Trong suốt nhiều thập kỷ, Facelift là một phương pháp tốt để các nhà sản xuất xe hơi có thể duy trì sức hấp dẫn của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng. Những bản Facelift - nâng cấp giữa vòng đời thường mang đến thị trường một vài tinh chỉnh nhỏ về thiết kế, bổ sung thêm một vài trang bị tiện ích; trong khi đợi nhà sản xuất tung ra thế hệ sản phẩm all-new (hoàn toàn mới) tiếp theo với những thay đổi toàn diện từ nền tảng khung gầm - động cơ, cho tới hàng loạt tính năng hấp dẫn khác.

Tuy nhiên gần đây, khái niệm all-new và facelift đang dần bị xóa nhòa: Có những sản phẩm trang bị động cơ mới, thay đổi hệ thống khung gầm nhưng vẫn chỉ được coi là bản nâng cấp. Điển hình như trường hợp của Huyndai Santa Fe 2021 tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, xe EV thuần điện là loại hình sản phẩm mới ra đời, đem theo những thay đổi chóng mặt và được dự đoán là hướng phát triển tiếp theo của ngành công nghiệp xe hơi. Một trong những khía cạnh mới được khám phá, là cập nhật phần mềm.

Cập nhật phần mềm điều khiển được coi là một điều quan trọng bởi lẽ nó mang ý nghĩa rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vận hành của những chiếc xe điện - loại hình sản phẩm mang hàm lượng công nghệ rất cao. Cụm từ "Brainlift" (tạm hiểu là "nâng cấp não bộ" - người dịch) được Bjorn Annwall - Giám đốc Kinh doanh kiêm Phó Giám đốc điều hành của Volvo - đưa ra để định nghĩa tóm gọn về kiểu cập nhật này.

Cùng với đó, Bjorn Annwall đưa ra dự đoán: "Trong tương lai, cập nhật phần mềm kiểu brainlift sẽ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho người dùng hơn là những bản cập nhật facelift như truyền thống. Đến lúc đó, việc cần làm của các nhà sản xuất sẽ chỉ là chọn loại linh kiện và kiểu trí thông minh nào cho phù hợp nhất với những chiếc xe của mình."

Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc Volvo sẽ quay lưng với những bản nâng cấp thiết kế nhẹ kiểu facelift giữa vòng đời như hiện nay. Nhưng việc các hãng xe ưu tiên nâng cấp phần mềm hơn ra mắt các bản facelift sẽ có thể trở thành hiện thực trong tương lai không xa.

Tận dụng xu hướng phát triển này, thương hiệu xứ Bắc Âu thậm chí đã tính đến những nước đi mới: kiếm tiền từ công nghệ trên xe. Tuy nhiên đó không phải là kiểu "hút máu" người dùng: bắt họ trả từng xu cho những tính năng cụ thể. Thay vào đó, chiếc xe sẽ cung cấp hàng loạt trang bị hấp dẫn ngay từ đầu, nhưng người dùng sẽ phải trả thêm phí thuê bao nếu muốn nâng cấp phần mềm mở rộng, ví dụ như tính năng tự lái chẳng hạn. Thực ra điều này không hề xa lạ trong thế giới công nghệ. Ví dụ, bạn mua một chiếc điện thoại và máy tính nhưng phải bỏ thêm tiền để có thể sử dụng những ứng dụng khác chạy bên trong máy.

Và Volvo sẽ sớm đưa hình thức thuê bao công nghệ này vào sản phẩm của mình. Cụ thể, mẫu Volvo EX30 - đàn em của XC40 Recharge sắp ra mắt vào mùa hè này - sẽ được trình làng kèm theo gói thuê bao tối thiểu 3 tháng. Nó tương tự như hình thức thuê pin mà VinFast hiện đang triển khai dành cho những mẫu xe điện của mình.

Theo Jim Rowan - CEO của hãng - hình thức thuê bao này sẽ giúp giảm giá thành của Volvo EX30, từ đó tăng sức hấp dẫn đối với những người dùng trẻ tuổi đang tìm kiếm một mẫu EV sang trọng. Đây là một yếu tố đáng chú ý đối với nhóm khách hàng tiềm năng mà Volvo đang theo đuổi.

Theo Tuoitrethudo.vn