Bài 1: Những Nghiệp đoàn xe công nghệ Grab tiên phong
Hiện nay, lực lượng xe công nghệ Grab ngày càng trở nên đông đảo hơn, bao gồm đủ thành phần, giới tính, độ tuổi. Với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng của xe công nghệ Grab tạo sự thuận lợi, tăng thêm sự lựa chọn cho người dân khi có nhu cầu di chuyển. Sự ra đời của xe công nghệ Grab đã giảm bớt tình trạng “chặt chém”, chèo kéo hành khách và mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người.
>> Bài 2: Những hệ lụy và giải pháp quản lý
Tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động
Ông Nguyễn Thành Đương, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Tp. Cà Mau, cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 2 cơ sở dịch vụ xe công nghệ Grab đăng ký thành lập Nghiệp đoàn là Nghiệp đoàn GogoBike Cà Mau và Nghiệp đoàn cơ sở Dịch vụ xe công nghệ Grab OXY.
“Thời gian qua, LĐLĐ thành phố rất quan tâm đến tình hình hoạt động đối với 2 cơ sở này, thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho lực lượng tham gia thực hiện những quy định của pháp luật. Nghiệp đoàn tuyển thành viên rất nghiêm ngặt, thành viên tham gia phải có các giấy tờ như: Sơ yếu lý lịch, căn cước công, giấy phép lái xe hợp lệ; giá cước vận chuyển hành khách, cũng được thực hiện theo bảng giá rõ ràng. Nhìn chung 2 Nghiệp đoàn hoạt động rất hiệu quả, tạo việc làm làm, tăng thu nhập cho người lao động và đảm bảo tuân thủ về mặt pháp luật”. Ông Đương cho biết thêm.
Thành viên Dịch vụ xe công nghệ Grab OXY hiện có đã có gần 60 thành viên.
Là Nghiệp đoàn xe công nghệ xuất hiện đầu tiên ở Cà Mau, Nghiệp đoàn GogoBike Cà Mau thành lập vào tháng 1/2020 với 58 thành viên, hiện nay đang duy trì sĩ số từ 92-100 thành viên.
Anh Trần Quốc Sự, Chủ tịch Nghiệp đoàn GogoBike Cà Mau chia sẻ: “Khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100-NĐ/CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đặc biệt là việc xử phạt đối với người có nồng độ cồn khi tham gia giao thông nên tôi quyết định thành lập Nghiệp đoàn và mang lại hiệu quả tích cực. Thành viên của Nghiệp đoàn chủ yếu là lao động tự do, làm việc bán thời gian, người tham gia không đóng phí mà Nghiệp đoàn sẽ thu phí 25% cho mỗi cuốc chạy. Hiện thu nhập của anh em cũng ổn định, mỗi tháng thu nhập từ 4 – 6 triệu/người, qua đó giúp họ trang trải cuộc sống”.
Nghiệp đoàn GogoBike Cà Mau thành lập đầu tiên của tỉnh, sau khi hoạt động đến nay tạo thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nhiều thành viên.
Anh Lâm Minh Tiến, thành viên Nghiệp đoàn GogoBike Cà Mau tâm sự: “Hiện em đang làm cho một công ty tổ chức sự kiện, thu nhập cũng ổn định, ngoài thời gian làm cho công ty thì em tranh thủ tham gia chạy xe công nghệ kiếm thêm. Mỗi ngày nếu chịu khó chạy thì thu nhập 200.000 đồng khi trừ hết chi phí. Ban đầu tham gia vì thấy công việc linh động về giờ giấc, có thu nhập nhưng sau 4 năm tham gia Nghiệp đoàn, cuộc sống của em bây giờ cơ bản ổn định hơn”.
Là một trong những thành viên thành lập Nghiệp đoàn cơ sở Dịch vụ xe công nghệ Grab OXY, anh Hồ Thanh Hiền tâm sự: “Được thành lập vào tháng 3/2023, chỉ với vài thành viên, đến nay nhóm đã có gần 60 thành viên. Đa phần thành viên trong nhóm đều là người quen giới thiệu và có cả người làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Bản thân tôi đang làm việc tại BHXH huyện Cái Nước, có thu nhập ổn định, sau khi hết giờ làm việc thì tôi ra chạy xe với anh em. Công việc tuy vất vả nhưng tôi thấy rất vui, vừa tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, vừa được gần gũi, giúp đỡ anh em trong nhóm cùng phát triển”.
Chăm lo đời sống cho thành viên
Bên cạnh tạo việc làm, tăng thu nhập thì các Nghiệp đoàn còn hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh đẹp, mang tính chuyên nghiệp, đúng với quy định, vì vậy Nghiệp đoàn đã xây dựng nội quy, quy định cụ thể. Theo đó, mọi thành viên đều chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Tôn trọng hành khách, vận chuyển hành khách, thực phẩm, đồ dùng…luôn đặt tiêu chí an toàn, uy tín, trách nhiệm, hiệu quả và giá cả hợp lý. Tuỳ theo mức độ vi phạm nội quy, quy định của tài xế mà Trưởng nhóm áp dụng biện pháp chế tài, trong đó nặng nhất là chấm dứt thoả thuận tham gia Nghiệp đoàn.
Bên cạnh đó, Nghiệp đoàn rất quan tâm đến cuộc sống của anh em thành viên, nhất là thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Anh Hồ Phạm Ngọc Hưng, Chủ tịch Công đoàn Dịch vụ xe công nghệ Grab OXY tâm tình: “Công đoàn phối hợp với Ban điều hành vận động anh em trong nhóm đóng góp quỹ để tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho anh em khi không may bị tai nạn giao thông, ốm đau, bệnh tật, có cuộc sống khó khăn. Đồng thời, nhóm cũng phát động phong trào thi đua khen thưởng cho những thành viên hoạt động xuất sắc và khen thưởng đột xuất cho những thành viên đạt thành tích gương người tốt, việc tốt, với số lượng khen thưởng không giới hạn”.
Ban chấp hành Nghiệp đoàn Dịch vụ xe công nghệ Grab Oxy tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho anh em khi không may bị tai nạn giao thông, ốm đau, bệnh tật, có cuộc sống khó khăn
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ ấp 5, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, xúc động: “Cuộc sống gia đình khó khăn nên tôi lên thuê trọ ở phường 8, Tp. Cà Mau làm nhiều việc để mưu sinh. Sau đó tôi được người quen giới thiệu vào Nhóm Grab OXY, nhờ chịu khó nên thu nhập của tôi cũng khá hơn, chạy chở khách nguyên ngày cũng kiếm được gần 300.000 đồng. Ngoài tạo điều kiện cho tôi làm việc, tăng thu nhập, anh em trong nhóm cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà. Tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng đã tạo cho tôi động lực để vượt qua khó khăn”.
Tuy nhiên, bên cạnh những Nghiệp đoàn xe công nghệ hoạt động có nội quy, tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật thì còn nhiều nhóm xe công nghệ tự phát. Chỉ cần có một chiếc xe gắn máy, giấy tờ tùy thân là người lái xe có thể tham gia “mạng lưới” xe công nghệ. Theo ghi nhận thì trên địa bàn tỉnh hiện có trên 50 nhóm xe ôm công nghệ, bên cạnh những mặt tích cực mà xe ôm công nghệ mang lại thì loại hình dịch vụ này đang tồn tại nhiều thực trạng, nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, cần có sự quản lý chặt chẽ./.
Theo Báo Cà Mau