Khi nhắc tới túi khí, câu hỏi được quan tâm nhiều nhất đó là túi khí có thực sự an toàn? Các chuyên gia thì cho rằng vấn đề không chỉ đơn thuần như thế. Túi khí sẽ an toàn nếu bạn cài đai an toàn đúng cách và các con bạn ngồi ở ghế sau và được thắt đai an toàn cẩn thận. Nhưng trên thực tế nhiều người không làm theo chỉ dẫn này, và gặp nhiều vấn đề ngoài ý muốn.
Trong số 62 ca tử nạn tại Mỹ do túi khí, hầu hết các nạn nhân đều không cài đai an toàn. Nên nhớ túi khí không phải là vật cứu hộ thần kỳ, song cũng không phải kẻ thù của bất cứ ai. Đây là thông điệp mà các chuyên gia Mỹ đưa ra trong cuộc thảo luận tuần trước về an toàn túi khí tại Bệnh viện nhi Philadelphia.
Hãy nhớ luôn luôn cài đai an toàn chắc chắn khi ngồi trong xe.
An toàn túi khí là một phần quan trọng trong bài nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi Flaura Winston, bác sỹ nhi khoa và kỹ sư y sinh học chuyên về các vấn đề an toàn trẻ em tại Bệnh viện nhi Philadelphia. Bác sỹ Winston đang chỉ đạo một nhóm các nhà nghiên cứu thực hiện nghiên cứu toàn diện đầu tiên về trẻ em trong các tai nạn xe hơi. Trên thực tế, có gần 50% các tai nạn xe hơi liên quan đến trẻ em. Được biết dự án nghiên cứu 5 năm được tài trợ bởi khoản trợ cấp 8,7 triệu USD của hãng bảo hiểm State Farm Insurance, Houston, Texas (Mỹ).
Theo tiến sỹ James Hedlund thuộc Ủy ban an toàn quốc gia trên đường cao tốc của Mỹ: “Chúng ta sẽ an toàn hơn nếu sử dụng túi khí, thay vì không có gì”. Ủy ban an toàn quốc gia trên đường cao tốc (NHTSA) là cơ quan quy định các vấn đề an toàn đối với các nhà sản xuất xe hơi. “Chúng ta cần trân trọng vai trò của túi khí”, Frances D. Bentz, giám đốc Hiệp hội khoa học động lực học Annapolis (Mỹ) nhận xét. Tổ chức này đã tiến hành 1.500 cuộc điều tra về tai nạn giao thông liên quan tới túi khí. Ngoại trừ các ca tử vong đáng tiếc xảy ra với trẻ em, có thể nói túi khí thực ra cứu được nhiều nạn nhân hơn là tước đi cuộc sống của họ.
Ủy ban NHTSA ước lượng trong giai đoạn từ năm 1986 đến tháng 2/2015, túi khí ôtô đã được bung ra khoảng 1,2 triệu lần, cứu sống 1.828 lái xe và hành khách. Bác sỹ Winston thuộc Viện nhi Philadelphia nhận định: “Tất cả chúng ta đều đang đi tìm câu trả lời cấp bách. Nhưng bản chất vấn đề này lại quá phức tạp. Ngay cả với các bác sỹ nhi khoa, không phải ai cũng nắm được số liệu cập nhật mới nhất về an toàn ôtô và do đó họ đưa ra lời khuyên không đúng cho các bậc phụ huynh”. Chẳng hạn như, nhiều bác sỹ không biết một nguyên tắc: không bao giờ đặt ghế trẻ em thiết kế theo kiểu rear-facing (lắp ghế trẻ em quay ngược về sau) ở phía trước ghế hành khách nếu ở đó đã có túi khí an toàn side airbag (loại túi để ở cả hai bên hông xe).
Ở ghế trẻ em kiểu rear-facing, đầu của em bé gần như chạm vào túi khí, và đó là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 9 trẻ sơ sinh tại Mỹ liên quan đến túi khí, theo báo cáo của Ủy ban NHTSA. Nhiều cha mẹ cho rằng sẽ an toàn hơn nếu họ có thể để mắt đến con yêu trong khi đang lái xe, hơn là đặt con vào ghế sau. Nhưng thực tế đã chứng minh lũ trẻ an toàn hơn khi ngồi ở ghế sau.
Trẻ em phải được đặt ở ghế sau, thắt đai an toàn chắc chắn và đặt ngồi trong ghế tựa của trẻ nhỏ.
Rủi ro xảy ra khi túi khí phồng và bạn ngồi quá gần vô lăng.
Theo O’Neil, các nghiên cứu đã xác minh rằng túi khí được bung ít lực hơn sẽ ít gây nguy hiểm hơn cho cả người đang cài và không cài đai an toàn. Đó là lý do các hãng sản xuất ôtô giờ đây được cho phép và khuyến khích giảm lực bung túi khí khoảng 25-30%. Ủy ban NHTSA và ngành công nghiệp ôtô đang triển khai các bước tiếp theo để giảm rủi ro chấn thương do túi khí. Theo đó, tất cả xe mới đều phải dán nhãn cảnh báo nguy hiểm bị thương từ túi khí. Và các nhà sản xuất xe hơi có thể đặt các công tắc ngắt trong xe mà không phải sử dụng ghế sau. Chưa hết, các hãng xe đang thiết kế những “túi khí thông minh” bung ra theo mức độ tùy thuộc chiều cao và cân nặng của người ngồi trên xe.
Theo Trí thức trẻ/Autopro