Toàn cảnh Nhà máy xe lửa Dĩ An do Công ty cổ phần xe lửa Dĩ An quản lý tọa lạc tại số 8 Lý Thường Kiệt, khu phố 1, phường Dĩ An, TP Dĩ An, Bình Dương
Dời Nhà máy xe lửa Dĩ An là nội dung mà liên danh tư vấn Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) đề xuất trong báo cáo đầu kỳ gửi Cục Đường sắt Việt Nam.
Do ga Dĩ An được tích hợp vào tổ hợp ga An Bình nên không có nhánh kết nối vào Nhà máy xe lửa Dĩ An. Ngoài ra, trong tổ hợp ga An Bình có bố trí các cơ sở chức năng nên việc Nhà máy xe lửa Dĩ An về đây được đánh giá hợp lý hơn.
Dù mới là báo cáo đầu kỳ, cần phải lấy ý kiến bộ ngành, địa phương nhưng đề xuất này được dư luận, chuyên gia rất quan tâm.
Dời nhà máy xe lửa: Đừng để dở khóc dở cười với cái dở dang
Theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, Nhà máy xe lửa Dĩ An cùng với xe lửa Gia Lâm, xe lửa Trường Thi là 3 cơ sở công nghiệp đường sắt mà người Pháp nghiên cứu vị trí khi xây đường sắt từ cả trăm năm trước. Xe lửa Trường Thi đã "biến mất", chỉ còn xe lửa Gia Lâm và xe lửa Dĩ An. Khu đất ở xe lửa Gia Lâm cũng đang đứng trước nguy cơ "xóa sổ" và bây giờ đến lượt xe lửa Dĩ An.
Ông Ân nói đầu tư mới một cơ sở công nghiệp đường sắt rất tốn kém. Điều chỉnh tuyến là việc dễ và ít kinh phí, hơn là di dời một nhà máy... Đặc biệt, nhà máy công nghiệp đường sắt có đặc thù riêng về mặt bằng, trang thiết bị, kết nối tuyến đường, đội ngũ công nhân và gia đình của họ đã nhiều đời làm nghề...
Việc đề xuất di dời cơ sở công nghiệp đường sắt phải hết sức thận trọng, tính toán cân nhắc cho kỹ tính khả thi. Đề xuất nóng vội, thiếu tính toán chi tiết nhiều mặt sẽ đem tới hậu quả vô cùng tai hại là dở khóc dở cười với cái dở dang.
Nhà máy xe lửa Dĩ An được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp cổ kính từ năm 1902. Kiến trúc này đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Bình Dương vào năm 2013
Theo thiết kế ban đầu khi người Pháp xây dựng, tổng diện tích khu làm việc của nhà máy khoảng 4.000m2, gồm văn phòng của chánh chủ sở, hội trường, nhà xưởng, kho nguyên vật liệu. Hệ thống sản xuất chia làm 4 phân xưởng… Trong ảnh là hội trường có tuổi đời 121 năm
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã có những góp ý cần có định hướng trên cơ sở công nghiệp đường sắt hiện có để đào tạo nhân lực, bổ sung thiết bị nhằm sớm làm chủ công nghệ metro. Nếu có định hướng, nắm bắt công nghệ tốt, kỹ sư trong nước hoàn toàn có thể đóng mới toa tàu metro.
Về ga An Bình, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ vào 2022 về kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, trong đó có nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương về điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An, dịch chuyển quy hoạch ga đầu mối hàng hóa An Bình từ vị trí bên trái sang vị trí bên phải tuyến đường sắt theo hướng Bắc - Nam thuộc phần đất khu công nghiệp Sóng Thần 1. Điều chỉnh vị trí ga Dĩ An vào khu vực ga An Bình (bao gồm cả ga Sóng Thần).
Nhà máy xe lửa Dĩ An có chức năng sửa chữa và đóng mới toa xe các loại, sản xuất phụ tùng toa xe và các sản phẩm cơ khí khác. Vào năm 2016, các đơn vị vận tải đường sắt Sài Gòn đã đề xuất thí điểm đóng mới toa xe chất lượng cao tại đây. Từ thành công bước đầu, hàng chục toa tàu do chính tay kỹ sư Việt Nam đóng đã ra đời, đường sắt Việt Nam từ đó đến nay không còn phải đi nhập khẩu toa tàu ở nước ngoài
Dù mới là báo cáo đầu kỳ, cần phải lấy ý kiến bộ ngành, địa phương nhưng đề xuất di dời Nhà máy xe lửa Dĩ An này được dư luận, chuyên gia rất quan tâm
Nhà máy xe lửa Dĩ An cũng từng tiếp nhận những chiếc đầu máy hơi nước đã “nghỉ hưu” gần nửa thế kỷ về phục hồi thành công để khai thác du lịch
Nhà máy xe lửa Dĩ An hiện do Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An quản lý, tọa lạc tại số 8 Lý Thường Kiệt, khu phố 1, phường Dĩ An, TP Dĩ An, Bình Dương
Liên danh tư vấn đề xuất diện tích ga An Bình quy hoạch dự kiến khoảng 200ha, bao gồm các công trình ga, cơ sở bảo dưỡng sửa chữa đoàn tàu, cơ sở hạ tầng, khu vực bãi hàng, kho hàng (khổ 1.435mm và khổ 1.000mm), khu vực liên vận quốc tế; khu vực phát triển công nghiệp đường sắt; khu vực dự kiến di dời cho Nhà máy xe lửa Dĩ An...
Nguồn Báo Tuổi trẻ