Nhiều xe gắn đèn màu sáng quắc gây nguy hiểm cho các xe đi ngược chiều. (Ảnh minh họa)

Đối tượng thường nhìn thấy nhất là giới thanh niên choai choai muốn thể hiện đẳng cấp, độ chịu chơi, muốn “làm nổi” từ những chiếc đèn màu, muốn mọi người xung quanh phải nhìn vào chiếc xe “nổi bật” của mình.

Thực tế, ban đầu nhiều chiếc xe được trang trí với những đèn màu sắc bắt mắt cũng chỉ để chơi, làm nổi, đôi khi đi trong phố xả đèn nghịch một chút hoặc cũng chỉ có ý ra oai với xe ngược chiều để buộc phải nhường đường. Nhưng khi đã có đèn màu chiếu sáng, họ bắt đầu quen với những chiếc đèn sáng quắc và cứ thế mà gắn đèn bừa bãi, có những chiếc xe được lắp đèn xung quanh nhìn rất chói mắt, lắp cả đèn phía sau, lắp xung quanh biển số, gắn cả đèn chiếu xa. Điều này là rất nguy hiểm, do độ sáng của những chiếc đèn màu sắcmàu sắc bị chói nên khi mắt thường tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng của đèn này, sẽ phải mất khoảng thời gian nhất định để làm quen lại với môi trường ánh sáng bình thường, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Càng nguy hiểm hơn khi những thanh niên có sở thích “làm nổi” này thường sử dụng đèn chiếu xa để làm sáng và làm nổi bật hơn chiếc xe của mình và đôi khi là công cụ để chiếu rọi, đùa giỡn người khác, điều này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho phương tiện khác rất cao.

Luật cũng đã quy định rất rõ việc sử dụng đèn trong phố và xử phạt hành vi vi phạm đối với người điều khiển phương tiện sử dụng đèn pha chiếu xa như sau:

Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì việc sử dụng đèn chiếu xa trong khu đông dân cư (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định) có thể bị xử phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

Thiết nghĩ các lực lượng chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với những trường hợp cố tình trang trí xe sai quy định này, nhằm góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông, tránh nguy hại cho những người xung quanh.

Duy Nguyễn