Trạm thu phí dự án BOT Quán Toan - Cầu Nghìn do TASCO đầu tư. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án.

Các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã lắp đặt và vận hành thương mại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (chỉ còn trạm tránh Thanh Hóa đang dừng thu do thay đổi vị trí trạm).

Đối với 18 trạm bổ sung vào dự án, đã vận hành thương mại được 4 trạm gồm Trạm Mỹ Lộc, Tân Đệm (Thái Bình), An Sương - An Lạc (Tp. Hồ Chí Minh ) và trạm Quốc lộ 10 đoạn Quán Toan - Cầu Nghìn (Hải Phòng).

Hiện 14 trạm còn lại đang triển khai trong năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải cho biết và khẳng định: “Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 đã thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ”.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2 của dự án thu phí tự động không dừng do Bộ Giao thông Vận tải triển khai có tổng số 33 trạm thu phí, bao gồm 10 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.

Bộ Giao thông Vận tải thông tin, dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 đã hoàn thành việc đấu thầu và lựa chọn được liên danh thực hiện dự án là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) từ tháng 5/2019.

Dự kiến sẽ lắp đặt và vận hành các trạm trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, hiện dự án đang gặp nhiều vướng mắc về lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ thấp, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông và ngân hàng.

Cụ thể, hiện mới chỉ có khoảng 700.000 trong tổng số trên 3,5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ; tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm vẫn còn thấp, đạt khoảng trên 30% lượng phương tiện đã dán thẻ.

“Mặt khác, chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ.

Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định bắt buộc phương tiện không dán thẻ không được đi vào làn thu phí tự động, dẫn đến có phương tiện dán thẻ đi qua làn ETC (làn thu phí tự động không dừng) vẫn phải dừng chờ phương tiện chưa dán thẻ, do đó chưa phát huy hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng”, Bộ Giao thông Vận tải lý giải.

Một khó khăn khác được Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra là do quy định về trình tự, thủ tục triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP (hợp tác công tư) mất nhiều thời gian dẫn đến thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án giai đoạn 2 đến thời điểm này mới hoàn thành.

Liên quan đến triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tiến độ triển khai các tuyến cao tốc do VEC quản lý còn nhiều vướng mắc do chưa xác định được nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị ETC…

Một vướng mắc khác cũng được Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra đó là các hợp đồng BOT đã ký trước đây không có chủ trương áp dụng thu phí không dừng, để triển khai hệ thống ETC cần ký phụ lục hợp đồng BOT đối với tất cả các nhà đầu tư BOT.

Bên cạnh đó, hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể nên phát sinh nhiều vướng mắc trong đàm phán làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

“Một số nhà đầu tư như: dự án Cần Thơ - Phụng Hiệp, Hà Nội - Bắc Giang, hầm Phú Gia - Phước Tượng... chưa hoàn thiện các thủ tục ký phụ lục hợp đồng BOT với Bộ Giao thông Vận tải, hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp dịch vụ với lý do ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án BOT chưa đồng thuận do một số dự án có doanh thu thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu hoặc còn thắc mắc về phương án trích từ doanh thu để trả chi phí quản lý thu phí tự động cho nhà cung cấp dịch vụ sẽ làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án BOT”, Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hệ thống thu phí tự động không dừng là một bộ phận của các dự án BOT, theo chủ trương bắt buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

Việc này cũng đáp ứng yêu cầu của xã hội, hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người tham gia giao thông, đảm bảo sự minh bạch trong quá trình thu phí đường bộ.

Để thúc đẩy tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch trong thu phí tại các trạm BOT, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ ETC đối với các phương tiện thuộc diện thu phí do bộ, ngành, địa phương quản lý.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ đôn đốc, chỉ đạo các nhà đầu tư BOT bàn giao trạm đang thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện thu phí ETC theo quy định của Quyết định số 07/2017 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu phí dịch vụ đường bộ tự động không dừng.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải sẽ dừng thu phí đối với các nhà đầu tư BOT không ký phụ lục hợp đồng BOT với Bộ Giao thông Vận tải về thu phí không dừng và hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp dịch vụ trước ngày 31/8/2019.

Ngoài ra nếu nhà đầu tư không triển khai thu phí không dừng tại trạm thu phí trước ngày 31/12/2019 cũng sẽ bị Bộ Giao thông Vận tải cho dừng thu phí. 

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng đối với việc thanh toán dịch vụ thu phí tự động không dừng; đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí đảm bảo liên liên thông, thuận lợi.

Đối với các dự án tuyến cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đôn đốc VEC đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dùng tại các dự án cao tốc do VEC quản lý đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết nối liên thông với hệ thống thu phí tự động do Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai.

Liên quan đến việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng, tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành  ngày 27/3/2017 nêu rõ lộ trình bàn giao việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ đường bộ đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là “Chậm nhất đến 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng” và “việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng”.

Tháng 10/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).

Trong đó, Nghị quyết này yêu cầu từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT trên cả nước.

Gần đây nhất là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 1638/VPCP-CN ngày 28/2/2019 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ: Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm việc triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử không dừng theo quy định tại Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, Quyết định số 07/QĐ-TTg….

Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, lộ trình chuyển sang thu phí theo hình thức điện tử không dừng.

Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành có liên quan quyết liệt triển khai thu phí tự động không dừng nhưng việc triển khai vẫn chậm./.

Theo bnews.vn