Cầu Thuận Phước
Với truyền thống "Đi trước mở đường", ngành GTVT đã nỗ lực xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhân kỷ niệm 72 năm ngày Truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2017), Báo Giao thông giới thiệu tới bạn đọc phóng sự ảnh về những công trình giao thông độc đáo, kỷ lục trên mọi miền Tổ quốc.
Cầu treo dây võng dài nhất: Cầu Thuận Phước
Với tổng chiều dài 2.119m, trong đó chiều dài cầu là 1.850m, cầu Thuận Phước được xem là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam hiện nay. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng công nghệ dây võng để xây dựng một cây cầu có khẩu độ nhịp chính được đánh giá lớn nhất nước.
Cầu được thiết kế theo mô hình cầu treo dây võng 3 nhịp liên tục, rộng 18m, 4 làn xe; có 2 trụ tháp cao 92m, cách nhau 405m; độ tĩnh không thông thuyền 27m. Đây cũng là cây cầu dây võng đầu tiên ở Việt Nam được kết cấu với dầm hộp thép hợp kim suốt toàn bộ nhịp treo dài 655m, chế tạo bằng công nghệ dầm tăng cứng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Được khởi công xây dựng ngày 16/1/2003, khánh thành ngày 19/7/2009 với vốn đầu tư từ ngân sách thành phố gần 1.000 tỷ đồng. Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa - Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà.
Cầu Pá Uôn
Cầu có trụ cao nhất: Cầu Pá Uôn
Cầu Pá Uôn vinh dự được xếp vào cấp đặc biệt do kết cấu trụ cao nhất Việt Nam, trụ chính cao tới 98,6m, có thể chịu được động đất mạnh cấp 9. Cầu gồm 2 mố và 11 trụ, với tổng chiều dài 1.418m, trong đó phần cầu chính dài 918m. Chiều cao toàn cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m. Được khởi công vào giữa năm 2007 và thông xe tháng 8/2010, Pá Uôn chính là cây cầu huyết mạch của các tỉnh vùng Tây Bắc bởi dưới chân cầu là hàng tỷ m3 nước của Thủy điện Sơn La.
Đường sắt Thống Nhất
Tuyến đường sắt dài nhất: Đường sắt Thống Nhất
Đường sắt Bắc - Nam (hay đường sắt Thống Nhất), là tuyến đường sắt bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội và kết thúc tại TP Hồ Chí Minh. Đường sắt Bắc - Nam chạy gần song song với QL1A, có nhiều đoạn gặp nhau, nhất là tại các tỉnh lỵ. Tổng chiều dài toàn tuyến là 1.729km, khổ rộng 1m, đi qua hàng chục tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh...
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Đường cao tốc dài nhất: Nội Bài - Lào Cai
Dự án được khởi công từ quý III/2008 và thông xe toàn tuyến ngày 21/9/2014. Cao tốc Hà Nội - Lào Cai có tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ USD, đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Cao tốc được thiết kế hiện đại, với chiều dài 245km, tốc độ tối đa 120km/h, có thể giúp rút ngắn thời gian đi toàn tuyến từ 7 giờ trước đây xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Cầu Đông Trù
Cầu Vòm rộng và lớn nhất: Cầu Đông Trù
Cầu Đông Trù dài 1,1km bắc qua sông Đuống, mặt cắt rộng 55m với 8 làn xe chạy. Ngoài hệ thống đường dẫn hai đầu, cầu gồm 3 nhịp chính, trong đó 2 nhịp biên dài 80m và nhịp giữa sông dài 120m được áp dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Đốt vòm dài nhất của cầu nằm ở nhịp giữa sông dài 53m, nặng 280 tấn, dùng hệ kích nâng từ mặt sông đến điểm hợp long cao 42m. Cầu được khởi công xây dựng vào quý II/2008 và chính thức khánh thành ngày 9/10/2014. Việc khánh thành cầu Đông Trù có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Bắc Thủ đô. Góp phần kết nối giao thông từ Hải Phòng, Hải Dương tới sân bay Nội Bài, nhà ga quốc tế T2 và các tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai…
Cầu Nhật Tân
Cầu dây văng dài nhất: Cầu Nhật Tân
Đây là một công trình trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, được khởi công xây dựng năm 2009, cầu Nhật Tân không chỉ là một công trình giao thông, mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.Khánh thành ngày 4/1/2015, cầu Nhật Tân dài 3,7km, riêng phần cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5km. Là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới. Mỗi nhịp cầu được trang bị 11 đôi dây văng chịu tải, với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô, chào đón bạn bè quốc tế đến với Hà Nội.
QL1A
Tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam: QL1A
QL1A được ví như xương sống và kéo dài suốt từ Bắc vào Nam. Khởi đầu từ (Km0) tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan trên biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc (thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) và điểm kết thúc là huyện Đất Mũi, tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 2.360km.Con đường này kết nối cũng như đi qua trung tâm của nhiều thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Hầm Hải Vân
Hầm đường bộ dài nhất: Hầm Hải Vân
Đây là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á và là một trong 30 hầm đường bộ lớn, dài trên thế giới. Toàn tuyến công trình hầm đường bộ Hải Vân có chiều dài 12,047km, được thiết kế vĩnh cửu, tốc độ thiết kế 80km/h.
Trong đó, hầm chính dài 6.280m có chiều rộng 10m cho 2 làn xe, độ cao cho phép xe đi qua là 7,5m; hầm cứu nạn chạy song song với hầm chính, có chiều dài tương tự, chiều rộng 4,7m, được nối với nhau bằng các hầm ngang, là đường thoát hiểm cho người và phương tiện khi có sự cố xảy ra.
Được khởi công xây dựng ngày 27/8/2000 và khánh thành ngày 5/6/2005, việc đưa hầm vào sử dụng giúp giảm tai nạn khi đi qua đèo Hải Vân cheo leo trước đây.
Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện
Cầu vượt biển dài nhất: Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện
Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện dài 5,44km thuộc dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng).
Cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng mặt cầu 16m với 4 làn xe chạy (giai đoạn hoàn thành dự kiến xây dựng 6 làn xe).
Đây là một trong những cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại, với những kỹ thuật xây dựng lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
Được khởi công từ tháng 5/2014, thông xe kỹ thuật ngày 14/5/2017. Khi cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện đi vào hoạt động, việc đi lại bằng ô tô giữa đất liền từ TP Hải Phòng sang đảo Cát Hải chỉ mất khoảng 5 phút, thay vì hàng tiếng đồng hồ đi phà biển hiện nay.
Cầu Rồng
Cầu có thiết kế độc đáo nhất: Cầu Rồng
Khởi công tháng 7/2009 và khánh thành ngày 29/3/2013, cầu được thiết kế, xây dựng với hình dáng một con rồng, có khả năng phun lửa, phun nước.
Với 6 làn xe chạy, chiều rộng 37,5m, chiều dài 666m, cầu Rồng góp phần rất lớn vào việc lưu thông phương tiện theo tuyến đường từ sân bay Đà Nẵng ra các bãi biển: Non Nước, Mỹ Khê…
Cầu Sông Hàn
Cầu quay duy nhất: Cầu Sông Hàn
Nói đến Đà Nẵng, không thể không nhắc đến dòng sông Hàn thơ mộng và nhắc đến sông Hàn, không thể không nhắc đến cây cầu quay đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Cầu quay sông Hàn là biểu tượng cho sức sống mới, là khát vọng đi lên của thành phố.
Cầu có chiều dài 446m, rộng 15m. Đặc biệt, trụ số 6 nằm ở phần chính giữa cầu có đường kính 19m, trên mâm quay và 2 nhịp dầm sắt dài 122m. Khi vận hành, dầm cầu sẽ quay ngang 90o quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của sông Hàn để mở đường cho tàu lớn đi qua.
Cầu được khởi công ngày 2/9/1998, khánh thành ngày 29/3/2000. Từ khi có cầu Sông Hàn, từ trung tâm thành phố qua đường Lê Duẩn chỉ mất 5 phút xe máy đã sang đến Bán đảo Sơn Trà, rút ngắn một chặng đường vòng gần 16km.
Nguồn: Báo Giao thông