Theo báo cáo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô trong nước (VAMA) - thị trường xe du lịch tại Việt Nam tiêu thụ 58.165* xe, ghi nhận mức giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn Thành Công (đơn vị phân phối xe Hyundai tại Việt Nam) cũng chứng kiến mức tăng trưởng âm tới 33% so với quý 1 năm 2023, khi doanh số chỉ đạt 10.144 xe.

Thị trường ô tô ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 3 tháng đầu năm 2024.

Trong khi đó, số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy thị trường Việt Nam đang giảm sâu, tới 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái về số đầu xe. Kim ngạch nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 32.272 xe, với tổng giá trị đạt 675,38 triệu USD. Riêng mặt hàng xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trơ xuống cũng chứng kiến đà tăng trưởng âm 20,2% về số lượng.

Kim ngạch xe nhập khẩu giảm đáng kể cả về số lượng và giá trị.

Những con số biết nói kể trên đều cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam vẫn chưa thể phục hồi nhanh chóng, sau những biến động kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Xét về cấu trúc thị trường, xe gầm cao Crossover/SUV vẫn là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất, với sản lượng kinh doanh ước tính sơ bộ đạt 20.870* xe.

Các mẫu xe sedan bất ngờ được ưa chuộng hơn những dòng sản phẩm gầm cao.

Các dòng xe sedan đạt doanh số 11.903* xe trong quý 1/2024, và các sản phẩm xe đa dụng MPV cũng có thành tích khá tương đồng, với 10.777* sản phẩm bàn giao đến tay khách hàng. Riêng dòng xe bán tải đạt doanh số 4.078* xe.

Phân khúc Crossover chứng kiến nhiều cái tên mới ra mắt thị trường trong quý I.

Phân khúc gầm cao vẫn chiếm sản lượng lớn, bởi số mẫu xe dồi dào, lên tới hơn 30 cái tên. Trong khi đó các mẫu sedan khiêm tốn hơn, chỉ có sự góp mặt của gần 20 dòng sản phẩm. Tuy nhiên, trong danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường quý 1/2024, lại xuất hiện tới 4 mẫu sedan, lần lượt bao gồm: Hyundai Accent (2.248 xe - xếp thứ tư), Honda City (2.165 xe - xếp thứ năm), Toyota Vios (1.757 xe - xếp thứ tám) và Hyundai Grand i10 (1.341 xe - xếp chót bảng).

Dòng xe MPV cũng như bán tải tiếp tục duy trì doanh số.

Bên cạnh đó, chỉ có 3 mẫu SUV bán chạy lọt top thị trường trong quý 1/2024, với sự dẫn dắt của cái tên quen thuộc Mazda CX-5 (2.319 xe - xếp thứ ba). Mẫu SUV hạng D Ford Everest cũng không gây ngạc nhiên khi chiếm vị trí thứ 6, với 2.035 xe bán ra, xếp ngay trên mẫu crossover cỡ nhỏ Kia Sonet với 1.889 sản phẩm giao khách.

Riêng hai mẫu xe đứng đầu thị trường về sản lượng bán hàng trong quý 1/2024 lần lượt thuộc về mẫu bán tải Mỹ Ford Ranger, với 3.562 xe và mẫu MPV quen thuộc Mitsubishi Xpander - đạt 3.508 xe bán ra. Phân khúc MPV còn bất ngờ ghi nhận thêm cái tên Suzuki XL7 lần đầu tiên lọt top xe bán chạy, với kết quả 1.346 xe giao khách trong 3 tháng đầu năm, xếp thứ 9 toàn thị trường.

Khó khăn vẫn bao trùm thị trường. Nhiều hãng không công bố số liệu kinh doanh.

Có thể nói, khó khăn chung vẫn còn bao trùm toàn bộ thị trường xe hơi 3 tháng đầu năm nay. Dù các thương hiệu đều tích cực tung nhiều khuyến mãi, ra mắt thêm các mẫu xe mới nhằm hấp dẫn khách hàng, song sức mua chưa thể cải thiện ngay trong một sớm một chiều.

Xét về mặt tích cực, thị trường đã xuất hiện một vài dấu hiệu tốt: tốc độ tăng trưởng của nhiều thương hiệu tính riêng trong tháng 3 vừa qua chứng kiến đà tăng trưởng trở lại so với tháng 2 trước đó. Mặc dù chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ đã kết thúc, song lãi suất vay mua xe vẫn được giữ ở mức thấp và dung lượng thị trường vẫn còn rất rộng - theo như phân tích của các chuyên gia. Dư địa này chính là gốc rễ có thể giúp thị trường ô tô chuyển biến tích cực trong 3 quý còn lại của năm 2024.

(*) Số liệu trong bài viết được thống kê chưa đầy đủ từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA và tập đoàn Thành Công. Các thương hiệu: VinFast, Nissan, Skoda và nhiều hãng xe Trung Quốc không công khai doanh số bán hàng cụ thể.

Theo VOV.vn–