Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong những ngày gần đây liên tục xảy ra các vụ tai nạn do va chạm giữa người tham gia giao thông với hàng hóa chở trên các phương tiện thô sơ hoặc mô tô chở hang hóa tham gia giao thông trái quy định gây tử vong rất thương tâm cho các nạn nhân khiến dư luận xã hội vô cùng hoang mang, bức xúc.
Để kịp thời ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ; Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương; Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Đồng thời, Ủy ban ATGT Quốc gia giao Ban ATGT tỉnh, thành phố đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả triển khai thực hiện giai đoạn đầu về Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2016. Từ tháng 11/2016, đưa kết quả quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương vào nội dung báo cáo thường kỳ về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. (Theo Báo Mới. Com)
Hiện nay, tình trạng người tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy chở hàng hóa cồng kềnh vẫn còn thường xuyên diễn ra trên các tuyến giao thông, từ các con đường TP Cà Mau đến các tuyến giao thông nông thôn. Hàng hóa mà họ chở trên xe rất đa dạng: từ bánh kẹo, quần áo, nệm, gối… đến tủ lạnh, khung cửa, sắt thép… với số lượng lớn. Thậm chí họ chỉ dành một tay điều khiển xe, một tay còn lại phải vòng ra phía sau giữ hàng hóa.
Điểm a, Khoản 4, Điều 30, Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người ngồi trên xe mô-tô hai bánh, xe mô-tô ba bánh, xe gắn máy, khi tham gia giao thông không được mang, vác vật cồng kềnh”.
Xe gắn máy chở hàng hóa cồng kềnh là hình ảnh thường thấy ở đường phố Cà Mau.- nguồn Internet (Nam Phương st)
Khoản 4, Điều 18, Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/2/2010 của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ: "Xe mô-tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,30 m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,50 m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2 m”.
Như vậy, căn cứ các quy định trên, người tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy phải chấp hành nghiêm chỉnh giới hạn hàng hóa cho phép chở. Điều này nhằm mục đích bảo đảm cho quá trình lưu thông được an toàn, tránh tình trạng hàng hóa ngã, đổ khi đang chạy xe trên đường.
Cần phải nói thêm, người tham gia giao thông không chấp hành quy định này không chỉ gây mất an toàn cho bản thân mà còn đe dọa đến sự an toàn của những người tham gia giao thông khác, tai nạn giao thông có thể đến bất cứ lúc nào. Cá biệt, có trường hợp khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt, họ giải thích là do “bất khả kháng”, “không chở bằng xe máy thì không biết chở bằng gì”(!?).
Thiết nghĩ, người tham gia giao thông không nên vì cái lợi trước mắt mà quên đi sự an toàn cho bản thân và cho cộng đồng, để khi tai nạn giao thông xảy ra thì ân hận đã muộn màng./.
Nam Phương