Từ 1/1/2025 bắt đầu thực hiện lộ trình mới về áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam
Ngày 19/11, lãnh đạo Vụ Khoa học - Công nghệ và môi trường (Bộ GTVT) cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 19/2024/QĐ - TTg quy định về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, bãi bỏ các quy định trước đây về tiêu chuẩn khí thải (TCKT) đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; Điều 5 Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.
Quyết định mới về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải gồm 7 điều, áp dụng đối với xe cơ giới lắp động cơ nhiệt nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Theo đó, nội dung chủ yếu của lộ trình mới gồm 2 phần: Chuyển tiếp các quy định đang thực hiện và bổ sung lộ trình áp dụng đối với một số loại xe.
Thứ nhất, chuyển tiếp các mức TCKT đang thực hiện theo các Quyết định số: 249/2005/QĐ-TTg; 49/2011/QĐ-TTg; một phần Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể: Xe ô tô nhập khẩu mới và xe ô tô sản xuất, lắp ráp tiếp tục áp dụng TCKT Mức 5 từ 1/1/2025; Xe gắn máy hai bánh nhập khẩu mới và xe gắn máy sản xuất, lắp ráp tiếp tục áp dụng TCKT Mức 2 từ 1/1/2025 tới hết ngày 30/6/2027; áp dụng TCKT Mức 4 từ ngày 1/7/2027;
Xe mô tô hai bánh nhập khẩu mới và xe mô tô sản xuất, lắp ráp tiếp tục áp dụng TCKT thải Mức 3 từ 1/1/2025 tới hết ngày 30/6/2026; áp dụng TCKT Mức 4 từ ngày 1/7/2026; Xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng tiếp tục áp dụng TCKT Mức 4 từ 1/1/2025.
Thứ hai, bổ sung lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với các loại: Xe mô tô và xe gắn máy hai bánh nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp; Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; Xe mô tô ba bánh, xe gắn máy ba bánh có gắn động cơ.
Cụ thể, đối với xe mô tô hai bánh nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp: Nâng mức TCKT từ Mức 3 lên Mức 4 từ 1/7/2026.
Về nội dung mới này, Vụ Khoa học – Công nghệ và môi trường cho biết, từ năm 2021, Bộ GTVT đã triển khai nghiên cứu "Xây dựng lộ trình áp dụng mức TCKT tương đương Euro 4 cho xe mô tô, xe gắn máy và Euro 6 cho xe ô tô tại Việt Nam". Kết quả cho thấy việc nâng mức TCKT đối với xe mô tô nhập khẩu và xe mô tô sản xuất, lắp ráp lên Mức 4 là khả thi; khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu đã sẵn sàng cho việc nâng mức TCKT từ Mức 3 lên Mức 4. Một số doanh nghiệp theo nhu cầu sản xuất để xuất khẩu đã đầu tư công nghệ để sản xuất xe mô tô đạt TCKT Mức 4.
Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, nếu TCKT Mức 4 được áp dụng đối với xe mô tô sẽ giảm được 50% - 60% lượng phát thải khí độc hại phát thải từ loại phương tiện này. Và với mức độ tăng trưởng về số lượng xe máy đưa vào hàng năm hiện nay, khoảng 3 triệu xe/năm, sẽ đem lại hiểu quả đáng kể đối với công tác bảo vệ môi trường không khí.
Qua rà soát việc áp dụng TCKT của các nước khu vực ASEAN thấy rằng, đa phần các nước trong khu vực đã áp dụng hoặc có lộ trình áp dụng TCKT Euro 4 (Malaysia, Thái Lan, Singapore đang áp dụng Euro 4; Indonesia dự kiến áp dụng Euro 4 vào năm 2025, Philippines dự kiến áp dụng Euro 4 vào năm 2027). Cũng vì thế, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã có kiến nghị với Bộ GTVT sớm có lộ trình nâng mức TCKT đối với xe mô tô nhập khẩu và xe mô tô sản xuất lắp ráp lên Mức 4 để hài hòa với các nước trong khu vực.
Quy định về lộ trình mới nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và sản xuất lắp ráp tại Việt Nam nhằm kiểm soát tốt hơn nguồn phát thải từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Đối với xe gắn máy hai bánh: Nâng mức TCKT xe gắn máy hai bánh nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp từ Mức 2 lên Mức 4 từ 1/7/2027.
Theo cơ quan soạn thảo, trình dự thảo quyết định của Thủ tướng, xe gắn máy 2 bánh là loại phương tiện khi đưa vào sử dụng rất dễ dàng, không cần giấy phép lái xe, đối tượng sử dụng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nên về lâu dài cần tăng cường quản lý và hạn chế sự gia tăng của loại phương tiện này.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 518/TB - VPCP ngày 11/11/2024 của Văn phòng Chính phủ, thể hiện rõ quyết tâm chính trị và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực thi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Theo đó, các mức TCKT hiện đang áp dụng còn thấp như TCKT Mức 2 đối với xe gắn máy 2 bánh cần đặt ra lộ trình chấm dứt và nâng lên TCKT Mức 4 để đồng bộ với xe mô tô hai bánh, tạo động lực thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh trong GTVT.
Tuy nhiên, do chuyển đổi thẳng từ tiêu chuẩn khí thải Mức 2 lên tiêu chuẩn khí thải Mức 4 khó khăn hơn (bỏ qua Mức 3), mặt khác các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy 2 bánh hầu hết là doanh nghiệp nhỏ trong nước, năng lực về đầu tư, công nghệ hạn chế. Và để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi, thích ứng, Bộ GTVT đề xuất giãn thời gian áp dụng tiêu chuẩn khí thải Mức 4 đối với xe gắn máy hai bánh để dài hơn so với xe mô tô hai bánh áp dụng từ 1/7/2027
Đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp: Áp dụng mức TCKT bằng "0" đối với từ ngày 1/1/2026.
Theo Bộ GTVT, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trước đây chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Các loại xe này hoạt động trong phạm vi hẹp, thực hiện thí điểm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 đã thừa nhận loại xe này là một trong những loại xe cơ giới (khoản 1 Điều 34). Như vậy, thời gian tới, loại xe này có thể sẽ phát triển.
Và do đặc thù, yêu cầu kỹ thuật đối với loại xe này thấp hơn xe ô tô, nên việc áp dụng mức TCKT như xe ô tô để thử nghiệm và chứng nhận là không phù hợp. Nếu áp dụng mức TCKT thấp, nguy cơ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường sẽ tràn vào Việt Nam. Để phòng ngừa nguy cơ này, thực hiện chủ trưởng của Đảng và nhà nước về chuyển đổi năng lượng xanh trong GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định áp dụng mức TCKT bằng "0" đối với loại các xe này từ 1/1/2026 nhằm định hướng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh không phát thải chất gây ô nhiễm môi trường; góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong GTVT.
Đối với xe mô tô ba bánh, xe gắn máy ba bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu: Áp dụng mức TCKT bằng "0" từ ngày 1/1/2026.
Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại Nghị quyết số 05/2008/NQ - CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ, xe mô tô, xe gắn máy ba bánh không được cấp phép lưu hành mới trừ xe cơ giới ba bánh dùng cho người khuyết tật. Vì vậy, các quy định về lộ trình áp dụng mức TCKT từ năm 2008 cho tới nay không quy định việc áp dụng mức TCKT đối với xe mô tô, xe gắn máy ba bánh. Cũng từ năm 2008 đến nay, loại xe này không được thử nghiệm chứng nhận, cấp phép lưu hành.
Trong khi đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 không quy định cấm hoặc hạn chế đối với xe mô tô, xe gắn máy ba bánh. Tại khoản 1 Điều 34 quy định xe mô tô, xe gắn máy ba bánh là một trong những loại xe cơ giới. Do đó, khả năng loại phương tiện này sẽ được phép lưu hành và phát triển trở lại khi Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP hết hiệu lực.
Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về chuyển đổi năng lượng xanh trong GTVT, tương tự như xe bốn bánh có gắn động cơ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định áp dụng mức TCKT bằng "0" đối với xe mô tô ba bánh, xe gắn máy ba bánh từ 1/1/2026. Quy định này nhằm định hướng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh không phát thải chất gây ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong GTVT.
Các mức tiêu chuẩn khí thải
Quyết định trên áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp xe cơ giới lắp động cơ nhiệt.
Mức tiêu chuẩn khí thải (Mức 2, Mức 3, Mức 4 và Mức 5) đối với xe nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp quy định tại quyết định trên các mức tiêu chuẩn khí thải tương ứng với các mức tiêu chuẩn khí thải (Euro 2, Euro 3, Euro 4 và Euro 5) của Ủy ban kinh tế châu Âu của Liên Hợp quốc (UNECE) và Chỉ thị của Liên minh Châu Âu (EC) về phê duyệt kiểu loại xe cơ giới.
Mức tiêu chuẩn khí thải (Mức 1, Mức 2, Mức 3, Mức 4) đối với xe nhập khẩu đã qua sử dụng quy định tại Quyết định này là các mức giới hạn thành phần gây ô nhiễm trong khí thải quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 và sửa đổi 01:2021 TCVN 6438:2018 - Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải.
Mức tiêu chuẩn khí thải bằng "0" quy định tại quyết định là mức thể hiện khí thải phát sinh từ động cơ của xe cơ giới không có các chất gây ô nhiễm đã được quy định giới hạn trong các mức tiêu chuẩn khí thải nêu.
Theo quyết định, quy định về lộ trình khí thải trên không áp dụng đối với: Xe cơ giới thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; Xe cơ giới được nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam để nghiên cứu khoa học; nghiên cứu phục vụ sản xuất; trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại;
Xe cơ giới sản xuất, lắp ráp để xuất khẩu; Xe cơ giới được nhập khẩu theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó; Xe cơ giới được thiết kế có kết cấu đặc biệt không vì mục đích tham gia giao thông đường bộ; xe mô tô ba bánh, xe gắn máy ba bánh dùng cho người khuyết tật; Xe ô tô được sản xuất, lắp ráp từ xe ô tô cơ sở (từ xe sát xi hoặc từ xe ô tô hoàn chỉnh) đã được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Theo Tạp chí Giao thông vận tải