Tăng mạnh sản lượng thi công

Ngày đầu tháng 5/2024, nhiều người lao động trên cả nước đang tranh thủ khoảng thời gian nghỉ lễ ít ỏi còn lại để quây quần bên gia đình, bạn bè thì trên công trường gói thầu XL01 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh, hàng trăm công nhân vẫn "đội" nắng gắt, cần mẫn tăng tốc sản lượng.

Nhiều đoạn tuyến tại gói thầu XL01 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh đã bắt đầu được thảm bê tông nhựa.

"Chúng tôi không nghỉ lễ", lãnh đạo ban điều hành gói thầu XL01 (thuộc Tập đoàn Cienco4) nói và cho biết, dịp 30/4-1/5 năm nay, Tập đoàn Cienco4 vẫn duy trì 100% nhân lực và máy móc, thiết bị với tổng số 26 mũi thi công, gần 400 kỹ sư, công nhân làm việc "3 ca, 4 kíp".

Trong phạm vi công việc đảm nhận (tổng giá trị hơn 1.800 tỷ đồng), tính đến nay, sản lượng thi công của Tập đoàn Cienco4 tại dự án đã đạt 35% giá trị hợp đồng. Tận dụng thời tiết thuận lợi, sản lượng thực hiện hàng tháng, hàng tuần đã tăng khoảng 1,5-1,7 lần.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến ngày 23/4/2024, sản lượng thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đạt khoảng 30.455 tỷ đồng, tương ứng khoảng 31% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh vào 30/6/2025, chúng tôi đặt mục tiêu nâng sản lượng thi công tại gói thầu lên 47% vào giữa năm 2024", lãnh đạo gói thầu XL01 chia sẻ.

Đảm nhận thi công gần 25km tuyến chính tại dự án cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng, gần 800 kỹ sư, công nhân của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành cũng "gác" nghỉ lễ, ở lại công trường tăng tốc iến độ các hạng mục.

Công ty Phương Thành thi công cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng.

Ông Trần Hải Đăng, Chỉ huy trưởng gói thầu XL02 cho biết, nhà thầu đang tổ chức 25 mũi thi công với 352 máy móc, thiết bị và 775 nhân lực, đạt 100% so với thời điểm thông thường.

Với tinh thần làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, thời gian thi công được duy trì từ 12-18 tiếng một ngày, giá trị thi công của nhà thầu không ngừng lũy tiến.

Tính đến nay, sản lượng thực hiện của Công ty Phương Thành đạt hơn 42,5% giá trị hợp đồng. Trong đó, giá trị thi công phần đường đạt hơn 808 tỷ đồng (đạt hơn 32%), giá trị thi công phần cầu đạt hơn 1.039 tỷ đồng (đạt gần 54%).

"Giá trị thi công đạt được mỗi tháng ở thời điểm hiện tại trung bình đạt hơn 298 tỷ đồng, tăng gần 173% so với thời điểm đầu năm.

Tiếp đà kết quả đạt được, nhà thầu đặt mục tiêu đến giữa năm nay, sản lượng thi công phần việc tại dự án sẽ đạt hơn 54%. Trong đó, phần đường đạt hơn 40%, giá trị thi công cầu đạt 72%", ông Đăng nói.

Cùng chặng đua tiến độ trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, dịp lễ năm nay, Tổng công ty Thăng Long cũng duy trì 100% các mũi thi công như ngày thường để bảo đảm tiến độ tại hai dự án thành phần: Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong.

Đảm nhận thi tuyến chính từ Km 61+940 - Km 62+380 và một số công trình cầu tại gói thầu 13-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, lãnh đạo Tổng công ty Thăng Long cho biết, hiện tại, sản lượng thi công của nhà thầu đã đạt gần 229 tỷ đồng (đạt hơn 24% giá trị hợp đồng).

Đặt mục tiêu đến giữa tháng 6/2024, sản lượng thi công tại gói thầu được nâng lên 32% giá trị hợp đồng, thời gian gần đây, nhà thầu đã tích cực thi công "3 ca, 4 kíp", nâng giá trị thực hiện trung bình tháng đạt mức xấp xỉ 45 tỷ đồng/tháng so với mức 20 tỷ đồng/tháng ở thời điểm đầu năm.

"Tương tự, tại dự án Chí Thạnh - Vân Phong, dù sản lượng thực hiện của Tổng công ty Thăng Long đang vượt 2% so với kế hoạch (đạt 41% giá trị hợp đồng), song, chúng tôi vẫn duy trì 12 mũi thi công trong dịp lễ với 250 nhân lực, hơn 120 đầu máy để giữ nhịp thi công.

Mục tiêu đến hết tháng 6/2024, Tổng công ty Thăng Long sẽ nâng sản lượng thực hiện lên 55% giá trị hợp đồng. Toàn bộ các công trình cống, hầm chui trên tuyến và công tác đắp nền đường sẽ được hoàn thành", lãnh đạo nhà thầu chia sẻ.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc điều hành dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh (Ban QLDA 85) cho biết, tính đến nay, tổng giá trị thực hiện dự án đạt 31% giá trị hợp đồng.

Trong đó phần đường cơ bản đã hoàn thành công tác đào, đắp nền. Phần cầu đã kết thúc kết cấu phần dưới, đang triển khai lao lắp dầm và bản mặt cầu.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, phấn đấu hoàn thành cơ bản các hạng mục trước ngày 30/6/2025 (ngoại trừ hạng mục xử lý đất yếu đòi hỏi thời gian thi công, chờ lún kéo dài và cầu Kỳ Lộ do tính chất phức tạp, khối lượng thi công lớn hoàn thành trước 30/9/2025), dịp 30/4-1/5, toàn bộ công trường vẫn triển khai các mũi thi công như bình thường với gần 1.700 kỹ sư, công nhân, hơn 800 đầu máy, thiết bị.

"Nhờ sự tích cực tăng ca kíp làm việc buổi tối để bù đắp khoảng thời gian thời tiết bất lợi, giá trị thi công dự án cũng tăng lên đáng kể với 130 tỷ đồng/tuần, khoảng 520 tỷ đồng/tháng, đạt trên 250% so với thời điểm đầu năm", ông Minh nói.

Vướng mắc mặt bằng vẫn là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác thi công nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chưa được liên tục, đồng bộ.

Vẫn khó mặt bằng

Sản lượng thi công vẫn bám sát kế hoạch đề ra, song, theo Giám đốc điều hành dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh Nguyễn Lê Minh, khó khăn lớn nhất đối với dự án vẫn là công tác GPMB.

"Khối lượng còn lại không lớn (khoảng trên 1,5%) nhưng việc tổ chức thi công vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng. Phạm vi xử lý đất yếu cũng mới cơ bản được bàn giao mặt bằng, đòi hỏi giải pháp xử lý phức tạp, kéo dài", ông Minh nói.

Tương tự, tại dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, đại diện Tập đoàn Cienco4 cho biết, toàn bộ gói thầu XL01 còn lại khoảng 2km chưa bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, có khoảng 1,5km đã bàn giao mặt bằng nhưng còn xôi đỗ, công địa ngắn, chưa đủ mặt cắt ngang nên chưa thể triển khai thi công. "Nhà thầu rất mong Ban GPMB huyện Bố Trạch, UBND tỉnh Quảng Bình sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc trên để chúng tôi có đầy đủ điều kiện thi công đồng bộ, đáp ứng thời gian về đích theo yêu cầu", lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 đề xuất.

Tại gói thầu XL02 dự án Vũng Áng - Bùng, Chỉ huy trưởng Nguyễn Hải Đăng cũng không khỏi sốt ruột khi phạm vi thi công vẫn còn vướng 15 vị trí chưa GPMB, nằm xen kẹp từ đầu tuyến đến cuối tuyến.

Đây là nguyên nhân khiến tuyến chính chưa thể thông, ảnh hưởng đến việc điều phối vật liệu của nhà thầu.

"Tháo gỡ khó khăn trên, nhà thầu đã thành lập tổ GPMB phối hợp cùng địa phương, chủ đầu tư đến từng nhà để tìm hiểu động viên người dân sớm bàn giao mặt bằng để đưa máy móc vào thi công, hoàn thiện đồng bộ", ông Đăng thông tin.

Theo Báo Giao thông