Gần đây nhất, ngày 24/5/2017, một vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra tại hạ lưu thủy điện Sông Ba Hạ tỉnh Phú Yên làm 04 em học sinh bị thiệt mạng.
Sông Ba (đoạn qua huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) nơi các học sinh gặp nạn
Vào buổi sáng ngày 24/5, một nhóm các học sinh nam lớp 6 của Trường THCS thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đến tắm ở sông Ba thì xảy ra tai nạn làm 4 cháu bị đuối nước.
Khu vực các học sinh bị tai nạn nằm cách Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ khoảng 8 km về phía hạ lưu.
Trước đó, ngày 06/4/2017 tại tỉnh Bình Phước 01 em học sinh đã tử vong do bị đuối nước do chơi đùa trợt chân té xuống nước.
Hiện trường nơi xảy ra tai nạn.
Theo thông tin, có 5 em nhỏ cùng nhau rủ đi chơi dọc bờ hồ thuộc lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Trong lúc chơi đùa thì bất ngờ em Nguyễn Công Minh (11 tuổi, học lớp 5A2, Trường tiểu học Hai Bà Trưng), trú tại thôn 2, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập bị trượt chân té xuống nước và tử vong.
Ở huyện Trần Văn Thời, ngày 02/7/2016, xảy ra một vụ đuối nước làm chết 2 em bé gái rất thương tâm tại ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải.
Nhằm hạn chế các vụ tai nạn thương tâm do đuối nước đối với học sinh, sinh viên vào dịp hè năm 2017, ngày 22 tháng 3 năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn về việc tăng cường phòng, tránh tai nạn đuối nước học sinh, sinh viên.
Theo đó, các sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả Chị thị số số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em và các văn bản chỉ đạo của Ngành về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Dạy trẻ học bơi là một trong những phương pháp phòng, tránh tai nạn đuối nước hữu hiệu nhất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục thường xuyên hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước; khuyến cáo học sinh không chơi ở những nơi gần ao, hồ, sông suối, hố công trình, những nơi có biển báo nguy hiểm…; khi đi bơi phải có người lớn đi cùng, không tự ý đi bơi thông qua các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoài giờ lên lớp…; các bậc cha mẹ tăng cường quản lý con em trong thời gian nghỉ hè; khuyến khích phụ huynh cho con em tham gia các lớp học bơi, các hoạt động do địa phương, nhà trường tổ chức trong dịp nghỉ hè.
Đồng thời, các nhà trường phối hợp với cơ sở Đoàn, Đội tại địa phương tổ chức các hoạt động hè vui tươi, lành mạnh, tạo nhiều sân chơi cho học sinh tham gia; phối hợp hướng dẫn học sinh tham gia các lớp học bơi, các khóa giáo dục kỹ năng sống…; khuyến khích các trường, cơ sở giáo dục phối hợp với các trung tâm tổ chức các hoạt động hè tại trường (các câu lạc bộ thể thao, văn hóa, văn nghệ; lớp học bơi và các khóa giáo dục kỹ năng sống....), tạo điều kiện để học sinh được tham gia khi có nhu cầu, nguyện vọng.
Phần lớn, tai nạn đuối nước ở trẻ em đều xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan nên hoàn toàn có thể phòng, tránh được. Với các em nhỏ, cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ đuối nước vì không ai có thể theo sát và quản lý con em mình 24/24 giờ. Ngoài ra, tại các khu vực gần sông, suối, ao, hồ hay các hố nước sâu, nguy hiểm... cần có biển cảnh báo, nhắc nhở các em, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra./.
Kiều Oanh