống quang minh chính đại, không giả dối, thấy việc gì đúng thì làm. Câu thứ hai, Bác dạy: Trong quan hệ với đồng sự, đồng chí phải có tinh thần thân ái, giúp đỡ để cùng tiến bộ, hoàn thành tốt công việc được giao. “Đối với chính phủ phải tuyệt đối trung thành", nhiệm vụ của Công an là phải bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, trung thành với chính phủ trọn vẹn, chu đáo và có trách nhiệm đối với những công việc mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó. Công an muốn được dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ thì trước hết phải kính trọng, lễ phép với nhân dân. Bên cạnh sự kính trọng và lễ phép còn đòi hỏi con người Công an Cách mạng phải luôn tận tụy trong công việc. Bác dạy:"Đối với công việc phải tận tụy", tận tụy ở đây có nghĩa là hết lòng, hết sức, toàn tâm, toàn ý vì công việc mà Đảng và nhà nước giao phó, tận tụy với công việc được thể hiện ở sự làm việc bền bỉ, có tính chủ động, sáng tạo, xuất phát từ động cơ đúng đắn và trong sáng vì mục tiêu phục vụ nhân dân. "Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo",đây là yêu cầu về tài năng, về sự quyết đoán, quả cảm của người chiến sĩ Công an khi đứng trước kẻ thù. Điều dạy đầu tiên của Bác đối với lực lượng Công an nhân dân là cần kiệm và cuối cùng là khôn khéo. Cần kiệm là biểu hiện của "Đức", khôn khéo là biểu hiện của "Tài". Tài và Đức là hai chuẩn mực mà người cán bộ chiến sĩ Công an phấn đấu rèn luyện, là nền tảng của mọi thành công.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong các giai đoạn cách mạng trước đây cũng như trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế ngày nay, việc học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã trở thành phong trào thi đua rộng lớn, liên tục, là nội dung trọng tâm công tác chính trị, tư tưởng, là kim chỉ nam trong việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng Công an nói chung, trong đó có lực lượng Cảnh sát giao thông.
* Kết quả đạt được trong công tác bảo đảm TTATGT, TTXH:
Trong những năm qua, Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT luôn triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác bảo đảm TTATGT, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân, hạn chế vi phạm, giảm thiểu tai nạn giao thông… Lực lượng CSGT luôn là lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác bảo đảm TTATGT, TTXH, góp phần bảo vệ thành công các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên tiếp giảm trên cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương. Chỉ tính trong vòng 10 năm trở lại đây ( 2007-2017), số người chết do TNGT năm 2017 đã giảm hơn 4000 người so với năm 2007…
Lực lượng CSGT với chức năng nhiệm vụ được giao, hàng ngày, hàng giờ thường xuyên có mặt kịp thời trên các địa bàn, tuyến giao thông trọng điểm, phức tạp, không quản ngại ngày, đêm, mưa gió, bão lũ để giữ gìn trật tự an toàn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông; Phát hiện kiểm tra bắt giữ và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại, các vụ phạm pháp hình sự trên các tuyến giao thông.
Đại đa số CBCS CSGT đều có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tận tụy, trách nhiệm với công việc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, lành mạnh; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, giao tiếp ứng xử có văn hóa, đã góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đã có nhiều tấm gương dũng cảm của cán bộ chiến sĩ CSGT hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Hàng nghìn lượt CBCS đã nêu gương liêm khiết, tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân: Nhặt được tài sản của người dân bị rơi tìm người trả lại; dũng cảm tham gia truy bắt đối tượng cướp giật trên đường, cứu giúp người dân gặp nạn trên đường, trong mưa, lũ; giúp người già, trẻ nhỏ lạc đường tìm lại thân nhân… Những việc làm, hành động ý nghĩa này của CBCS đã được người dân, các cấp các ngành ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao. Ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu của CSGT được nhân dân gửi thư khen ngợi.
Tại nhiều đơn vị, địa phương đã thực hiện phương châm “làm hết việc, không làm hết giờ” cùng với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi đến làm việc, đã nhận được nhiều lời khen ngợi, đồng tình của nhân dân. Phương châm “CSGT bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” đã lan tỏa trong toàn lực lượng. Thái độ ứng xử có văn hóa, đúng mực được mỗi CBCS được thực hiện nghiêm túc trong công tác tiếp công dân tại các bộ phận, nhất là trong công tác đăng ký quản lý phương tiện giao thông, xử lý vi phạm… đã dần tạo được niềm tin, sự yêu mến và hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Công an trong lòng dân.
Cùng với đó, hình ảnh người chiến sỹ CSGT tuyên tuyền Luật giao thông đến với bà con vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, kết hợp công tác từ thiện, trao những phần quà nhỏ đến những người dân có hoàn cảnh khó khăn, động viên họ vươn lên trong cuộc sống đã và đang được lực lượng CSGT nhiều địa phương triển khai thực hiện. Việc làm này đã dần tạo được niềm tin, sự yêu mến và hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Công an trong lòng dân.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong công tác chuyên môn và xây dựng lực lượng của lực lượng CSGT hiện nay cũng còn một số tồn tại, thiếu sót. Tinh thần trách nhiệm trong công việc của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa cao, một số ít còn tư tưởng trung bình chủ nghĩa, ích kỷ, thiếu rèn luyện phấn đấu vươn lên. Do đặc thù nghề nghiệp và áp lực công việc nên áp lực dư luận xã hội đối với công tác bảo đảm TTATGT và lực lượng CSGT hiện nay là rất lớn. Chỉ một lời nói, cử chỉ, hành động chưa đúng mực của CSGT dễ trở thành tâm điểm cho người vi phạm bình luận, đưa thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, chống đối trên các trang mạng xã hội và một số báo điện tử. Điều này đã anh hưởng không nhỏ đến danh dự và uy tín của lực lượng CSGT.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, TTATXH còn rất nhiều khó khăn, thách thức khi ý thức của người tham gia giao thông còn tùy tiện; hạ tầng giao thông tuy đã được nâng cấp cải tạo nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong việc tổ chức giao thông; tình hình thiên tai, dịch bệnh kéo dài, mưa lũ, ô nhiễm môi trường nhiều nơi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự… Đồng thời cũng gây ra những khó khăn, áp lực cho lực lượng CSGT trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.
Tăng cường huấn luyện
* Tăng cường giáo dục và xây dựng đạo đức nghề nghiệp trong lực lượng CSGT thực hiện theo 6 Điều Bác Hồ dạy CAND:
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn không thay đổi. Trong khi đó, những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang tác động làm xói mòn lòng tin của cán bộ, nhân dân, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đang đặt ra rất nặng nề đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng CSGT nói riêng.
Có thể khẳng định rằng, 6 điều Bác Hồ dạy CAND đã thể hiện sâu sắc về phẩm chất; chuẩn mực đạo đức; giá trị nhân văn; ý thức trách nhiệm; giác ngộ lý tưởng; lòng yêu nước; quan điểm quần chúng; sách lược đấu tranh với địch; tài năng, năng lực làm việc… Việc tổ chức học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã được lực lượng Công an nhân dân quán triệt nghiêm túc trong suốt 70 năm qua và nay đã trở thành phong trào rộng lớn gắn với phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, phong trào “Bảo vệ An ninh Tổ quốc” và các phong trào khác trong lực lượng Công an nhân dân.
Để góp phần định hướng và xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng CSGT theo 6 Điều Bác Hồ dạy, cần tập trung vào những nội dung sau:
Một là: Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị trong lực lượng CSGT cần tiếp tục đưa phong trào “Công an nhân dân học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” lên một tầm cao mới, sâu sắc, toàn diện hơn, gắn với triển khai thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CSGT bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Phát động CBCS thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác, sinh hoạt. Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Trong chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện phải quán triệt tinh thần lấy kết quả của việc thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng để đánh giá, phân loại, bình xét thi đua hàng năm của tập thể, cá nhân, nhất là trong đánh giá cán bộ để quy hoạch, luân chuyển, điều động, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
Hai là: Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị phải tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho CBCS. Yêu cầu đối với mỗi CBCS phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, suy nghĩ, hành động theo 6 điều Bác Hồ dạy, luôn vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, những cám dỗ tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường; thường xuyên bồi đắp ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ, đề cao tinh thần trách nhiệm; say mê, năng động, sáng tạo, nhạy bén, mưu trí, dũng cảm trong công tác và chiến đấu. Đồng thời mỗi CBCS cần nắm chắc được vai trò, trách nhiệm của lực lượng CSGT trong khi thi hành công vụ, các quy định pháp luật về công tác bảo đảm TTATGT. Thực hiện tư thế, lễ tiết, tác phong, ứng xử văn hoá, văn minh, kiên quyết nhưng phải linh hoạt trong từng tình huống cụ thể, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình thực tiễn.
Ba là: Yêu cầu mỗi CBCS trong lực lượng CSGT cần vận dụng linh hoạt sáng tạo và cụ thể hóa 6 Điều Bác Hồ dạy sát với từng lĩnh vực công tác chuyên môn của mình, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Nhất là đối với CBCS làm nhiệm vụ tại các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhân dân. Cần vận dụng sáng tạo lời dạy của bác “Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép”, đồng thời thực hiện tinh thần "Đổi mới, chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả" và "Mỗi ngày làm một việc tốt, vì nhân dân phục vụ"… Bên cạnh đó cần nghiên cứu đề xuất tiếp tục đổi mới công tác cải cách thủ tục hành chính trong các mặt công tác, đặc biệt tiến tới xây dựng quy trình xử phạt vi phạm hành chính sao cho phù hợp, khoa học, rút gọn các thủ tục hành chính song vẫn đảm bảo hiệu quả xử lý vi phạm. Tăng cường lắp đặt hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, camera giám sát giao thông tại các tuyến đường trọng điểm, trên phương tiện TTKS và CBCS thực hiện nhiệm vụ để hỗ trợ xử lý các vi phạm TTATGT bằng hình ảnh, góp phần quản lý giám sát, nâng cao ý thức trách nhiệm, việc chấp hành quy trình chế độ công tác của CBCS CSGT. Đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Vì nhân dân phục vụ
Bốn là: Coi trọng biện pháp vận động quần chúng và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc. Trong đó, lực lượng CSGT cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân tích cực bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chú trọng rà soát đánh giá, phân loại thực trạng chất lượng hoạt động của các phong trào, mô hình toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT hiện nay. Có kế hoạch xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình tốt, loại bỏ mô hình kém, phát triển mô hình mới phù hợp gắn với tình hình thực tế ở từng địa phương. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những chủ trương, giải pháp quan trong thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, TTXH. Xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhân dân; kính trọng, lễ phép, sẵn sàng bảo vệ và giúp đỡ nhân dân; Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT, thực hiện và xây dựng có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT.
Năm là: Phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin đại chúng chủ động tuyên truyền nhân rộng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; rèn luyện đạo đức, lối sống và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ CSGT. Nhất là những tấm gương gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy hoặc một trong những nhân tố có tầm ảnh hưởng rộng rãi, có tác dụng quyết định tới chất lượng, hiệu quả giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho CBCS. Đồng thời chú trọng việc sơ kết, tổng kết nhằm phát huy kết quả đạt được, phổ biến những kinh nghiệm hay, những mô hình mới trong phong trào “CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, từ đó tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, TTXH, xây dựng lực lượng CSGT trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT