Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả tích cực; góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Trình tự, thủ tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa đảm bảo tính pháp lý; lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm có thẩm quyền xử lý chưa tuân thủ theo quy định; việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa triệt để,…

Để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:

1. Kịp thời phát hiện và giải quyết, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm hành chính theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trong quá trình xử lý tuyết đối không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; bố trí cán bộ, công chức có chuyên môn tốt khi lập hồ sơ xử lý ban đầu các trường hợp vi phạm để đảm bảo đúng đối tượng, hành vi, mức xử phạt và đúng thẩm quyền.

2. Trong quá trình xác lập hồ sơ cần nghiên cứu , củng cố tài liệu có liên quan để đảm bảo xử lý đúng đối tượng, bản chất vụ việc, tránh tình trạng người vi phạm hoặc cán bộ, công chức tham mưu xác lập hồ sơ cố tình làm thay đổi đối tượng vi phạm từ tổ chức sang cá nhân để được xử phạt ở mức thấp hơn. Đối với các vụ việc phức tạp hoặc khó khăn, vướng mắc về pháp luật khi lập hồ sơ xử lý, phải kịp thời lấy ý kiến của Sở Tư pháp (cơ quan tham mưu quản lý về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương) và các cơ quan khác có liên quan để hướng dẫn, giải quyết theo quy định.

3. Đối với các vụ việc không thuộc thẩm quyền hoặc vượt thẩm quyền xử phạt, thì cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải kịp thời hoàn thiện hồ sơ chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết đúng theo thời hạn quy định tại khoản 5, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (trong vòng 24 giờ kể từ ngày lập biên bản), tránh tình trạng vi phạm về trình tự, thủ tục, tuyết đối không để gần hết thời hạn ra quyết định xử phạt mới chuyển đến người có thẩm quyền xử lý. Nếu để quá thời hạn nêu trên, dẫn đến hết thời hạn xử lý, Thủ trưởng đơn vị xác lập hồ sơ phải chịu trách nhiệm theo quy định.

4. Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai việc xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng quyết định xử phạt vi phạm hành chính không thi hành được do hết hiệu lực thi hành.

5. Sở Tư pháp chỉ đạo bộ phận chuyên môn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị xác lập hồ sơ khi nhận được đề nghị hỗ trợ hoặc lấy ý kiến; tiếp tục nâng cao công tác thẩm tra hồ sơ, nội dung thẩm tra cần tập trung: Xác định thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu, tính pháp lý của tài liệu, hồ sơ. Trong quá trình thẩm tra, nếu cần phải củng cố hồ sơ, chủ động phối hợp với đơn vị trình (xác lập hồ sơ) để hoàn thiện hồ sơ và báo cáo cụ thể nội dung, tài liệu bổ sung tại báo cáo thẩm tra.

Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sơ, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn nắm, thực hiện đúng. Nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh./.

Mộng Tuyết