Tuyến đường quốc lộ 54 chỉ vừa 2 ô-tô tránh nhau.

Quốc lộ cũng bằng…tỉnh lộ

Ở khu vực miền Tây hiện nay, ngoài tuyến quốc lộ 1A thì còn có hàng chục tuyến quốc lộ hiện hữu khác, trong đó hầu hết các quốc lộ này đều có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp vì khổ đường hiện hữu cấp 3, chỉ dành cho 2 làn xe. Quốc lộ 62 dài 77km từ Tân An đến cửa khẩu Mộc Hóa (Long An) là tuyến quan trọng chạy ngang vùng Đồng Tháp Mười, vựa lúa lớn nhất cả nước hiện nay.

Dù nằm trọn trên địa bàn tỉnh Long An nhưng quốc lộ 62 lại là tuyến đường quan trọng của các phương tiện ở TP HCM di chuyển khi đi về nhiều địa phương phía Tây Nam của Long An, Đồng Tháp và An Giang. Tuy nhiên, tuyến đường này nhiều năm qua đã bị xuống cấp, hư hỏng với nhiều ổ gà, sụt lún do nằm ven sông Vàm Cỏ Tây. Cộng thêm việc lấn chiếm hai bên đường khiến cho nặng lực giao thông của quốc lộ 62 bị suy giảm nghiêm trọng. 

Mấy năm trước, tỉnh Long An đã có quy hoạch phê duyệt dự án nâng cấp, sửa chữa quốc lộ 62 rộng 4 làn xe theo hình thức BOT nhưng ở thời điểm này, phương án đó đã buộc phải dừng lại vì nhiều dự án BOT đã không phù hợp. Đến nay, việc tìm nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 62 là vấn đề vô cùng nan giải và chưa biết khi nào dự án này mới được triển khai.

Cũng nằm trên địa bàn tỉnh Long An, dự án xây dựng tuyến quốc lộ N1 chạy dọc biên giới Tây Nam dù đã được phê duyệt từ hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa hình thành. Chỉ một phần nhỏ của tuyến đường dài 235 km, đạt chuẩn đường cấp 4 với 2 làn xe chạy từ Đức Huệ (Long An) đến Hà Tiên (Kiên Giang) nằm ở địa phận huyện Đức Huệ được triển khai nhưng chưa thể đưa vào khai thác.

Trong khi đó, tuyến đường N2 (đường Hồ Chí Minh, chạy qua miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên) dài 440km bắt đầu từ Chơn Thành (Bình Dương) đến Vàm Rầy (Kiên Giang), đạt chuẩn đường cấp 4 với 2 làn xe đi qua hàng chục tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến vẫn còn đứt đoạn. Một số đoạn rời rạc đã hoàn và đưa vào sử dụng thì xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, quốc lộ 30 dài 120 km, từ An Hữu (Tiền Giang) đến cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) có mặt đường hiện hữu 2 làn xe, xuống cấp nghiêm trọng cũng từng được đưa vào các dự án cấp bách và có quy hoạch sửa chữa, nâng cấp theo hình thức BOT nhưng đã phải tạm dừng.

Đến nay, tuyến quốc lộ dọc phía Bắc sông Tiền này vẫn chưa tìm được nguồn vốn để sửa chữa. Tương tự, quốc lộ 54 dài 153 km, từ Bình Thành (Đồng Tháp) đến thành phố Trà Vinh, quốc lộ 53 dài 167 km, từ thành phố Vĩnh Long đến Tập Sơn (Trà Vinh) và quốc lộ 57 dài 105km, từ thành phố Vĩnh Long đến Thạnh Phú (Bến Tre) cũng chỉ là tuyến đường cấp 3 với 2 làn xe, rất khó khăn khi di chuyển bởi nếu có 2 phương tiện ô-tô tránh nhau thì phương tiện xe máy phải dừng lại, hoặc phải sát vào lề, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. 

Ngoài ra, một số tuyến quốc lộ khác như Nam Sông Hậu, quốc lộ 60, quốc lộ 50… cũng đã có dự án cải tạo và đã triển khai hoàn thành nhưng chỉ được một số đoạn, chưa đầy đủ toàn tuyến. 

Nan giải nguồn vốn 

Mặc dù nhu cầu sửa chữa là cần thiết và cấp bách nhưng hiện nay, để tìm nguồn vốn cho các dự án trên là điều không dễ dàng.

Cụ thể, khi nguồn vốn ngân sách eo hẹp và việc thu hút đầu tư từ xã hội hóa nảy sinh nhiều bất cập (các dự án BOT, BT) đều đang gặp hạn chế khiến việc tìm nguồn vốn thay thế là cực kỳ khó. Ngoài ra, một số chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc sửa chữa, nâng cấp các quốc lộ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khó khăn, tốn kém hơn các địa phương khác do nền địa chất yếu, đường có nhiều cầu bắc qua. Trong khi đó, chi phí sửa chữa các cây cầu luôn cao gấp nhiều lần diện tích đường. Mà không thể nâng cấp đường rộng gấp 2 lần trong khi giữ nguyên chiều rộng mặt cầu.

Ngoài ra, mặc dù nguồn vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng được chia đều cho nhiều tỉnh thành, vùng miền khác nhau thì ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn vốn này bị đầu tư cho các dự án xây cầu rất nhiều. Nhiều tỉnh thành, một cây cầu bắc qua sông có nguồn vốn tương đương với việc sửa chữa, nâng cấp hàng trăm cây số đường giao thông. Đó là lý do khiến hạ tầng giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn bị hụt so với các vùng miền khác.  

Theo daidoanket.vn