Để nói về nguồn gốc, thiết kế này ban đầu được khởi xướng bởi thương hiệu Tesla với việc áp dụng một màn hình cỡ lớn, đặt dọc và chính giữa khoang cabin trên một số mẫu xe như Model S, Model X hay sau này là Model 3. Ngoài ra, kiểu bố trí nội thất này cũng phần nào được áp dụng bởi hãng xe Việt Nam – VinFast trên 2 sản phẩm LUX A2.0 và LUX SA2.0.
Cụm màn hình trung tâm trên Tesla Model X
Cụm màn hình trung tâm trên VinFast
Là một hãng xe có tuổi đời 87 năm, Nissan đã không đi theo xu hướng thiết kế này mà thay vào đó là cách bố trí đầy khoa học trên chiếc crossover Ariya Concept. Được giới thiệu lần đầu tại Tokyo Motor Show hồi năm ngoái, buồng lái trên mẫu xe ý tưởng này xuất hiện với một cụm màn hình điện tử nằm ngang, liền mạch, với chức năng hiển thị đồng hồ tốc độ và hệ thống thông tin giải trí.
Chiếc crossover Ariya Concept của Nissan
Ngoài Nissan, một số hãng xe, điển hình là Mercedes cũng áp dụng kiểu bố cục này. Theo hãng xe Nhật Bản, thiết kế màn hình theo kiểu này không chỉ đem lại hiệu ứng thẩm mỹ mà còn mang tới hiệu quả trực giác cho người sử dụng. “Theo tự nhiên, mắt của con người sẽ quan sát từ bên này sang bên kia khi lái xe,” trích lời giải thích của Tomomichi Uekuri, Quản lý cấp cao của bộ phận kĩ thuật Nissan HMI (Human Machine Interface). “Khả năng tiếp nhận thông tin của người lái sẽ tốt hơn khi quan sát theo chiều ngang và đó là lý do chúng tôi thiết kế cụm màn hình như vậy.”
Cách bố trí buồng lái trên Ariya Concept
Ngoài ra, Nissan cũng cho biết kiểu thiết kế này sẽ tạo ra 3 điểm thẳng hàng bao gồm mắt người lái, màn hình và mặt đường, khiến mọi thứ trở nên tiện lợi. Bật mí thêm về thiết kế trên Ariya Concept, hãng xe Nhật cho biết đã phát triển phần mềm cho phép các luồng thông tin được luân chuyển một cách linh hoạt, dễ dàng và liền mạch từ phía màn hình thông tin giải trí sang cụm đồng hồ, và ngược lại.
Kiều Hoàng (Tuoitrethudo)