Thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ việc tài xế không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT. Một số còn cố tình nhấn ga, liên tục đẩy CSGT đi trên đường, thậm chí tông thẳng vào lực lượng chức năng.
Nhiều người đặt câu hỏi: Trong các tình huống này, lực lượng CSGT được quyền và nên làm gì?
Cương quyết nhưng khôn khéo
Một đội phó thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết: Trong các tình huống trên, cán bộ, chiến sĩ phải có cách xử lý vừa cương quyết vừa khéo léo, sử dụng biện pháp nghiệp vụ phù hợp trong từng trường hợp.
Theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, việc dừng phương tiện phải bảo đảm ba yêu cầu: An toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu cảm thấy nguy hiểm cho bản thân và người đi đường hoặc lỗi vi phạm không quá nghiêm trọng, CSGT không nên dùng mọi biện pháp để ngăn chặn trực tiếp. Thay vào đó có thể thông báo cho chốt trực phía trước hoặc dùng biện pháp khác.
“Một CSGT có kinh nghiệm không nên ăn thua bằng được với người vi phạm, khi cảm thấy nguy hiểm thì có thể ghi lại biển số xe, màu xe, loại xe… hoặc thông qua hệ thống camera phạt nguội để xử lý” - vị này nói.
Nữ tài xế cố thủ trong xe, đẩy CSGT trên đường phố Hà Nội. (Ảnh cắt từ clip) |
Có thể truy đuổi, sử dụng công cụ hỗ trợ
Vị đội phó cho biết cách xử lý linh động và khôn khéo vừa nêu thường chỉ áp dụng đối với các lỗi vi phạm không quá nghiêm trọng. Trong tình huống như tội phạm bỏ trốn, gây tai nạn, có hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông… thì CSGT phải truy bắt bằng được. Tuy nhiên, việc truy bắt cũng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, an toàn cho CSGT, người đi đường và cả người vi phạm.
Trong trường hợp người vi phạm chịu dừng xe nhưng lại chống đối, CSGT phải có biện pháp mạnh để cưỡng chế. Ngoài việc nhờ quần chúng nhân dân giúp đỡ, CSGT có thể sử dụng công cụ hỗ trợ, thông báo cho lực lượng công an phường. Khi sử dụng vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ để trấn áp thì phải tuân thủ chặt chẽ theo pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phải đặt an toàn cho người dân và bản thân lên hàng đầu, chỉ sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp.
Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật giao thông - Cục CSGT, cho rằng trong những tình huống cụ thể, CSGT cần kiên quyết xử lý, thậm chí là truy đuổi nếu có thể.
“Bản thân một phương tiện không đơn thuần chỉ là hoạt động đi lại trên tuyến giao thông mà còn ẩn chứa nguy cơ tội phạm. Nghĩa là việc không chấp hành hiệu lệnh của CSGT là biểu hiện ban đầu của hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có dấu hiệu tội phạm, cần phải cương quyết xử lý. Ví dụ đối tượng khủng bố sử dụng xe hoặc người điều khiển phương tiện say rượu…, nếu không kiên quyết ngăn chặn thì hậu quả xảy ra có thể khôn lường” - Thượng tá Nhật nói.
Đối với CSGT, ngoài những yếu tố môi trường làm việc độc hại như mưa nắng, khói bụi, họ còn chịu ảnh hưởng về tâm lý. Do vậy lực lượng phải kiên nhẫn giải thích, thuyết phục dù bị người vi phạm phản ứng, linh động xử lý trong từng tình huống…, điều đó thể hiện bản lĩnh của cán bộ CSGT.
Liên quan đến vấn đề này, Cục CSGT đã có chỉ đạo lực lượng các tỉnh/TP ngoài những kỹ năng về pháp luật, nghiệp vụ, cần đào tạo cả kỹ năng ứng xử. Hiện một số tỉnh như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Bình… đã có những lớp tập huấn kỹ năng xử lý tình huống và văn hóa ứng xử cho cán bộ CSGT.
Không chấp hành hiệu lệnh: Nhiều cách xử lý Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định người phụ nữ điều khiển xe đẩy CSGT gần 100 m trên đường ngày 19-11 có nhiều dấu hiệu vi phạm: Thứ nhất, phương tiện hết hạn kiểm định. Theo Nghị định 46/2016, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hạn sử dụng nếu dưới một tháng phạt tiền 2-3 triệu đồng; từ một tháng trở lên mức phạt 4-6 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Thứ hai, không mang theo giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe bị xử phạt 200.000-400.000 đồng. Thứ ba, hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông bị xử phạt 1,2-2 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Thứ tư, điều khiển ô tô đẩy CSGT đi một đoạn đường là có dấu hiệu của hành vi chống người thi hành công vụ. Nếu có căn cứ, người vi phạm có thể bị xử lý theo Điều 257 BLHS. Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP. |
Theo Pháp luật TP.HCM