Ông Phùng Sơn Kiệt, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, thông tin, thực hiện Quyết định 590/QÐ-TTg, ngày 18/5/2022, của Chính phủ, phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu vực rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Công văn số 5668/BNN-KTHT, ngày 29/8/2022, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 590/QÐ/TTg; đặc biệt là Nghị quyết số 08/2023/NQ-HÐND, ngày 7/7/2023, của HÐND tỉnh quy định mức hỗ trợ một số nội dung thực hiện chương trình bố trí dân cư đến năm 2025, theo đó, ngày 16/8/2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ năm 2023.
Theo kế hoạch này, năm 2023, dự kiến bố trí 1.029 hộ, trong đó có 81 hộ bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở, sụt lún; 398 hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở; 400 hộ bị ngập lụt; 83 hộ bị thiếu đất, thiếu nước để sản xuất; 20 hộ thiếu nước sinh hoạt; 47 hộ tái định cư xen ghép. Trong đó, hỗ trợ kinh phí di chuyển, bố trí tái định cư cho các hộ đủ điều kiện theo Nghị quyết số 08/2023/NQ- HÐND tỉnh cho 338 hộ; các hộ bố trí tái định cư không hỗ trợ chi phí di chuyển 398 hộ; còn lại 293 hộ tạm thời không chi hỗ trợ kinh phí di chuyển.
Năm 2023, dự kiến bố trí di dời 1.029 hộ dân ở ngoài đê, vùng không an toàn vào các khu tái định cư. (Trong ảnh: Một hộ dân cất nhà ngoài đê biển, không đảm bảo an toàn, ảnh chụp tháng 4/2023, ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).
Ông Phùng Sơn Kiệt thông tin thêm, theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HÐND, hộ gia đình, cá nhân được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ðối tượng thụ hưởng gồm: gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ; hộ gia đình, cá nhân sinh sống vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, ngập lụt, nước dâng; hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước, ô nhiễm môi trường; hộ gia đình, cá nhân đã di cư tự do đến địa bàn của tỉnh không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn; hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến vùng hải đảo theo các chương trình dự án cần phải bố trí, ổn định lâu dài.
Mức hỗ trợ di chuyển 20 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân để di chuyển nội vùng dự án; 23 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân để di chuyển trong tỉnh nhưng ngoài vùng dự án; 25 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân để di chuyển ngoài tỉnh; 10 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân di cư tự do được bố trí vào vùng quy hoạch khu tái định cư.
Đa phần cuộc sống mưu sinh của một số hộ dân thuộc diện tái định cư phụ thuộc vào khai thác thuỷ sản ven biển, họ cần được chuyển nghề.
Hỗ trợ lương thực đối với hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do thiên tai, mức hỗ trợ 450 ngàn đồng/người/tháng, nhưng không quá 12 tháng. Hỗ trợ để nâng cấp nhà ở (một lần) đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai, nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển, phải bố trí ổn định tại chỗ, mức hỗ trợ 15 triệu đồng.
Hỗ trợ về nước sinh hoạt đối với hộ gia đình, cá nhân được sắp xếp tái định cư nhưng chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, được hỗ trợ tiền nước sinh hoạt mỗi người 4 m3/tháng, nhưng không quá 12 tháng, theo mức giá quy định của địa phương tại thời điểm hỗ trợ.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bố trí dân cư với 35 cụm, tuyến dân cư mới thuộc địa bàn 8 huyện, với số lượng bố trí, sắp xếp lại là 13.873 hộ, tổng diện tích quy hoạch 2.728,79 ha. Trong đó, có 11 dự án, cụm dân cư đã có chủ trương đầu tư xây dựng, với tổng diện tích 155,48 ha, dự kiến bố trí cho 2.665 hộ dân đang sinh sống ở các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai và khu vực rừng phòng hộ biển Tây, với tổng kinh phí được duyệt 572 tỷ đồng. Ðến nay, nguồn kinh phí được cấp để đầu tư xây dựng là trên 301 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương).
"Hiện tại, các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh đang dần phát huy hiệu quả, các tuyến lộ giao thông, trục chính được đầu tư xây dựng đấu nối với các khu tái định cư (tuyến đê biển Tây...) đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trao đổi, giao thương hàng hoá, phát triển kinh tế. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi làm ở các khu công nghiệp đang đóng trên địa bàn tăng thu nhập, giảm nghèo và ổn định cuộc sống", ông Kiệt phấn khởi.
Ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh, chia sẻ: "Nghị quyết số 08/2023/NQ-HÐND quy định mức hỗ trợ một số nội dung thực hiện chương trình bố trí dân cư đến năm 2025 trên địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương sắp xếp, bố trí, di dời dân cư ở các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ vào các khu tái định cư, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong mùa mưa bão".
Theo ông Ðảm, thời gian qua, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác bố trí dân cư. Số người dân đến nơi ở mới thuận lợi hơn, được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt... Qua đó, góp phần ổn định đời sống, từng bước xoá đói giảm nghèo, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, vận động được các cấp chính quyền, đoàn thể phối hợp triển khai chặt chẽ, kịp thời. Các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước được công khai đến các hộ dân, giúp người dân nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước./.
Theo Báo Cà Mau