Bộ GTVT đánh giá, theo tiến độ triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, một số Dự án thành phần đường cao tốc (như: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, ...) đã được Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư, làm cơ sở Chủ đầu tư quyết định tổ chức nghiệm thu có điều kiện đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào khai thác tạm (sau đây gọi là Dự án) theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Để bảo đảm các Dự án trong thời gian vận hành, khai thác tạm được an toàn, thông suốt, sau khi xem xét ý kiến của các cơ quan chuyên môn, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu Chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, vận hành Dự án trong thời gian khai thác tạm cho đến khi bàn giao được công trình cho chủ quản lý hoặc Cơ quan quản lý đường bộ sử dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 124 Luật Xây dựng, điểm b khoản 8 Điều 5 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về quản lý vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ; trong đó xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cụ thể cho từng dự án với các nguyên tắc và quy định liên quan sau:

Việc trực chốt, đảm bảo giao thông: căn cứ tình hình giao thông trên tuyến, kết nối từ các tuyến đường khác với Dự án, các đặc điểm khác của khu vực có Dự án đi qua, Chủ đầu tư kiến nghị và bố trí người trực chốt theo Phương án tổ chức giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt; biện pháp đảm bảo giao thông triển khai theo các nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 16 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT, điểm g, khoản 1, Điều 17, Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 41/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021). Xử lý sự cố giao thông: triển khai theo các nguyên tắc quy định tại khoản 5, khoan 6 Điều 16 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018; trường hợp hư hỏng công trình đường bộ do tai nạn giao thông gây ra, tổ chức việc khắc phục bằng kinh phí bồi thường của chủ phương tiện gây ra tai nạn theo quy định. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 115 Luật Xây dựng; trong đó phạm vi công trường phải được cảnh báo trước trong suốt thời gian thi công trên đường cao tốc; Chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông biết bằng hệ thống báo hiệu đường bộ và các hình thức thông tin khác theo quy định; các phương tiện, thiết bị thi công trên đường cao tốc phải có biển hiệu theo quy định, trên nóc gắn đèn chớp vàng, dán vật liệu phản quang trước, sau và hai bên thành, chỉ được phép di chuyển, làm việc trong giới hạn phạm vi công trường;

Việc triển khai công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình theo các nguyên tắc quy định tại Tiêu chuẩn TCCS14:2016/TCĐBVN về tổ chức giao thông và bố trí phòng hộ khi thi công trên đường bộ đang khai thác; Tiêu chuẩn TCCS16:2016/TCĐBVN về quản lý và khai thác đường cao tốc - Tuần đường và xử lý sự cố trên đường cao tốc. Công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: triển khai theo các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 và Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 12/12/2021 của Chính phủ). Công tác bảo dưỡng thường xuyên thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên công trình đường cao tốc - TCCS 17:2016/TCĐBVN. Bố trí tuần đường để triển khai các nhiệm vụ đáp ứng các nguyên tắc quy định tại: Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT ngày 23/1/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT, TCCS 16:2016/TCĐBVN - Tiêu chuẩn quản lý và khai thác đường cao tốc - Tuần đường và Xử lý sự cố trên đường cao tốc; chi phí thực hiện do hai bên tự thỏa thuận. Thực hiện sửa chữa các hư hỏng công trình, bao gồm cả hư hỏng nhỏ ảnh hưởng đến quá trình khai thác; yêu cầu kỹ thuật chất lượng được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Thông tư số 48/2019/TT-BGTVT ngày 17/12/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo chất lượng thực hiện và việc áp dụng hình thức bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bố trí tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện quản lý, vận hành, bảo trì Dự án trong thời gian khai thác tạm; tổ chức nghiệm thu, thanh toán theo quy định. Chi phí thực hiện việc tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì các Dự án trong thời gian khai thác tạm cho đến khi bàn giao đưa vào sử dụng được thực hiện trên cơ sở các quy định tại khoản 4 Điều 124 Luật Xây dựng và điểm b khoản 8 Điều 5 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng theo phạm vi, trách nhiệm được giao chủ trì tham mưu cho Bộ GTVT: Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc trong giai đoạn thực hiện dự án theo trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ GTVT (bao gồm Dự án trong thời gian quản lý, vận hành, khai thác tạm). Chỉ đạo Chủ đầu tư bố trí tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện quản lý, vận hành, bảo trì Dự án trong thời gian khai thác tạm. Chủ trì hướng dẫn và chỉ đạo Chủ đầu tư phê duyệt kinh phí thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, tham mưu xin ý kiến Cơ quan quản lý hoạt động xây dựng để làm rõ (nếu cần); thực hiện các nhiệm vụ khác theo trách nhiệm được giao và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường Cao tốc Việt Nam theo trách nhiệm và phạm vi quản lý: Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, hỗ trợ Chủ dầu tư thực hiện công tác quản lý, vận hành và bảo trì đường cao tốc đưa vào khai thác tạm, đảm bảo an toàn và ổn định trong vận hành, khai thác. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo trách nhiệm được giao và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ, Văn phòng Quản lý đường bộ: Phối hợp, hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện công tác quản lý, khai thác, bảo trì Dự án đưa vào khai thác tạm theo quy định (khi được yêu cầu) với các nội dung: cách lập dự toán chi phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì; rà soát năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác quản lý, vận hành, bảo trì công trình; việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác quản lý, vận hành, bảo trì Dự án; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng và phối hợp thực hiện nếu cần thiết. Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất (nếu phát hiện bất cập, tồn tại ảnh hưởng đến an toàn giao thông) kiểm tra phát hiện các tồn tại, bất cập, yêu cầu Chủ đầu tư, thực hiện hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Hỗ trợ hoặc phối hợp thực hiện công tác tuần kiểm đối với Dự án trong thời gian khai thác tạm khi có kiến nghị của Chủ đầu tư hoặc cấp có thẩm quyền. Thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan quản lý đường bộ theo phân công đối với những hạng mục công trình đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, đưa vào sử dụng; phối hợp với Chủ đầu tư triển khai thực hiện, hoàn thành các hạng mục công trình khác theo tiến độ chung của Dự án trong thời gian khai thác tạm.

Sở Giao thông vận tải các địa phương nơi có Dự án đưa vào khai thác tạm đi qua hoặc có tuyến đường bộ kết nối với Dự án: Phối hợp Chủ đầu tư thực hiện công tác quản lý, vận hành Dự án trong thời gian khai thác tạm. Xử lý các vướng mắc bất cập trên các tuyến đường bộ địa phương có kết nối vào đường cao tốc theo thẩm quyền. Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, triển khai thực hiện phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm được giao và tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật về xây dựng./.

Mộng Tuyết