Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Ảnh: CHÍ HẠNH
Đến dự lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 ở phía bờ tỉnh Tiền Giang có Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Phía bờ tỉnh Vĩnh Long có Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đến dự lễ khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Cả 2 dự án chính thức được lưu thông vào 7h ngày 25-12.
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng lưu sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Dự án xây dựng cầu có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 8-2020.
Dự án có điểm đầu nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung (tỉnh Tiền Giang), điểm cuối nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (tỉnh Vĩnh Long).
Tổng chiều dài dự án 6,61km. Trong đó phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7km (phía Tiền Giang 4,3km, phía Vĩnh Long 0,4km).
Cầu thiết kế tiêu chuẩn cấp đường ô tô cao tốc, vận tốc 100km/h. Trước mắt phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường phía Tiền Giang là 17m, phía Vĩnh Long rộng 25m (đồng bộ với bề mặt cầu).
Riêng phần cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài hơn 1,9km, đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng mặt cầu phần xe chạy 25m.
Nhịp chính cầu có kết cấu dây văng dài 650m, nhịp dẫn kết cấu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276m.
Khổ thông thuyền 37,5m, hoàn toàn do các đơn vị trong nước thực hiện thiết kế, giám sát và thi công.
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng nguồn sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công tháng 1-2021. Tổng mức đầu tư trên 4.826 tỉ đồng. Điểm đầu tại km107 + 363,08 kết nối với đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2 và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Điểm cuối tại km130 + 337 tại nút giao Chà Và, kết nối với quốc lộ 1 hiện hữu, thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trong tương lai, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ nối tiếp với đường dẫn cầu Cần Thơ 2 và đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Giai đoạn 1 dự án có tổng chiều dài gần 23km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Long là 12,53km, tỉnh Đồng Tháp 10,44km. Quy mô thiết kế 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 90km/h. Ở giai đoạn hoàn thiện quy mô tuyến 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, tốc độ thiết kế 100km/h.
Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành, kết hợp với tuyến TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2 sẽ tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM đi TP Cần Thơ, phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 1. Thời gian đi từ TP.HCM đến TP Cần Thơ được rút xuống còn gần 2 tiếng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giúp Đồng bằng sông Cửu Long "cất cánh".
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lữ Quang Ngời - chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cho biết 2 dự án được khánh thành có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực.
"Đối với tỉnh Vĩnh Long, hai dự án này khi đưa vào khai thác bên cạnh việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, còn giúp giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ TP.HCM về Vĩnh Long.
Hai dự án sẽ giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư… Góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo", ông Ngời cho biết.
Thông xe cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Ảnh: CHÍ HẠNH
Thông qua cầu truyền hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc đưa vào sử dụng các tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã nâng số km đường cao tốc cả nước lên 1.900km. Hiện còn đang triển khai làm 1.700km. Nếu thuận lợi thì đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000km.
Nói về ý nghĩa của cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng cho biết so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, cầu Mỹ Thuận 2 có quy mô hơn, dài hơn, cao hơn và rộng hơn.
"Điều đặc biệt hơn nữa, cầu Mỹ Thuận 2 được thiết kế, thi công, giám sát hoàn toàn là của Việt Nam. Chúng ta đã có những nhà thầu hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, tự làm được những cầu dây văng như nhà thầu Trung Nam.
Hơn nữa suất đầu tư cũng ngày càng tiết kiệm hơn. Nếu như trước đây làm cầu Mỹ Thuận tốn khoảng 5.000 USD/m2 thì tại cầu Mỹ Thuận 2 chi phí giảm xuống còn khoảng 2.500 USD/m2", Thủ tướng nói.
Theo Báo Tuổi trẻ