Hành khách xuống máy bay sau sự cố - Ảnh: P.C.B.
Vào tháng 1-2018, không hiểu vì sao mà một nữ hành khách trong danh sách bị cấm bay nhưng vẫn làm thủ tục và lọt qua cửa an ninh để lên máy bay sang Nga.
Theo quy định, để lên được máy bay hành khách phải qua 5 bước kiểm tra nghiêm ngặt, và lỗ hổng trong an ninh khiến cho hành khách bị cấm bay vẫn lên được máy bay là một trường hợp hi hữu, lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.
Tiếp đến ngày 20-2, một người nước ngoài mua vé từ TP.HCM đi Myanmar không hiểu vì sao đã lên nhầm máy bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines đến Singapore.
Vị khách nước ngoài đi nhầm chuyến bay đang cung cấp thông tin để tiếp viên trưởng lập biên bản sự việc, trước khi rời khỏi máy bay - Ảnh: H.L.T.Q.
Ngay sau đó, các bên liên quan đã phát hiện ra và đưa vị hành khách ngoại quốc kia xuống, và ông này vẫn kịp đáp chuyến bay của mình đến Myanmar, thay vì đi Singpore.
Người lạ đột nhập được vào sân bay
Đặc biệt, trong tháng 3-2018 liên tiếp ghi nhận một số vụ đột nhập vào sân bay.
Chẳng hạn, ngày 3-3, tại sân bay Vinh, một thanh niên tâm thần đã vượt rào chỉ trong 11 giây rồi qua mặt nhiều chốt an ninh sân bay Vinh đột nhập lên tận máy bay của hãng Vietnam Airlines.
Sân bay Vinh cho lắp thêm bốt kiểm soát an ninh tại gần khu vực nam thanh niên đột nhập - Ảnh: DOÃN HÒA
Cũng đầu tháng 3-2018, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm hai người, trong đó có một người nghiện ma túy, xâm nhập Cảng hàng không Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) trái phép.
Khuya 20-3, một nước ngoài quốc tịch Thụy Điển có biểu hiện bất thường đã xông vào trụ sở của Công ty Quản lý bay miền Nam tại TP.HCM.
Kết quả chung của các vụ xâm nhập trên là các đối tượng đều được phát hiện và bị khống chế.
Đầu tháng 4-2018, lực lượng chức năng tại sân bay Cát Bi phát hiện một con chó thả rông ngay khu vực mương thoát nước khu bay, đầu đường cất hạ cánh.
Vụ việc may đã được phát hiện sớm vì thế chưa gây tổn thất và hệ quả gì cho các hãng bay cũng như uy hiếp an toàn bay.
Đáp nhầm đường băng, hỏng động cơ khi cất cánh...
Trong tháng 4 này ghi nhận hai vụ việc được cho là nghiêm trọng.
Cụ thể, ngày 11-4, máy bay của Vietjet Air đi từ Đà Nẵng - TP.HCM bị hỏng hai động cơ cùng một lúc khi vừa mới cất cánh ra khỏi đường băng và chỉ mới lên độ cao hơn 1.200 mét.
Phát hiện lỗi kỹ thuật về nhiệt độ khí thải sau động cơ, cơ trưởng chuyến bay VJ627 từ Đà Nẵng đi Tp.HCM đã quyết định cho máy bay quay đầu lại sân bày Đà Nẵng sau 30 phút cất cánh
Theo The Aviation Herald, chuyến bay VJ627 chở 213 hành khách từ Đà Nẵng đến Tp.HCM lúc 10 giờ ngày 11/4 sau khi cất cánh đã phát tín hiệu cảnh báo nhiệt độ khí thải của 2 động cơ tăng tới giới hạn, bộng cơ phía bên trái đã tắt trong 2 phút. Phát hiện vấn đề này, cơ trưởng của chuyến bay quyết định cho máy bay quay lại hạ cánh lúc 10 giờ 39 để đội ngũ kỹ thuật kiểm tra máy bay.
Sau khi hạ cánh, hãng đã bố trí tất cả các hành khách trên chuyến bay VJ627 đi Tp. Hồ Chí Minh trên chuyến bay VJ639 khởi hành cùng ngày, và chuyến bay kế tiếp.
Theo Vietjet Air, tình huống chuyến bay bị ảnh hưởng do yếu tố kỹ thuật đã gây thiệt hại không nhỏ cho hãng, nhưng an toàn của hành khách luôn được hãng đặt lên hàng đầu.
Trước đó, vào tháng 1/2018 một chuyến bay của hãng hàng không Jetstar Pacific cũng phải quay đầu tại sân bay Nội Bài sau gần 30 phút cất cánh vì máy tính báo lỗi giả.
Ngày 29-4, máy bay của Vietnam Airlines số hiệu VN7344, loại máy bay A321, chặng TP.HCM - Cam Ranh đã hạ cánh xuống đường CHC số 2 chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Máy bay chở hơn 200 hành khách đáp nhầm đường băng tại sân bay Cam Ranh. Ảnh: An Phước.
Rất may không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra, và Vietnam Airlines đã phải lên tiếng xin lỗi hành khách vì sự cố này dù khẳng định cả cơ trưởng người Mỹ lẫn cơ phó người Việt đều "đạt chuẩn"
Kết quả điều tra sơ bộ của Cục Hàng không cho thấy, lỗi thuộc về tổ bay do đã xác định nhầm và hạ cánh xuống đường băng không được chỉ định. Trực tiếp điều khiển chuyến bay VN7344 là lái phụ người Việt Nam, cơ trưởng người Mỹ quan sát và cảnh báo.
Cơ quan chức năng đã thu giữ hộp đen để giải mã các thông số liên quan đến dữ liệu chuyến bay; thông tin trao đổi giữa lái chính, lái phụ và trao đổi của tổ lái với đài chỉ huy không lưu.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, ngay sau sự cố, cơ trưởng chuyến bay đã chủ động báo cáo, tường trình và cam kết tuân thủ mọi yêu cầu phục vụ điều tra của cơ quan chức năng.
Hãng đã họp khẩn trên toàn hệ thống, rà soát toàn bộ hoạt động khai thác tại sân bay Cam Ranh cũng như tất cả các sân bay để tránh các sự việc tương tự. Vietnam Airlines gửi lời xin lỗi các hành khách trên chuyến bay VN7344 về sự cố nói trên.
Theo một phi công lái máy bay thương mại, quá trình tiếp cận hạ cánh của một chuyến bay liên quan đến ba bộ phận là đơn vị quản lý sân bay, phi công và không lưu.
Đối với tổ lái, Vietnam Airlines quy định, ở giai đoạn tiếp cận hạ cánh, lái chính và lái phụ phải thực hiện hô - đáp nhắc lại khẩu lệnh nhằm kiểm tra chéo cho nhau, bảo đảm máy bay đã tiếp cận đúng. Từ đó cho đến lúc hạ cánh, phi công trực tiếp điều khiển máy bay sẽ được phi công còn lại hỗ trợ quan sát, cảnh báo. Tuân thủ đúng quy trình, giữa các phi công và giữa tổ lái với kiểm soát viên không lưu có thể nhận biết được có sai sót và cảnh báo cho nhau nếu thấy hô - đáp không khớp về thông tin. Nếu phát hiện nhầm đường băng, phi công vẫn có thể bay lên tiếp cận hạ cánh lần hai.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, người điều khiển máy bay không phát hiện sự nhầm lẫn nhưng cơ trưởng với vai trò là người quan sát, cảnh báo cũng không nhận ra sai sót.
Ngoài việc xác định nguyên nhân vụ việc, tổ điều tra còn xem xét việc đường băng đang được xây dựng nhưng không được đánh dấu nên dễ khiến tổ lái nhầm lẫn.
Theo quy định, việc đánh dấu chỉ thực hiện đối với đường băng đang sử dụng nhưng có sự thay đổi, phải tạm thời đóng cửa (để sửa chữa) hoặc đóng cửa hẳn. Còn đối với đường băng mới, chưa đưa vào khai thác thì chưa có quy định phải đánh dấu. Tuy nhiên, qua sự cố của máy bay Vietnam Airlines, Cục Hàng không đặt vấn đề phải bổ sung quy định đánh dấu đường băng mới, đang thi công nhằm tránh xảy ra sự cố tương tự.
Chiều 29/4, chuyến bay mang số hiệu VN 7344 của hãng hàng không Vietnam Airlines chở 203 hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đến sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Máy bay cất cánh lúc 14h, dự kiến hạ cánh lúc 15h10.
Đến 14h53, tổ lái với bảy người, trong đó cơ trưởng có quốc tịch Mỹ đã cho tàu bay tiếp đất tại đường băng số hiệu 02, chưa được đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Cục Hàng không ra quyết định đình chỉ các thành viên tổ lái của chuyến bay VN 7344 và toàn bộ kíp trực điều hành bay tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Theo Tuổi trẻ, Người Lao Động, VnExpress