Loại hình vận tải hàng hóa bằng container ở đường thủy nội địa.Ảnh minh họa
Vận tải container bằng đường thủy là phương thức trực tiếp giảm tải cho đường bộ. Tuy nhiên, đến nay đội tàu chở container vẫn phát triển manh mún. Tiềm năng phương thức vận tải này chỉ được phát huy khi có sự điều tiết, tái cơ cấu để tạo sự hài hòa trong phát triển giữa các phương thức khác.
Mới đảm nhận hơn 8% sản lượng vận tải thủy
Sông Ka Long - Móng Cái (Quảng Ninh) là một trong những khu vực thường xuyên có phương tiện thủy chở container hoạt động, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Đây cũng được coi là điểm trội hơn của tuyến sông này, bởi so với khu vực phía Bắc, rất ít tuyến hiện có cảng thủy xếp dỡ container và tàu chở container hoạt động.
Như tại khu vực Hải Phòng, theo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I, hiện không có cảng thủy nội địa nào bốc xếp container và các phương tiện thủy chở container đều cập cảng biển để trung chuyển hàng hóa. Anh Trần Văn Sâm, thuyền viên tàu NĐ-0735 cho biết, trung bình mỗi tuần có một chuyến tàu chở hàng từ Nam Định, Ninh Bình ra Móng Cái, có khi hai chiều đều chở container, có khi kết hợp một chiều chở hàng rời.
Theo Ông Đỗ Trung HọcTrưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN "Mỗi phương tiện thủy chở container gánh được số lượng hàng bằng vài chục xe ô tô, nhưng để doanh nghiệp, xã hội lựa chọn loại hình vận tải này cần có sự khảo sát, đánh giá và cơ chế điều tiết hàng hóa giữa các lĩnh vực vận tải".
Một số thuyền viên kể, việc chở container bằng phương tiện thủy trên tuyến này chỉ xuất hiện từ những năm 2008-2009 sau khi tuyến QL18 từ Cẩm Phả đi Móng Cái bắt đầu được nâng cấp, cải tạo, đường sá đi lại khó khăn. Từ đó, một số chủ tàu cải tạo tàu chở hàng khô thêm công dụng chở container để đưa hàng từ một số địa phương như Ninh Bình, Nam Định ra Móng Cái.
Ngoài tuyến vận tải container "hiếm hoi" trên, cách đây hơn một năm ở phía Bắc xuất hiện cảng thủy tổng hợp tại Việt Trì (Phú Thọ, cảng Hải Linh) được xây dựng để vận chuyển container tuyến Việt Trì - Hải Phòng. Cảng này có quy mô đầu tư lớn nhất phía Bắc, nhưng theo đơn vị cảng vụ tại khu vực Việt Trì, đến nay tàu container được vận chuyển tại cảng này rất hạn chế, có khi hàng tháng mới có một tàu cập cảng.
Ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Cảng, trực thuộc Cảng Hải Linh cho biết, hàng hóa chuyên chở bằng container qua cảng chưa nhiều do các đơn vị có nhu cầu vận chuyển chưa mặn mà vì thời gian chờ trung chuyển, xếp hàng bốc dỡ ở đầu cảng biển phía Hải Phòng lâu hơn so với chở bằng ô tô. Hiện, chỉ một số đơn vị có kế hoạch chờ hàng 3-5 ngày mới sử dụng vận chuyển container bằng đường thủy qua cảng, còn lại vẫn lựa chọn đường bộ để đảm bảo thời gian.
Liên quan đến vận tải thủy bằng container, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện đang thống kê, song sơ bộ cho thấy, tại phía Bắc rất ít cảng có năng lực bốc dỡ container, còn phía Nam cũng chỉ có gần chục cảng. Có những cảng thủy được quy hoạch xây dựng thành cảng container chuyên dụng, như cảng Phù Đổng (Hà Nội), gần chục năm nay vẫn chưa được khởi công.
Còn theo Cục Đăng kiểm VN, toàn quốc hiện có 1.019 tàu thủy nội địa chở container (gồm 300 chiếc chuyên chở container, 719 chiếc chở container và hàng khô), với loại công suất lớn nhất 158 TEU (mỗi TEU là một container) và nhỏ nhất là 12 TEU. Hơn 1.000 chiếc chở container nói trên, loại công suất nhỏ nhất chở được 12 chiếc container và lớn nhất là 158 container, có tổng công suất 1,218 triệu tấn hàng và chiếm 8,34% so với tổng công suất của đội phương tiện thủy chở hàng hiện có (14,611 triệu tấn).
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm VN) cho biết: "Các tàu chở container chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng và tuyến vận tải ven biển dành cho tàu pha sông biển cấp VR-SB".
Mong cơ chế đưa hàng xuống đường thủy
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho rằng, đường thủy có tiềm năng về vận chuyển hàng hóa bằng container và có thể dẫn chứng như tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình, sau hơn 2 năm Bộ GTVT công bố mở tuyến đã có 29 tàu chuyên chở container hoạt động.
"Ngành Đăng kiểm đã có đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện thủy chở container, cũng như cải cách hành chính tối đa và chủ trương đáp ứng nhanh nhất theo yêu cầu của chủ phương tiện, doanh nghiệp để đưa phương tiện vào hoạt động. Tuy nhiên, để đội tàu container phát triển, cần tạo được sự đồng bộ về quy hoạch hạ tầng cảng, bến, vận tải và quan trọng là có chính sách ưu đãi vận tải hàng hóa bằng đường thủy để điều tiết hàng hóa xuống đường thủy", ông Hình nói.
Từ góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Đỗ Cường Quốc cho rằng: "Vận tải bằng container thu hút được khách hàng bằng giá vận chuyển, nhưng ít doanh nghiệp chủ hàng có đủ tiềm lực tài chính để lên kế hoạch tập trung, chờ đợi hàng hóa trong thời gian nhất định. Vì vậy, nếu Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cho hàng hóa đi bằng đường thủy sẽ góp phần đưa hàng hóa xuống đường thủy. Ngoài ra, cũng cần có mạng lưới cảng, bến bốc dỡ container dọc tuyến để kết nối với các khu công nghiệp, khu sản xuất ven các tuyến đường thủy".
Ông Quốc cũng cho rằng, đầu tư cảng thủy trung chuyển container cần nguồn vốn lớn nên cần sự hỗ trợ để kết nối làm đường vào cảng, tạo thuận lợi kết nối giao thông với đường bộ.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Vận tải - ATGT (Cục ĐTNĐ Việt Nam), mới đây Cục đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải thủy đề nghị cung cấp thông tin, trao đổi những khó khăn, vướng mắc để đề xuất các cơ chế giải quyết nhằm hỗ trợ phát triển vận tải thủy bằng container.
Theo baogiaothong.vn Hà Giang st