Bạc Liêu: Phối hợp tuyên truyền bảo đảm trật tự ATGT cho tăng ni, phật tử

Công an tỉnh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu ký kết kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng, ni, phật tử.

Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp vừa với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ ký kết Kế hoạch phối hợp “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng, ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2026”.

Đại tá Bùi Xuân Khởi, Phó giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu và Thượng tọa Thích Giác Nghi, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp.

Phát biểu tại buổi lễ, đại tá Bùi Xuân Khởi, Phó giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc ký kết phối hợp giữa Công an tỉnh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT.

Đồng thời, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn trong cộng đồng Phật giáo, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng, ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới.

“Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an tỉnh với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu góp phần lan tỏa nếp sống văn minh, văn hóa tham gia giao thông an toàn trong cộng đồng Phật giáo. Hạn chế và làm giảm đến mức thấp nhất tai nạn giao thông”, đại tá Khởi nhấn mạnh.

Quảng Ninh: Bến vắng bóng xe, chủ đầu tư gồng mình chịu lỗ

Công ty CP bến xe Quảng Ninh quản lý, khai thác 11 bến xe trên địa bàn nhưng hiện chỉ 9 bến có phương tiện hoạt động, mỗi bến này chỉ có 2-3 xe.

Bến vắng xe, chủ đầu tư than lỗ

Suốt sáng 3/8, tại bến xe khách trung tâm TP Cẩm Phả, chưa có đủ chục xe xuất bến. Theo quan sát của PV Báo Giao thông, khu vực nhà chờ, căng tin, phòng bán vé... của bến xe khang trang, sạch sẽ, nhưng không một bóng người.

Hệ thống bãi đỗ của bến xe khách trung tâm TP Cẩm Phả rộng rãi, có thể đáp ứng được hàng trăm phương tiện cùng lúc, nhưng trong sân chỉ vài chiếc xe khách đang chờ xuất bến.

Ở cuối bến là hai chiếc ô tô cũ nát, xẹp bánh và vài chiếc xe tự chế bị xích vào nhau. Còn cổng phụ là nơi để của hàng nghìn xe máy bụi phủ mờ.

Dù hạ tầng đồng bộ, nhưng bến xe khách trung tâm Cẩm Phả vắng bóng xe ra, vào.

Ông Nguyễn Công Mà, Phó giám đốc Công ty CP bến xe trung tâm Cẩm Phả cho biết, bến rộng gần 1.5ha, được đầu tư hàng chục tỷ đồng và đi vào hoạt động từ hơn chục năm trước.

"Ở thời điểm trước dịch Covid-19, bến vẫn đông phương tiện vào ra. Nhưng sau dịch, mỗi ngày chỉ có vài chiếc vào bến. Doanh thu của bến chưa đạt 200 triệu đồng/tháng, không đủ trả lương cho hơn chục lao động, tiền điện, nước, thuế, lãi ngân hàng...", ông Mà chia sẻ.

Hiện bến xe trung tâm Cẩm Phả đang được trưng dụng làm kho tạm giữ ô tô, xe máy vi phạm giao thông.

Do bến xe rộng, lại vắng xe, nên cơ quan chức năng đã trưng dụng để làm kho tạm giữ phương tiện giao thông. Vì vậy, hiện bến có khoảng gần 1.000 chiếc xe máy và hai chiếc ô tô cũ.

"Nếu chủ xe làm thủ tục nhận xe thì bến được thu 7.000 đồng/xe máy/ngày tiền lưu kho. Nhưng có ai đến nhận đâu, nên bến cứ phải trông. Bến xe kiến nghị di chuyển những chiếc xe tạm giữ này đi nơi khác", ông Mà cho hay.

Tại bến xe Cẩm Hải nằm ở xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả thuộc Công ty CP Hồng Vân, dù được xây dựng trên diện tích gần 2ha với hệ thống nhà chờ, phòng bán vé… rất khang trang, nhưng cũng rơi vào cảnh đìu hiu, không có xe ra vào.

Chỉ vào quầy hàng trong căng tin bến xe Cẩm Hải với nhiều sản phẩm của địa phương, nữ nhân viên bán hàng than thở: "Cả ngày chúng tôi chẳng bán được gì. Xe không vào thì làm gì có khách".

Bến xe khách Cẩm Hải, TP Cẩm Phả lâm cảnh đìu hiu.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các bến xe Cửa Ông, Mông Dương, Cái Rồng… của Công ty CP bến xe Quảng Ninh.

Ông Lê Tất Thắng, Trưởng bến xe khách Cái Rồng cho biết: Bến hoạt động gần 10 năm nay với diện tích 1,5ha, có đầy đủ hạ tầng thiết yếu. Nhưng sau dịch Covid-19, nhiều hãng xe giải thể, bỏ tuyến, như tuyến xe Liên Vị - Cái Rồng đã bỏ tuyến hoàn toàn. Hiện bến đã mất 50 lượt xe xuất bến so với trước dịch, doanh thu giảm 70 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP bến xe Quảng Ninh cho biết, công ty đang quản lý, khai thác 11 bến xe trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhưng trên thực tế chỉ có 9 bến là có phương tiện hoạt động. Trong đó, có tới 5 bến chỉ có 2-3 đầu xe duy trì.

Nỗi lo xe dù, bến cóc

Theo ông Thắng, đáng lo là nhiều xe đã bỏ bến, bỏ tuyến, nhưng thực tế thì lại xuất hiện một số xe khách chạy trên những tuyến này và các xe đó đều không đăng ký vào bến.

Hiện Quảng Ninh có gần 20 bến xe khách, hầu hết đều rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu, dù lượng xe vận tải hành khách lưu thông trên các tuyến đường vẫn nườm nượp.

"Tình trạng vắng xe, vắng khách như hiện nay cũng có nguyên nhân là lượng ô tô cá nhân của người dân Quảng Ninh nhiều hơn trước. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là các xe bỏ bến chạy dù, đưa đón khách tận nhà; bắt khách dọc đường... khiến xe vào bến không thể cạnh tranh", ông Thắng lý giải.

Nhà chờ bến xe khách Cửa Ông thường xuyên không có khách.

Chung quan điểm, ông Hùng cho rằng, cái khó đối với các bến xe khách hiện nay là tình trạng xe bỏ bến, xe hợp đồng trá hình, thậm chí xe giường nằm cũng trá hình là xe hợp đồng.

Đáng nói là, có nhiều xe tuy đã bỏ bến, nhưng vẫn chạy tuyến cố định như trước và phù hiệu thì được cấp từ một tỉnh ngoài tuyến hoạt động.

"Muốn ổn định được các bến xe khách trên địa bàn thì cơ quan chức năng phải quyết liệt vào cuộc xử lý những xe hợp đồng trá hình, xe dù, bến cóc", ông Hùng đề xuất.

Một diện tích không nhỏ bến xe Cái Rồng vẫn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Ông Nguyễn Công Mà cũng cho rằng, để "cứu" các bến xe trên địa bàn, cơ quan chức năng phải quyết liệt xử lý xe dù, bến cóc, xe dừng đỗ bắt khách dọc đường.

"Quảng Ninh và cả nước đang triển khai kế hoạch nhằm tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, chúng tôi hy vọng, việc kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng sẽ dẹp bớt nạn xe dù, bến cóc, xe trá hình chở khách", ông Mà cho hay.

Hải Dương tăng cường biển báo, gờ giảm tốc trên quốc lộ 38B

Ban ATGT tỉnh Hải Dương vừa đề nghị về việc lắp bổ sung biển cảnh báo, gờ giảm tốc, vạch mắt võng trên quốc lộ 38B để đảm bảo ATGT.

Theo đó, sau khi kiểm tra hiện trường trên quốc lộ 38B đoạn từ Km 9+400 - Km 11+100, Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hải Dương cùng các phòng, ban khác nhận thấy có nhiều bất cập.

Cụ thể, khu vực này có nhiều người dân sinh sống, buôn bán sát mép đường, thường xuyên có tình trạng ô tô đỗ xe chiếm dụng lòng đường; đặt biển quảng cáo chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường.

Tại Km 10+900 là ngã tư giao với đường nhánh vào thôn bị che khuất tầm nhìn bởi cây cối, hàng rào của người dân...

Quốc lộ 38B sẽ được lắp đặt thêm nhiều biển báo, gờ giảm tốc để đảm bảo ATGT.

Trước vấn đề trên, Văn phòng Ban ATGT đề nghị Sở GTVT chỉ đạo rà soát, bổ sung biển khu đông dân cư đoạn Km 9+400 (cầu Đức Xương) - Km11; biển cấm đỗ xe đoạn Km10 - Km 9+400 (bên trái tuyến).

Tại khu vực ngã tư Km 10+900 bổ sung gờ giảm tốc và vạch mắt võng tại đầu các đường nhánh.

UBND huyện Gia Lộc tiếp tục chỉ đạo UBND xã Quang Minh thường xuyên tổ chức giải tỏa vi phạm hành lang, hàng quán bày bán, biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè lòng đường toàn bộ khu vực ngã tư Bóng, từ đoạn Km 9+400 - Km 10+400; phối hợp với đơn vị quản lý đường để tổ chức cắm bổ sung biển cảnh báo trên quốc lộ 38.

Được biết, trong 7 tháng năm 2023, trên quốc lộ 38 đoạn Km 9+400 – Km 11+100 qua xã Quang Minh (huyện Gia Lộc) xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông làm ba người tử vong, ba người khác bị thương.

Hà Nội ra mắt ba cuốn sách phục vụ phát triển hạ tầng giao thông đô thị

Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thiết kế thành phố toàn cầu ra mắt bản dịch tiếng Việt ba cuốn sách về giao thông.

Sở GTVT Hà Nội - cơ quan thường trực của Ban ATGT phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thiết kế thành phố toàn cầu (GDCI) ra mắt bản dịch tiếng việt của ba cuốn sách gồm: Hướng dẫn thiết kế đường phố toàn cầu; Hướng dẫn thiết kế đường phố cho trẻ em; Cách thức đánh giá chuyển đổi đường phố.

Các tài liệu này cung cấp những cách thức khả thi, là tài liệu tham khảo giúp các nhà quy hoạch đô thị, các kĩ sư thiết kế đường phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tạo ra những tuyến phố an toàn hơn cho người dân và trẻ em trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng và khai thác hệ thống hạ tầng giao thông.

Đai diện các đơn vị thực hiện nghi thức ra mắt các cuốn sách về giao thông từ tầm nhìn của quốc tế.

Ông Đào Duy Phong, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ban ATGT cho biết, TNGT gây ra tử vong cho hơn 1,3 triệu người và làm bị thương khoảng 50 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. TNGT vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-27 tuổi.

Tại Việt Nam, những năm qua, TNGT đã luôn được quan tâm, kéo giảm trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.

Tuy nhiên, số người chết do TNGT vẫn còn ở mức cao. Trong đó, người đi bộ, đặc biệt là trẻ em là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông.

“Việc thiết kế đường phố và không gian công cộng cho người đi bộ, người già, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương khác là cần thiết để giảm thương vong do TNGT.

Các nguyên tắc từ hướng dẫn thiết kế đường phố toàn cầu, hướng dẫn thiết kế đường phố cho trẻ em cũng như các ví dụ thực tiễn điển hình tốt nhất trên thế giới được cung cấp trong các tài liệu là thông tin tham khảo quý giá, góp phần thực hiện mục tiêu giảm TNGT, nhất là giảm thương vong do TNGT đối với nhóm đối tượng yếu thế như: Trẻ em, học sinh, người đi bộ, đi xe đạp…”, ông Phong nhấn mạnh.

Được biết, GDCI đang cùng với Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu phương án thiết kế lại một số tuyến đường phố quanh các trường học ở Hà Nội và tổ chức thí điểm trong thời gian tới.

Việc đánh giá các tác động được thực hiện bằng cách sử dụng các nguyên tắc và phương pháp luận trong hướng dẫn thiết kế đường phố toàn cầu, hướng dẫn thiết kế đường phố cho trẻ em và cách thức đánh giá chuyển đổi đường phố. Ba cuốn tài liệu đã được hỗ trợ dịch sang tiếng việt.

Hướng dẫn thiết kế đường phố toàn cầu được biên soạn với sự đóng góp của nhiều chuyên gia đến từ 72 thành phố ở 42 quốc gia, cung cấp nhiều ví dụ điển hình quốc tế, các chi tiết kĩ thuật, nhằm phục vụ cho công tác thiết kế đường phố ưu tiên người đi bộ, người đi xe đạp và người sử dụng phương tiện công cộng.

Hướng dẫn đã được hơn 100 thành phố và tổ chức trên thế giới tiếp nhận. Tài liệu này cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Ý, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hướng dẫn thiết kế đường phố cho trẻ em cung cấp cho các học viên công cụ để tạo ra các khu phố và đường phố là nơi an toàn cho trẻ em.

Tài liệu cách thức đánh giá chuyển đổi đường phố hướng dẫn các thành phố cách thức đo lường, đánh giá và truyền thông kết quả tác động của các dự án thí điểm và mang tính chất tạm thời để cải thiện ATGT cho người dân.

Các ứng dụng thực tiễn tốt nhất lý giải chi tiết cách thu thập và đánh giá dữ liệu, có thể giúp thu hút sự hỗ trợ của cộng đồng và hướng tới các giải pháp thiết kế đường phố an toàn một cách bền vững.

Khánh Hoà: TNGT giảm cả 3 tiêu chí, nhưng tăng số vụ nghiêm trọng

Tai nạn giao thông ở Khánh Hòa giảm 3 tiêu chí, nhưng với việc gia tăng các vụ tai nạn nghiêm trọng gây nỗi lo công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Sáng 7/8, theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Khánh Hoà, trong 7 tháng đầu năm nay, số vụ TNGT, số người chết và bị thương đã được kiềm chế, giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, thời gian gần đây diễn biến TNGT phức tạp.

Đáng kể, trên địa bàn vừa xảy ra 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 4 người, bị thương 1 người; 5 vụ TNGT rất nghiêm trọng, làm chết 8 người, bị thương 5 người.

Trong 5 vụ TNGT rất nghiêm trọng thì cao tốc Nha Trang - Cam Lâm xảy ra 2 vụ, QL1 xảy ra 2 vụ, QL27C xảy ra 1 vụ.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia thăm nạn nhân trong vụ tai nạn trên đèo Khánh Lê vào ngày 18/7.

Điển hình là vào ngày 18/7, vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đèo Khánh Lê (tuyến QL27C, qua địa bàn huyện Khánh Vĩnh), làm 4 du khách Trung Quốc tử vong và nhiều người bị thương.

Cũng theo Ban ATGT tỉnh Khánh Hoà, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/7/2023, toàn tỉnh xảy ra 57 vụ TNGT đường bộ và đường sắt làm chết 59 người, bị thương 23 người. So sánh với cùng kỳ năm 2022, giảm 2 vụ, giảm 6 người chết, giảm 1 người bị thương.

Theo Công an tỉnh Khánh Hoà, nguyên nhân hầu hết các vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là do nguyên nhân chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông thiếu quan sát, không giữ khoảng cách an toàn, không giảm tốc độ đến mức tối đa trong trường hơp cần thiết, đi ngược chiều đường hoặc đi không đúng phần đường, làn đường...

Đánh giá về các vụ TNGT nghiêm trọng từ đầu năm đến nay, Ban ATGT tỉnh Khánh Hoà cho rằng, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn còn thấp. Cơ sở hạ tầng giao thông tuy được đầu tư xây dựng, sửa chữa nhưng chưa theo kịp với sự phát triển của phương tiện giao thông và số lượng người tham gia giao thông ngày càng gia tăng.

Thống kê trrong 7 tháng đầu năm 2023, đã có trên 3,6 nghìn ô tô và gần 26 nghìn mô tô đăng ký mới, nâng tổng số phương tiện đang quản lý trên địa bàn toàn tỉnh lên hơn 101 nghìn ô tô, gần 1,3 triệu mô tô, chưa kể đến các loại xe đến từ địa phương khác, xe thô sơ, xe đạp điện, xe xích lô...

Lãnh đạo Uỷ ban ATGT Quốc gia và lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà kiểm tra hiện trường vụ lật xe khách trên đèo Khánh Lê ngày 18/7.

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó thường trực Ban ATGT tỉnh Khánh Hoà cho rằng, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT của các sở, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã được tăng cường.

Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền vẫn còn chưa được phong phú, sinh động, chưa cuốn hút người tham gia. Sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, Ban ATGT các địa phương, sự thực thi của các lực lượng chức năng và sự quan tâm của các cấp, các ngành có lúc còn chưa quyết liệt trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

“Việc điều tra nguyên nhân các vụ TNGT có lúc còn chậm, 36/53 vụ (chiếm tỷ lệ 67% các vụ TNGT) chưa có kết luận của cơ quan điều tra, dẫn đến khó đánh giá được đúng thực trạng tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh để kịp thời đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm kiềm chế các vụ TNGT”, ông Dần nói.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh Khánh Hoà cho biết, TNGT đã khiến cho địa phương mất mát rất nhiều cả về con người lẫn tài sản.

Vì vậy, đề nghị các lực lượng chức năng, đoàn thể địa phương tăng cường mọi hình thức tuyên truyền đến với người tham gia giao thông. Tiến tới tăng cường hạ tầng giao thông, kỹ thuật để giám sát, xử phạt đối với những trường hợp vi phạm.

“Đối với các tuyến đường đèo trên địa bàn, đề nghị Văn phòng Quản lý đường bộ III.3 và Sở Giao thông vận tải rà soát các “điểm đen” giao thông, hệ thống đường cứu nạn, hệ thống cảnh báo.

Sắp tới, cần sớm đề xuất lắp đặt hệ thống camera giám sát hành trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, tăng cường quản lý hành lang giao thông các tuyến đường.

Cùng với đó, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát một cách sát sao và linh hoạt. Mùa mưa bão sắp đến, các ngành liên qua cần khẩn trương xử lý các “điểm đen”, điểm sạt lở tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà nói.

Tổng hợp từ atgt.vn