Ứng dụng công nghệ thông tin trong cứu hộ giao thông
Ứng dụng “Cứu hộ giao thông” được xem là giải pháp công nghệ thông minh, có thể trợ giúp đắc lực cho công tác cứu hộ giao thông. Theo đại diện Công ty Hanel, giải pháp công nghệ này tương tự với ứng dụng Uber hay Grab hiện nay. Ứng dụng này có thể giúp chủ phương tiện cần cứu hộ tìm kiếm được đơn vị (xe) cứu hộ gần nhất với mình và đưa ra sự lựa chọn đối với việc cứu hộ chiếc xe.
Đại diện công ty Hanel giới thiệu về ứng dụng "Cứu hộ giao thông"
Ưu điểm của ứng dụng này là giúp tài xế xe cứu hộ có thể biết được chính xác vị trí chiếc xe gặp nạn và chủ xe có thể theo dõi được chiếc xe của mình đang được vận chuyển đến vị trí nào, về đâu mà không cần đi theo xe. Bên cạnh đó, với hệ thống đánh giá chất lượng cứu hộ sau khi công việc được hoàn tất, khách hàng có thể tự chấm điểm cho doanh nghiệp cứu hộ. Điều này giúp các doanh nghiệp cứu hộ không thể làm ẩu bởi nếu khách hàng không hài lòng, doanh nghiệp cứu hộ đó sẽ bị đánh giá kém.
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều quan tâm, bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng ứng dụng “Cứu hộ giao thông” đồng thời đưa ra nhiều câu hỏi xung quanh việc áp dụng ứng dụng này vào thực tế công tác cứu hộ giao thông hiện nay.
“Mới chỉ thấy phía Hanel đưa ra cách tính tiền theo thỏa thuận, báo giá. Như vậy ứng dụng này mới chỉ rút ngắn được một bước là nghe điện thoại. Liệu có cách tính tiền khác hay không? Ví dụ như Uber hay Grab là tính tiền theo quãng đường di chuyển, số km và báo giá ngay lập tức cho khách hàng về số tiền cần phải thanh toán dựa vào đó", ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông đặt câu hỏi?
Trả lời câu hỏi này, đại diện phía Hanel cho biết: “Trên thế giới đều đã có phương pháp tính theo định mức. Ví dụ họ có mức giá cơ bản và sau đó là mức giá theo từng km. Điều đó đi kèm theo các dịch vụ như: thay thế ắc quy, đổ xăng, rơi chìa khóa,… Ứng dụng này có 2 điểm chính để dựa vào đó tính toán. Thứ nhất là công việc cứu hộ. Thứ hai là quãng đường thực hiện cứu hộ. Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng kiến thức đó để áp dụng cho ứng dụng cứu hộ của mình. Theo đó sẽ đưa ra mức giá cơ bản nhất, thấp nhất giống giá mở cửa của taxi là bao nhiêu? Sau đó tính toán đi 1km hết bao nhiêu tiền rồi đưa ra tùy chọn cho từng dịch vụ. Khi kéo xe, chúng ta hoàn toàn có thể tính toán mức giá ví dụ kéo xe quãng đường Hà Nội – Hải Phòng là bao nhiêu tiền dựa trên mức giá cơ bản”.
Đại diện doanh nghiệp cứu hộ đưa ra câu hỏi và thắc mắc với phía công ty Hanel về ứng dụng
Đại diện cứu hộ Đồng Nai chia sẻ: "Chúng tôi sẵn sàng trả phí nhưng nếu bây giờ đưa giá vào đây hơi khó bởi nếu thực hiện cứu hộ các vụ tai nạn giao thông sẽ không thể tính theo km được mà sẽ tính giá theo tình huống. Ví dụ, khách hàng bảo từ A đến B chỉ có bằng này cây số mà giá lên đến cả triệu thì sẽ khó khăn cho doanh nghiệp". Tuy vậy, đại diện cứu hộ Đồng Nai cũng cho biết, sẵn sàng dùng thử ứng dụng này để xem tính khả thi của nó. Nếu tốt, chắc chắn các doanh nghiệp cứu hộ sẵn sàng đầu tư phát triển ứng dụng “Cứu hộ giao thông”.
Bên cạnh đó, nhiều đại diện doanh nghiệp cứu hộ cũng đặt nhiều câu hỏi về cách tính tiền theo km quãng đường bởi nếu cứu hộ trên quãng đường ngắn nhưng tính tiền dựa trên quãng đường di chuyển trên ứng dụng sẽ có thể khiến doanh nghiệp bị thiệt. Đại diện cứu hộ Hà Nội thắc mắc: "Nếu đã là kinh doanh phải có lãi. Vậy định mức, chi phí bao nhiêu sẽ là phù hợp khi tham gia ứng dụng?".
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông cũng đưa giả thiết: "Chắc chắn khi ứng dụng này ra đời, không phải tất cả các doanh nghiệp cứu hộ đều tham gia sử dụng và giá tiền tính theo ứng dụng là cố định, được nhiều người biết đến. Ví dụ, sẽ có khoảng 50 – 60% doanh nghiệp tham gia ứng dụng và khi đó vẫn còn tới 40 – 50% doanh nghiệp không tham gia. Khi đó, những doanh nghiệp không tham gia sẽ tìm cách hạ giá xuống, khiến các doanh nghiệp tham giá mất lợi thế. Vậy làm sao phải tìm được một biện pháp để hài hòa tất cả”.
Theo Báo Giao thông