Một tuyến đường cao tốc ở Nhật Bản
Tổng quan về hệ thống giao thông đường bộ Nhật Bản
Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, hiện quốc gia này đang sở hữu khoảng 1.215.000km đường bộ, trong đó đường thành phố và các khu vực dân cư sinh sống chiếm tới hơn một triệu kilomet. Ngoài ra, Nhật Bản còn sở hữu 55.000km xa lộ và 8.000km đường cao tốc quốc gia. Hệ thống mạng lưới đường cao tốc có thu phí giúp cho các thành phố lớn tại 3 hòn đảo Honshu, Shikoku và Kyushu có thể kết nối xuyên suốt với nhau. Hệ thống đường được Tập đoàn Quốc gia Japan Highway Public (hiện đã trở thành tập đoàn tư nhân) quản lý và thu phí. Chính sách tư nhân hóa các công ty quản lý đường bộ giúp Chính phủ đưa ra nhằm khuyến khích cạnh tranh và giảm chi phí hoạt động.
Vận chuyển hàng hóa và hành khách thông qua đường bộ đã phát triển một cách rõ rệt vào những năm 1980. Tại thời điểm này, tỷ lệ sở hữu xe cơ giới trên mật độ dân số có mức tăng chóng mặt do chất lượng cũng như quy mô mở rộng của hệ thống đường bộ quốc gia được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, các công ty thuộc lĩnh vực vận tải như JR cũng tiến hành đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt đường dài trên toàn bộ các tuyến đường cao tốc quốc gia. Mức giá hợp lý, khả năng hoạt động liên tục 24/24 giờ cùng với sự tiện nghi đã giúp hệ thống giao thông công cộng đánh bại các dịch vụ hàng không và đường sắt vào thời điểm này.
Song song với sự phát triển của ngành vận tải đường bộ hành khách, ngành vận tải hàng hóa đường bộ phát triển nhanh vào những năm 1980, đạt kỷ lục 274,2 tỷ tấn trong năm 1990. Hàng hóa vận chuyển phần lớn bằng xe cơ giới, chủ yếu là xe tải trong năm 1990, đạt hơn 6 tỷ tấn, chiếm 90% khối lượng của vận tải hàng hóa trong nước.
Áp dụng công nghệ vào phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý
Hệ thống hạ tầng giao thông đã được Nhật Bản chú trọng phát triển từ những năm đầu thế kỷ 20, với hệ thống xe điện đưa vào hoạt động từ những năm 1927 và đường cao tốc vào năm 1963. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản coi trọng việc phân chia hệ thống giao thông đường bộ. Các tuyến đường phần lớn được phân chia theo làn, trong đó xe buýt luôn có làn ưu tiên, cùng với ý thức tốt của người tham gia giao thông nên việc chen làn, vượt làn hầu như không xảy ra. Do đó, việc tắc đường ở Nhật Bản rất hiếm, nếu có xảy ra thì cũng không quá 30 phút và các phương tiện vẫn có lối thoát.
Sự tiến bộ trong việc quy hoạch hệ thống đường bộ là mục tiêu trọng tâm trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Các biện pháp được áp dụng bao gồm mở thêm và cải tạo các tuyến đường sẵn có, phân chia đường cho xe và lề đường cho người đi bộ, ưu tiên mở rộng cải tạo các tuyến đường có tỷ lệ tai nạn cao. Sau một thời gian áp dụng việc nâng cấp lề đường, số vụ TNGT đã giảm 2/3 so với trước khi áp dụng.
Ngoài việc nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông sẵn có, Nhật Bản còn áp dụng công nghệ vào quản lý giao thông, trong đó có sử dụng hệ thống giao thông thông minh ITS. Một trong những ví dụ điển hình sự thành công của biện pháp này là số lượng vụ TNGT tại QL25 của Nhật Bản đã giảm đến 70% sau khi hệ thống cảnh bảo nguy hiểm thông minh được lắp đặt tại các đường cua nguy hiểm trên tuyến đường này. Trong số những biện pháp giảm thiểu TNGT, Nhật Bản là nước đi đầu trên thế giới về ứng dụng khoa học công nghệ
Giáo dục an toàn giao thông
Mạng lưới đường bộ của Nhật Bản
Để cải thiện tình hình TNGT vốn đang có chiều hướng đi xuống tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật ATGT vào năm 1970 với các biện pháp siết chặt quản lý phương tiện cá nhân cùng với thành lập chương trình ATGT cơ bản FTSP. Do đó, số người chết do TNGT đã giảm đáng kể, từ 16.756 vụ trong năm 1970 xuống còn 8.466 vụ vào năm 1979.
Dựa trên các chương trình ATGT cơ bản, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều nguyên tắc cơ bản đối với giao thông trên đường. Các nguyên tắc cơ bản sẽ đánh giá và phân tích sau một chu kỳ 5 năm áp dụng. Dựa trên các đánh giá, cơ quan có thẩm quyền và nhà nghiên cứu sẽ tập hợp dữ liệu để cải thiện và đưa ra mục tiêu mới cho chu kỳ tiếp theo.
Công tác giáo dục giao thông tại Nhật Bản được áp dụng song song với tình hình thực tế. Chẳng hạn tại TP. Kyoto nơi có mật độ sử dụng xe đạp trong giới học sinh tiểu học tương đối cao, các em học sinh phải tham gia khóa huấn luyện về ATGT mới được cấp chứng chỉ sử dụng xe đạp. Các hoạt động tuyên truyền về giao thông ở Nhật Bản thu được hiệu quả một phần nhờ vào cách gắn liền với thực tiễn. Chẳng hạn, để ngăn chặn nạn đỗ xe bừa bãi gây cản trở giao thông, trước hết chính quyền chú trọng quy hoạch khu vực có thể đỗ xe rồi mới tổ chức tuyên truyền.
Theo tapchigiaothong.vn