Biển báo đã bị dùng sơn xịt phá hoại ( ảnh minh hoạ)

Thời gian gần đây, trên một số cây cầu tuyến đường, hệ thống biển báo được lắp đặt quy định tải trọng đối với các loại xe ô tô tải đã bị một số người đã cố tình dùng sơn xịt để thay đổi các quy định trên biển, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc xử lý vi phạm; hoặc có những hành vi phá hoại khác như cố tình làm hư hỏng, làm gãy biển báo...

Việc cố ý phá hoại biển báo giao thông, sẽ bị xử lý hình sự về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định tại Điều  231 Bộ luật hình sự, cụ thể hình phạt được quy định như sau:

Điều 231. Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia

1. Người nào phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 85 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

Khuyến khích người dân ghi hình vi phạm và gửi đến cơ quan có thẩm quyền ( ảnh minh hoạ)

Theo quy định tại  Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có bổ sung thêm nội dung tăng cường sự giám sát của nhân dân với quy định người dân có thể ghi hình các trường hợp vi phạm và gửi đến cơ quan có thẩm quyền.

Do vậy Ban An toàn giao thông tỉnh khuyến khích những thông tin, hình ảnh, video của người dân cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền, sẽ được coi là một nguồn tin. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ lấy đó làm căn cứ xác minh và xử lý người vi phạm.

Quốc Hưng